Hà Nội những ngày sục sôi 75 năm trước...

Mai Nguyên Thứ ba, ngày 18/08/2020 11:40 AM (GMT+7)
Câu chuyện giành chính quyền những ngày tháng 8/1945, và giây phút lắng nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập qua mấy chiếc loa cũ, luôn là ký ức sống động. Rất nhiều năm trôi qua, nhiều nhân chứng ngày ấy đã đi xa, nhưng những câu chuyện họ để lại vẫn có thể khiến ta hình dung được phần nào về tháng ngày không quên đó.
Bình luận 0

Ký ức mà ông Vũ Đức Phúc – nguyên Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến thị xã Ngọc Thuỵ - người phụ trách dẫn đoàn Gia Lâm dự mít tinh ngày 2/9/1945 -  từng kể, dù người kể đã đi xa, cũng là một phần như thế. 

Hà Nội những ngày sục sôi 75 năm trước... - Ảnh 1.

Đông đảo nhân dân tập trung tại vườn hoa Ba Đình hay còn gọi là Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập ngày 2/9/1945. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

Giành chính quyền

Trước năm 1945, huyện Gia Lâm (gồm cả địa phận quận Long Biên, TP.Hà Nội bây giờ) thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Khu vực phố Gia Lâm (bây giờ là đường Ngọc Lâm, nhà ga Gia Lâm, sân bay Gia Lâm) khi đó là thị xã Ngọc Thụy. Sau năm 1946, thị xã Ngọc Thụy đổi tên thành xã Hồng Tiến. Năm 1954, phố Gia Lâm mới chính thức sát nhập vào Hà Nội. Toàn bộ thị xã Hồng Tiến (Ngọc Thuỵ) trở thành quận Long Biên vào năm 2003.

Thế nên khi đó, dù là thuộc quản lý của tỉnh Bắc Ninh nhưng trước năm 1945, ông Vũ Đức Phúc vẫn tham gia Việt Minh của thành Hà Nội. Những ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa, ông Phúc kể lại rằng không khí đã rất sôi nổi rồi. Những ngày ấy, người dân truyền tay nhau "Thư gửi đồng bào toàn quốc" của Hồ Chí Minh, đọc đi đọc lại đến thuộc. Ai cũng hồ hởi, biết là cuộc khởi nghĩa này do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Sau cách mạng tháng Tám, ông Vũ Đức Phúc được bầu làm Chủ tịch thị xã Ngọc Thụy (bây giờ là quận Long Biên). Đến ngày toàn quốc kháng chiến, ông Phúc về Bắc Ninh, làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Võ Giàng.

Ngày 18/8, Việt Minh Ngọc Thuỵ nắm được thông tin tri phủ Gia Lâm đang đi thị sát đê điều. "Chúng tôi chia làm hai tốp, một tốp chặn tay tri phủ ở ngay phố Gia Lâm (phố Ngọc Lâm bây giờ), một tốp xông vào nhà tri phủ. Tri phủ đã bị uy hiếp, lính canh ở nhà đều quy hàng nhanh chóng. Chúng tôi thu giữ được 18 khẩu súng trường. Ngay hôm đó, tất cả chia nhau khẩn trương mang sang nội thành tập trung để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa" - ông Phúc nhớ lại.

Hành trình mang 18 khẩu súng sang đến nội thành cũng rất gian nan. Tuy khi đó Nhật Bản đã đầu hàng nhưng các chốt canh vẫn còn, một số kẻ vẫn rất ngoan cố. Việt Minh chia súng làm nhiều phần. Có người cho súng vào một chiến chăn bông, ôm chăn bông theo người, buộc một con lợn phía trước, giả như đang mang lợn sang nội thành. Thế nhưng trót lọt tới Nhà hát Lớn thì có mấy anh em bị giữ lại. Lúc ấy căng thẳng lắm, vì nếu số súng này bị tịch thu thì bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể. Giằng co tới gần chiều, Việt Minh mới nảy ra ý định nhờ cậy người dân chung quanh. "Chúng tôi đi gõ cửa những nhà dân quanh đó nói: Nhật Bản thu giữ súng của chúng tôi, xin nhờ đồng bào giúp đỡ". Vậy là chỉ một lúc, có gần trăm người ào ra, ồn ào yêu cầu Nhật Bản trả lại súng cho Việt Minh" - ông Phúc kể.

Hà Nội những ngày sục sôi 75 năm trước... - Ảnh 3.

Ngày 19/8/1945, cả Thủ đô ngập tràn cờ đỏ sao vàng. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Những ngày đó, Việt Minh hoạt động rất thuận lợi, vì người dân sẵn sàng ào ra đường ủng hộ như thế. Cách đó chỉ vài hôm, một đồng chí trong nhóm Ngọc Thuỵ bị người của Sở Cẩm Gia Lâm bắt giữ tại chân cầu Long Biên. Không hiểu sao mà dân cả thị xã biết chuyện, họ kéo ra vây kín Sở Cẩm. Đấu tranh suốt một ngày đêm, cuối cùng chúng phải nhượng bộ thả người.

Cuộc chuẩn bị vũ khí vào ngày 18/8 cũng nhờ sự giúp đỡ của bà con mà tới 6 sáu giờ chiều, súng ống đã được đưa về điểm tập kết.

Hà Nội những ngày sục sôi 75 năm trước... - Ảnh 4.

Ông Vũ Đức Phúc (ảnh chụp năm 2013). T.L

Ngày 19/8, cả Hà Nội và Gia Lâm sôi sục không khí khởi nghĩa. Khi ấy, có hai điểm cần giành quyền kiểm soát là trụ sở Hội đồng Thị xã và Sở Cẩm. Hội đồng Thị xã Ngọc Thụy khi đó do ông Đào Công Phách làm Chánh Hội đồng thị xã. Đây là một người có cảm tình đặc biệt với Việt Minh.  Trước ngày khởi nghĩa, ông còn bí mật ủng hộ Việt Nam 200 đồng bạc. Khi ấy, chỉ cần ba đồng bạc là có một tạ gạo, 200 đồng bạc là cực kỳ quý giá.

Lực lượng Việt Minh tiến vào trụ sở Hội đồng thị xã, hầu như không gặp trở ngại gì. Ở Sở Cẩm, sau đợt mít tinh đòi thả người của đông đảo quần chúng mấy ngày trước, lính Sở Cẩm cũng hầu như không còn tinh thần chiến đấu. Khi Việt Minh đến, họ đã sẵn sàng bàn giao sổ sách, súng đạn.

Có một chi tiết thú vị với riêng ông Phúc là nhiều năm sau, thị xã Ngọc Thụy đổi tên thành xã Hồng Tiến, chủ tịch xã khi đó chính là ông Đào Công Phách. Và ông Phách là người đã ký giấy hôn thú cho ông Vũ Đức Phúc 5 năm sau ngày cách mạng tháng Tám thành công.

"Rõ ạ!"

Hà Nội những ngày sục sôi 75 năm trước... - Ảnh 5.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. TTXVN

Đương thời, trong những lần trò chuyện với phóng viên, ông Phúc vẫn nói rằng những ngày tháng 8 với ông là những ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời thăng trầm của mình. "Ngày đó người chật kín các ngả đường Hà Nội. Cờ treo khắp nơi".

Đêm ngày 1/9, đoàn Gia Lâm được tin sáng  mùng 2 đi dự mít tinh tuyên bố độc lập ở Ba Đình. Cả đêm, đồng bào các tỉnh đã đổ về. Những tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang đều cơm đùm cơm nắm, đi từ hôm trước để đến Hà Nội kịp. Gia Lâm tối 1/9 đã rất đông người từ cách tỉnh kéo đến. Chính người dẫn đầu khi đó là ông Phúc cũng không đếm hết có bao nhiêu người theo đoàn. 

Bỗng nhiên, tiếng loa rè rè, rồi tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không". Bác nói chậm, từng chữ một. Riêng câu nói đó thì sao mà rõ ràng thế. Cả biển người đang im lặng, thốt nhiên ào lên "Rõ ạ, rõ ạ", dù không hề được nhìn thấy Bác...

Sáng sớm ngày 2/9, đoàn Gia Lâm đã đi bộ qua cầu Long Biên vào trung tâm Hà Nội. Cây cầu cũ rung bần bật. Đông đảo bà con vừa háo hức đi, vừa hát vang: "Bao chiến sỹ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường…" đến "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc…".

Hà Nội ngày đó chưa bao giờ đông đến thế, người chật kín các ngả. Xuống đến chân cầu Long Biên đã có lực lượng tự vệ đứng chỉ đường. Tuy đông nhưng bà con rất trật tự, xếp hàng ngay ngắn và tự giác. Mặt ai cũng tươi vui, hát vang trời và không ai chen lấn, xô đẩy. Dự tính lịch trình đoàn sẽ tới khu vực trung tâm Ba Đình, nơi Bác Hồ dự định đọc Tuyên ngôn độc lập. Nhưng vì người quá đông, đoàn đi tới Hồ Gươm thì được chỉ dẫn dừng lại, do người đã tập trung kín đường, không thể đi tiếp. Theo hướng dẫn, đoàn dừng lại trước cửa khách sạn Phú Gia (đường Lê Thái Tổ bây giờ). Mặc dù mọi người đều tiếc nuối vì không được đi tiếp nhưng đều nhanh chóng ổn định trật tự.

Đúng giờ, tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh vang lên, biển người đang xôn xao liền im phăng phắc. Ngày ấy mới giành chính quyền, Việt Nam chỉ lấy được vài cái loa cũ của Pháp, chất lượng truyền thanh rất kém. Đoàn người ở xa, nghe tiếng Bác qua loa tiếng được tiếng mất. Biết là Người đang đọc Tuyên ngôn độc lập, nhưng hầu như không thể nghe rõ từng lời. Kỳ lạ là không một ai phản ứng, tất cả đều im lặng, như thể tất cả đều hiểu những lời thiêng liêng đó. Bỗng nhiên, tiếng loa rè rè, rồi tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không". Bác nói chậm, từng chữ một. Riêng câu nói đó thì sao mà rõ ràng thế. Cả biển người đang im lặng, thốt nhiên ào lên "Rõ ạ, rõ ạ", dù không hề được nhìn thấy Bác. "Sau này, tôi có vinh dự được gặp Bác nhiều lần trong các hội nghị ngành, nhưng không bao giờ tôi quên cảm giác khi nghe tiếng của Bác ngày hôm đó, khi tôi đứng trước cửa khách sạn Phú Gia, cùng tất cả mọi người thét to "Rõ ạ" – ông Phúc cho hay.

Hà Nội những ngày đó và cả mấy ngày sau khắp nơi rực rỡ cờ hoa. Cách mạng mới thành công, nhưng nhà nào cũng tự chuẩn bị cờ đỏ sao vàng treo trước cửa. Có gia đình xé hẳn mấy cái áo cánh chúc bâu trắng. Nhà ông Phúc cũng lấy cái áo dài trắng, nhuộm đỏ, dán ngôi sao vàng làm từ giấy vàng mã để treo cờ.  "Vải ngày đó đắt lắm, tôi suốt mấy năm trời chỉ có hai cái quần vải đay, cứ giặt nước là khô lại như mo cau, có được quần áo bằng vải là nâng niu vô cùng. Nhưng không ai lúc đó tiếc vải cả" - ông Phúc tâm sự. Những lá cờ tự làm, không theo tiêu chuẩn nào, không cùng kích cỡ, vẫn tung bay rực rỡ trong ngày Độc lập.

Sau cách mạng tháng Tám, ông Vũ Đức Phúc được bầu làm Chủ tịch thị xã Ngọc Thụy (bây giờ là quận Long Biên). Đến ngày toàn quốc kháng chiến, ông Phúc về Bắc Ninh, làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến huyện Võ Giàng. Người Cộng sản kiên định chưa một lần dao động, mỗi lần nhắc lại những ngày tháng Tám, những năm tháng chiến đấu bên cầu Long Biên đều rưng rưng, cũng  đã về với đất mẹ... Thế hệ ngày ấy, mang theo mình tất cả những kiêu hãnh, lý tưởng, cả vất vả gian nan, nhưng ký ức của họ, chưa từng bao giờ thôi đẹp đẽ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem