Hành trình "tìm con" trắc trở và ca phẫu thuật sinh tử

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 10/02/2024 07:00 AM (GMT+7)
Chị Nguyễn Thị T (38 tuổi, trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã có hành trình “tìm con” suốt 13 năm. Nhưng đến khi chị vỡ òa trong hạnh phúc làm mẹ thì số phận lại thử thách chị lần nữa.
Bình luận 0

13 năm không có con, IVF thành công thì bị ung thư di căn

Chị Nguyễn Thị T (38 tuổi, trú tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã có hành trình "tìm con" suốt 13 năm. Nhưng đến khi chị vỡ òa trong hạnh phúc làm mẹ thì số phận lại thử thách chị lần nữa.

Chị đã phải có lựa chọn sinh tử để có thể đón con yêu chào đời.

Chị chia sẻ, hai vợ chồng đã xây dựng gia đình 13 năm nhưng chồng chị bị ảnh hưởng chất độc màu da cam nên khó có con. Tuy nhiên, anh chị vẫn nuôi hy vọng, tìm cách chạy chữa ở khắp nơi.

Tháng 10 năm 2020, chị T được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2. Chị T đã điều trị ung thư vú trong thời gian dài. Từ năm 2021 đến đầu năm 2023, sức khỏe của chị T ổn định.

Hành trình "tìm con" trắc trở và ca phẫu thuật sinh tử- Ảnh 1.

Ca mổ có sự phối hợp của các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và Phụ sản Trung ương. Ảnh BVCC

Đầu tháng 5/2023 chị T. thực hiện chuyển phôi IVF thành công (phôi được tạo năm 2020 trước thời điểm điều trị hóa chất). Hai anh chị vỡ òa trong niềm vui sắp được làm bố mẹ.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2023 khi ở tuần 20 của thai kỳ, chị T.phát hiện thấy hạch cổ. Khi đi khám thì được chẩn đoán ung thư di căn, bác sĩ khuyến cáo cần điều trị ung thư ngay.

Sau khi được bác sỹ tư vấn kỹ, đứng trước ranh giới lựa chọn điều trị cho mẹ, hay giữ lại 2 con thì chị T chỉ đơn giản và dứt khoát nói: "Em quyết tâm giữ con".

Chị T rời bệnh viện, trở về nhà theo dõi sức khỏe và lắng nghe nhịp đập của 2 sinh linh bé nhỏ đang lớn lên trong cơ thể mình. "Tôi chỉ mong các con khỏe mạnh, bình an chào đời. Vấn đề sức khỏe của tôi không quan trọng bằng cuộc sống của hai con", chị T chia sẻ.

Tháng 11/2023, khi hạch cổ trái tăng kích thước khá lớn, gây hạn chế trong sinh hoạt, vận động cổ kèm đau nhiều, phù nề cánh tay trái, chị được bác sỹ chuyển nhập viện Bệnh viện K Trung ương. 

Giọng nói yếu ớt, nhưng ánh mắt của chị T vẫn kiên định, quyết tâm giữ lại hai con. Chị cũng hết sức cố gắng phối hợp với bác sĩ, cầm cự giữ sức khỏe để con ở trong bụng mẹ thêm được ngày nào thì tốt ngày đó, đợi được đến ngày có thể vững vàng chào đời.

Hành trình "tìm con" trắc trở và ca phẫu thuật sinh tử- Ảnh 2.

Người mẹ khi lên bàn mổ có sức khỏe yếu khiến các bác sĩ đã trao đổi rất kỹ về quá trình tiến hành phẫu thuật về các diễn biến có thể xảy ra trong mổ (Chuẩn bị phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh BVCC)

Các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương quyết định trao đổi cùng Bệnh viện Phụ sản Trung ương để theo dõi sát sự phát triển của khối u cho chị T để kéo dài tối đa tuần tuổi thai kỳ.

Đến đầu tháng 12/2023, khi thai kỳ bước sang tuần 34, sức khỏe của người mẹ cũng đã quá yếu, các bác sĩ Bệnh viện K Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã quyết định mổ bắt con cho thai phụ.

2 em bé gái song sinh nặng 1800gram chào đời trong cảm xúc vỡ òa của người mẹ khát khao mong ngóng con, dù phía trước là hành trình rất dài chị T. cần cố gắng vượt qua.

Ca mổ thách thức cả bệnh nhân lẫn bác sĩ

Sau 2 tuần theo dõi và điều trị tích cực tại Khoa Nội 6 và Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện K Trung ương), khối u tiếp tục tiến triển.

Các bác sĩ liên tục hội chẩn liên viện để đánh giá toàn trạng bệnh nhân, PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K Trung ương cho biết: "Bệnh nhân T. là trường hợp ung thư vú trái tái phát di căn hạch thượng đòn trái xâm lấn da/Song thai IVF sang tuần 32 tuần.

Kết quả siêu âm cổ trái có nhiều hạch tập trung thành đám đường kính 13mm; Siêu âm Doppler mạch máu: Huyết khối hoàn toàn tĩnh mạch nách và đoạn đầu tĩnh mạch cánh tay trái. Động mạch có huyết khối bán phần đoạn đầu động mạch cánh tay trái. Phù nề toàn bộ phần mềm chi trên bên trái. Huyết khối động tĩnh mạch chi trên trái.

Hành trình "tìm con" trắc trở và ca phẫu thuật sinh tử- Ảnh 3.

Người mẹ đã không kìm nổi nước mắt khi nhìn thấy con bé bỏng. Ảnh BVCC

Khó khăn đặt ra với ekip bác sỹ điều trị đó là vừa kiểm soát sự tiến triển của khối u, vừa đảm bảo an toàn cho song thai phát triển. Khối u hạch chèn ép gây đau đớn cho người bệnh; phải chống đông xử lý huyết khối của khối u nếu không sẽ có nguy cơ tắc nghẽn phổi.

Suốt 2 tuần, các bác sỹ Bệnh viện K Trung ương phải đưa ra các phương án điều trị, chăm sóc đặc biệt từ dinh dưỡng, tim mạch, ung thư ... Hiện tại u phát triển rất nhanh, nếu không mổ khối u có thể gây xâm lấn, vỡ tắc mạch, chèn ép, khó thở, vì vậy phương án đưa ra là phẫu thuật đảm bảo an toàn cho 3 mẹ con chị T".

Mọi công tác chuẩn bị được diễn ra khẩn trương và cẩn trọng nhất. Ekip phẫu thuật cũng có sự tham gia của bác sỹ cả 2 bệnh viện. Các bác sĩ đã trao đổi rất kỹ về quá trình tiến hành phẫu thuật về các diễn biến có thể xảy ra trong mổ. Cuộc mổ được cân nhắc, tính toán kỹ càng để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Hành trình "tìm con" trắc trở và ca phẫu thuật sinh tử- Ảnh 4.

Hai bé gái được đón cái Tết đầu tiên trong niềm hạnh phúc vô tận của gia đình. Ảnh BVCC

Chỉ ít phút sau ca mổ diễn ra, đúng 12h10 phút 2 bé gái Nghiêm Thị Lý; Nghiêm Thị Huyền đều nặng 1800 gram chào đời, tiếng khóc của em như khiến niềm vui vỡ òa của người mẹ, ekip mổ cũng rất xúc động. Em bé nhanh chóng được các bác sĩ chuyển đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương để chăm sóc.

Ca mổ tiếp tục được thực hiện phối hợp nhịp nhàng dù còn nhiều khó khăn nguy cơ chảy máu. Sau gần 1 giờ đồng hồ, cuộc mổ kết thúc thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng của ekip phẫu thuật liên viện.

Người mẹ còn hành trình dài phía trước để điều trị, chống lại bệnh ung thư để có thể sớm gặp các con và khỏe mạnh để theo con trưởng thành.

"Nhìn thấy 2 con khỏe mạnh là ước nguyện lớn nhất của cả gia đình, cảm ơn các bác sỹ 2 bệnh viện rất nhiều, em sẽ quyết tâm điều trị để sớm được gặp và chăm sóc các con", chị T nghẹn ngào.

Sau 13 năm chờ đợi, vợ chồng chị T đã được ôm 2 cô con gái bé bỏng, đón xuân Giáp Thìn đầy hy vọng. Cho dù chặng đường phía trước để chống chọi với bệnh tật còn gian nan nhưng chị T vẫn tin tưởng hướng tới vì "làm mẹ sẽ có thêm mạnh mẽ".

"Chị em đã điều trị ung thư, trong thời gian sau điều trị nên theo dõi sức khỏe của bản thân, tái khám đúng hẹn.

Nếu như vẫn có mong muốn sinh còn cần trao đổi với bác sỹ chuyên khoa ung bướu để bác sĩ thăm khám, tư vấn và phối hợp các chuyên khoa khác đưa ra cho bạn lời khuyên hữu ích nhất, đảm bảo về khoa học và ý nghĩa nhân văn"

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K Trung ương

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem