Hào hùng những ngày khói lửa

Thứ sáu, ngày 21/12/2012 07:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Thế giới không ai tin được là với trang thiết bị thô sơ, quân đội Việt Nam đã bắn rơi tổng số 81 máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm khốc liệt. Mỗi câu chuyện, mỗi hồi ức đều để lại trong mỗi người dân Việt Nam niềm tự hào”.
Bình luận 0

Đại tá Điền Văn Chuẩn (ảnh) – Trưởng phòng Tuyên huấn, Quân chủng Phòng không- Không quân nói như vậy khi trả lời phỏng vấn Báo NTNN.

img
 

Đợt kỷ niệm cao điểm từ 18 tới 29.12, có nhiều chương trình lớn tái hiện chiến thắng. Vậy điểm nhấn của lễ kỷ niệm là gì, thưa ông?

- Từ nay tới 29.12 sẽ có nhiều hoạt động kỷ niệm, trong đó nổi bật là cầu truyền hình về “Huyền thoại Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”; Đêm hội truyền thống “Âm vang 40 năm chiến thắng…”; Gặp mặt các cựu chiến binh tham gia trận đánh; Giao lưu nhân chứng lịch sử… Điểm nhấn của các hoạt động gợi nhớ về tháng ngày khói lửa và ý nghĩa của chiến thắng.

Lễ kỷ niệm cũng có những chứng nhân quan trọng của cuộc chiến, như không quân thì có Anh hùng Phạm Tuân, Phạm Đức Soát nói về Anh hùng phi công Vũ Xuân Thiều- người đã hy sinh khi lao thẳng máy bay vào B52 để tiêu diệt địch; phòng không- tên lửa thì có Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt… Chiến công của các anh là bằng chứng hào hùng về tinh thần quả cảm và trí tuệ của quân dân Việt Nam khi chiến đấu với không quân Mỹ.

img
Dân quân Từ Liêm, Hà Nội trực chiến trong 12 ngày đêm ĐBP trên không.

Thông điệp chính của lễ kỷ niệm là chiến thắng, ý nghĩa của chiến thắng thể hiện thế nào trong đợt tuyên truyền, thưa ông?

- 12 ngày đêm của tháng 12.1972, quân và dân ta đánh bại trận tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ có mật danh “Lai-nơ Bếch-cơ II” vào thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, buộc Mỹ phải ký kết các điều khoản trong Hiệp định Paris. Lịch sử thì ngắn gọn như vậy, nhưng đó thực sự là một chiến thắng quan trọng, góp phần đi tới chiến thắng chung cuộc.

Lễ kỷ niệm này nhắc nhớ lại một thời oanh liệt, hào hùng, mục đích là giáo dục thế hệ trẻ truyền thống của cha ông, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc. Bên cạnh đó, không vì chiến thắng mà chúng ta chủ quan. Thực tế cho thấy, trong thời bình, hoạt động bảo vệ Tổ quốc vẫn hết sức phức tạp, kẻ thù vẫn có thể tập kích bằng đường không vào nước ta nên việc bảo vệ bầu trời luôn là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Ở các mặt trận trên biển, trên bộ, chúng ta đã chủ động thì phòng không càng phải chủ động hơn.

“Chiến công của các anh là bằng chứng hào hùng về tinh thần quả cảm và trí tuệ của quân dân Việt Nam khi chiến đấu với không quân Mỹ”.

Trong 12 ngày đêm của tháng cuối năm 1972, người dân Hà Nội và nông dân các vùng phụ cận tham gia khá nhiều và làm nên thế trận phòng không nhân dân. Tới giờ, lực lượng này vẫn không thể thiếu khi xảy ra chiến tranh. Lễ kỷ niệm này tác động thế nào tới nông dân, dân quân tự vệ cả nước?

- Điều đặc biệt là rất nhiều phường, xã chủ động mời báo cáo viên ở quân chủng đi nói chuyện về chiến thắng chứ không “đợi tuyên truyền”. Thực tế thì ở các địa phương, lực lượng cựu chiến binh đã được xây dựng thành lực lượng báo cáo viên nói chuyện về 40 năm “Hà Nội – Điện Biên phủ trên không” tới tận cấp xã.

Trong quá khứ, dân quân tự vệ góp phần quan trọng làm nên chiến thắng, thì ngày nay, lực lượng này vẫn tiếp tục rèn luyện và học các bài học lớn từ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” để sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn khi có chiến tranh xảy ra

Xin cảm ơn đại tá!

Nhiều hoạt động kỷ niệm, tri ân

Triển lãm ảnh về "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không". Ngày 20.12, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Bình, Sở VHTTDL phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình tổ chức khai mạc Triển lãm ảnh 40 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. 85 bức ảnh trưng bày tại triển lãm được chia thành 4 đề mục, gồm: Chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng; âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ; Hà Nội chiến đấu và chiến thắng; viết tiếp bản hùng ca "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”. Triển lãm ảnh là dịp để ôn lại giá trị lịch sử, tầm vóc to lớn của chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”.

Trên 7 tỷ đồng tặng quà cho người có công. Nhân dịp Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Hà Nội đã tổ chức thăm và tặng quà cho 5.105 cá nhân và 6 tập thể, gồm những thương binh, gia đình liệt sĩ; người trực tiếp tham gia chiến đấu; gia đình nạn nhân, tập thể tiêu biểu tham gia chiến dịch 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không", với trên 7 tỷ đồng. Trong đó, mức quà thăm và tặng mỗi tập thể là 5,5 triệu đồng; cá nhân có 4 mức, từ 1 - 2,2 triệu đồng.

Khánh thành Nhà tưởng niệm Anh hùng Đại đội 915. Kỷ niệm 40 năm chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Lễ khánh thành công trình Nhà tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 (thuộc Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái) tại phường Gia Sàng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, với tổng kinh phí đầu tư 9,6 tỷ đồng. Công trình nhằm tôn vinh chiến công và sự hy sinh oanh liệt, anh dũng của 60 liệt sĩ thanh niên xung phong trong khi làm nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa, vật tư quốc phòng phục vụ cho chiến trường miền Nam trong đêm Noel năm 1972.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem