Hẩm hiu sáng chế của nông dân: Vướng ở nhiều khâu

Minh Huệ - Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 19/12/2014 07:43 AM (GMT+7)
Không quá lời khi ví quá trình hình thành ý tưởng, thử nghiệm tới tạo ra sản phẩm của những nông dân (ND) sáng chế vất vả như “vượt cạn”, trong đó khó khăn lớn nhất đối với họ vẫn là vốn, mặt bằng sản xuất và… sự nhiệt tình của cơ quan chức năng, doanh nghiệp.     
Bình luận 0

Các “nhà” chưa gặp nhau

Liên quan tới sáng chế lò đốt rác của ông Bùi Văn Kiên ở xã Thái Giang (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), đại diện của Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) cho biết, những nghiên cứu của ông Kiên có nhiều điểm mới vượt trội, thiết bị hoạt động tốt nhưng rất khó ứng dụng vào thực tế vì hiện tại, các khu vực xử lý rác thải đều do những “đại gia” về tài chính đầu tư, một số doanh nghiệp xử lý rác thải cũng nhập khẩu máy móc nước ngoài.

img
Ông Đinh Công Viên (xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) với chiếc máy "4 trong 1" do ông sáng chế, có thể tách ngô, vò đậu tương, tuốt lúa, tuốt lạc.   Ảnh: Dương Thanh
Ông Lê Thanh Thuấn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sao Mai (An Giang) cho biết: “Lâu nay các doanh nghiệp rất cần những sáng chế có tính ứng dụng cao, mặc dù các nhà khoa học, viện, trường có hàng nghìn đề tài, sáng chế nhưng khó ứng dụng vì thiếu tính khả thi. Với các sáng chế của ND, cần có thêm sự hỗ trợ của Nhà nước và sự tham gia của các nhà khoa học để phát triển tiếp các ý tưởng đó một cách hoàn chỉnh”. Cũng theo ông Thuấn, điểm yếu trong những sáng chế của ND là hình thức kém, thô kệch, hoạt động không ổn định do linh kiện chủ yếu được chắp vá từ các loại phế liệu; bên cạnh đó, do nhiều công trình không được đăng ký bản quyền nên sản phẩm rất dễ bị sao chép.

Tương tự, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Tổng Công ty Máy nông nghiệp Việt Trung thừa nhận doanh nghiệp của ông chưa bao giờ mua sáng chế của ND. “Tôi đã đi xem các máy nông nghiệp do ND cải tiến, nhưng chưa bỏ tiền ra đầu tư vì hầu hết sáng chế của họ chỉ phù hợp đặc thù một vài vùng đất, được mặt này lại hỏng mặt kia. ND thiệt thòi ở chỗ họ không có vốn nên sản phẩm làm ra thường bị chắp vá, thiếu đồng nhất, ngoài ra họ không có tư cách pháp nhân, lại ít quan tâm đến đăng ký bản quyền sáng chế. Vì vậy không doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư để sản xuất đại trà”.

Trên thực tế, giữa Bộ KHCN và Hội ND Việt Nam đã từng có cơ chế “liên kết 4 nhà” từ hơn 12 năm trước, nhưng đến nay vốn hỗ trợ cho ND sáng tạo và áp dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất vẫn rất nhỏ giọt. TS Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội ND Việt Nam cho biết: “Mặc dù việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đang được nhân rộng, nhưng vấn đề hợp tác giữa ND, nhà khoa học, doanh nghiệp vẫn chưa phát huy hiệu quả, do việc hỗ trợ vốn cho nhà nông sáng tạo chưa sát với nhu cầu vốn cũng như công sức họ bỏ ra; các cấp hội cơ sở, các ngành liên quan cũng chưa làm tốt vai trò cầu nối...”. Cũng theo ông Lượng, cần phát hiện, khen thưởng kịp thời các sáng chế để các sáng chế này dần hoàn thiện hơn, ứng dụng nhiều hơn.

Cơ chế “bó” sáng tạo

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ KHCN mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã khẳng định Nhà nước luôn đánh giá cao các ý tưởng sáng tạo, sáng chế của người dân. Tuy nhiên phụ thuộc vào nhu cầu thực tế, nguồn lực hỗ trợ cho những sáng tạo của người dân hiện chưa được quy định cụ thể...

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc cha con ND Trần Quốc Hải ở Tây Ninh đã sang Campuchia sửa chữa, chế tạo thành công xe bọc thép và được Campuchia trao tặng Huân chương Đại tướng quân, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng: “Ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam đã làm tốt việc sửa chữa xe tăng, máy móc nên chưa cần huy động đến người dân. Với Campuchia, họ có nhu cầu, cơ chế tài chính thông thoáng, lấy ngân sách nhà nước hàng triệu đôla mà không cần phải thuyết minh dự toán, đấu thầu... thì cũng là một cái chúng ta nên nghiên cứu xem xét. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì chắc chắn chúng ta sẽ phải sửa Luật Ngân sách nhiều lắm”.

Trước đó, bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chưa có điều khoản nào trong các văn bản luật pháp cho phép cơ quan nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân, mà phải trông vào xã hội hóa. Còn nếu cơ chế cho phép hỗ trợ ở mức như Chính phủ Campuchia làm thì chắc chắn người dân có thể sáng tạo ngay trên quê hương mình”. Theo Bộ trưởng: “Ở đâu đó nếu có hỗ trợ được ND thì cũng phải xã hội hóa hoặc dùng những khoản kinh phí rất hạn chế từ ngân sách nhà nước để làm. Đây cũng là một trong những hạn chế của cơ chế, chính sách, làm kìm hãm sức sáng tạo của người dân và làm chảy máu chất xám”.

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy – Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ NNPTNT) cũng nhấn mạnh: “Chúng ta không lãng quên, không thờ ơ với sáng chế của ND mà ngược lại, luôn khuyến khích vai trò sáng tạo của mỗi người dân cũng như nhà khoa học. Nhưng để được ứng dụng vào thực tế trên diện rộng, những sáng chế đó cần được đầu tư bài bản hơn, trong đó việc cấp chứng nhận độc quyền sáng chế là rất quan trọng”.

    Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) cho biết: "Mới đây liên Bộ Tài chính - KHCN đã ra thông tư liên tịch hướng dẫn cụ thể về việc quản lý tài chính đối với quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Theo đó, vốn điều lệ của quỹ là 1.000 tỷ đồng, và quỹ được cấp vốn ngân sách nhà nước hàng năm để đạt tổng mức điều lệ của quỹ. Một trong những nhiệm vụ của quỹ này là hỗ trợ nhóm nghiên cứu mạnh, người có nhiều tiềm năng với tham vọng tạo được lực lượng mũi nhọn về công nghệ cho đất nước. Tức là quỹ sẽ rất "mở" với những trường hợp cụ thể".  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem