Hà Đông trong tôi (kỳ 1)

Ngô Khiêm Thứ năm, ngày 24/06/2021 08:50 AM (GMT+7)
Hà Đông trong tôi có biết bao ký ức đẹp đẽ của một thời thơ ấu sống dưới quê nhà xứ Đông và như một sự sắp đặt của số phận mà hiện nay tôi lại chọn mảnh đất này làm nơi an cư của mình.
Bình luận 0

Từ sự nhầm lẫn

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo bên bờ sông Kinh Thầy thơ mộng, dòng sông đã gắn với bài thơ rất nổi tiếng của "thần đồng thơ" Trần Đăng Khoa – "Hạt gạo làng ta" mà ai ai cũng biết, cũng thuộc.

Khi lớn lên tôi đã cảm nhận thấy (vì lúc ấy tôi còn quá bé) sự xuất hiện của một người phụ nữ lớn tuổi, tên Khuyên (gọi theo tên chồng) ở trong căn nhà của mình.

Bà là người làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) tá túc ở nhà tôi để đến phiên chợ lại mang "đặc sản" nón của quê hương đến bán ở khắp các chợ trong và ngoài xã tôi, như chợ Lữ, chợ Lê, chợ Mông, chợ Đọ…, thậm chí còn ở chợ Đông Triều (nay thuộc thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Hà Đông trong tôi (kỳ 1) - Ảnh 1.

Cổng vào làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội). (Ảnh: Nguyễn Bình).

Cứ độ dăm bữa nửa tháng thì ông Khuyên lại xuống mang theo những gánh nón ở quê nhà để tiếp tế cho bà bán.

Chẳng là chồng của bà có một người em gái lấy chồng trong dòng họ tôi và vì quý mến tình cảm nên bố mẹ tôi đã mời bà về ở cùng, dẫu căn nhà của đôi "vợ chồng trẻ" cũng chẳng rộng rãi gì.

Theo lời kể của mẹ tôi thì mỗi phiên chợ bà thường mua những cục xương ống (lợn) to tướng mang về để mẹ nấu cháo cho tôi ăn cho có chất, tất nhiên hồi đó những chiếc xương ống (chỉ để lấy nước không có thịt) là rất quý.

Chợ thường họp buổi sáng nên đó là buổi bà tất bật còn buổi chiều bà thường tranh thủ xem mẹ tôi làm gì thì một chân, một tay làm cùng.

Bà gặt lúa rất nhanh và nhổ hành cũng rất giỏi (quê tôi được ví là "thủ phủ" hành của miền Bắc). Bà còn có "biệt tài" nấu canh bồng khoai (nhiều nơi gọi là ngó khoai) với mắm cáy mà ăn không hề ngứa.

Dần dà bà thân quen đến nỗi mọi người không còn gọi tên của bà nữa mà thường gọi "bà bán nón Hà Đông". Hai chữ "Hà Đông" ngấm vào tôi từ đó và giúp tôi hình dung ra mảnh đất với những con người sống chan hòa, tình cảm như bà.

Hà Đông trong tôi (kỳ 1) - Ảnh 2.

Tác giả - nhà báo Ngô Khiêm (Ảnh: Thành Kều).

Thực ra đó là sự nhầm lẫn vì làng của bà thuộc một huyện của tỉnh Hà Tây (cũ) chứ không phải thị xã Hà Đông – trung tâm của tỉnh Hà Tây như người dân làng tôi vẫn nghĩ.

Nhưng điều đó đâu có quan trọng bởi với những người nông dân chân chất, mộc mạc như cây lúa, cây ngô thì cũng chỉ biết đến Hà Đông – địa danh gắn với những câu nói nổi tiếng, như "Sư tử Hà Đông" hay "Hà Đông quê lụa" mà thôi.

Nói thật là tôi cũng không nhớ bà ở nhà tôi đến khi nào thì về quê nữa vì lúc ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu mọi chuyện nhưng có điều chắc chắn là bà đã xuất hiện ở làng tôi, ở nhà ông bà nội, ở nhà bố mẹ tôi không dưới chục năm.

Theo thời gian, tình cảm mà ông bà tôi, bố mẹ tôi dành cho bà, cũng như bà dành cho gia đình tôi không còn là "chủ nhà và khách trọ" mà là một thứ tình cảm không khác gì "máu mủ ruột già".

Thế rồi tôi lớn lên từng ngày và dần quen với sự thiếu vắng của bà trong căn nhà nhỏ của mình, chỉ thỉnh thoảng nghe mẹ tôi kể rồi hỏi lại: "Con có còn nhớ bà hay đi chợ mua xương ống nấu cháo cho con không?".

Đến một "Hà Đông khác"

Nhưng rồi tôi lại tìm thấy một "Hà Đông khác" khi mỗi buổi chiều hè nắng nóng, nghe qua chiếc loa phát thanh đằng sau nhà bà nội phát hai ca khúc "Hà Tây quê lụa" của nhạc sĩ Nhật Lai qua tiếng hát vô cùng đặc biệt của NSND Quốc Hương và "Dòng sông quê anh, dòng sông quê em" của nhạc sĩ Đoàn Bổng qua tiếng hát của hai ca sĩ Việt Hoàn – Anh Thơ.

Sở sĩ tôi lại nhắc đích danh những ca sĩ thể hiện vì đó là một phần ký ức của tôi, không nhầm lẫn với giọng ca nào khác và có lẽ đến giờ cũng khó có ca sĩ nào hát vượt họ ở những ca khúc nổi tiếng ấy.

Hà Đông trong tôi (kỳ 1) - Ảnh 3.

Quang cảnh quận Hà Đông nhìn từ trên cao. (Ảnh: HNG).

Tại sao tôi lại chỉ nhớ đến mùa hè, bởi vì nghe đến những dòng sông, như:  Sông Đáy, sông Đà, sông Tích trong hai bài nói trên tâm hồn tôi lại được "giải khát" trong những ngày "Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy".

Hồi ấy ở làng tôi ti vi rất ít, chủ yếu tiếp nhận thông tin qua nghe đài nhưng ngẫm nghĩ lại thì thấy nghe đài có những cái riêng, rất thú vị mà ti vi không có được.

Và nhất là được nghe trong một không gian rộng lớn của làng quê mà bất cứ ai dù đang làm gì, ở ngoài đồng hay đang ở nhà cũng có thể "chung nhịp trái tim với cánh sóng".

Tôi tuy không biết hát nhưng tôi lại rất thích nghe nhạc mà là những ca khúc đi cùng năm tháng, những ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước và con người Việt Nam rồi cảm nhận về cái hay, cái độc đáo của từng vùng quê và con người cụ thể.

Cho nên khi nghe những hai ca khúc ấy và sau này thêm một số bài hát khác về Hà Đông, tôi lại da diết nhớ về vùng đất mà "anh phi công bàng hoàng ngỡ mình bay trên gấm vóc", với dòng sông Đáy dịu dàng, hiền hòa, thướt tha như người con gái tuổi trăng tròn, rất xinh đẹp, lãng mạn và tràn đầy nhựa sống...

Dù tôi biết rằng hai ca khúc trên không chỉ nói về Hà Đông mà còn nói về cả vùng đất Hà Tây rộng lớn nhưng sự thực thì Hà Đông chính là "tinh hoa" của mảnh đất Hà Tây, nơi hội tụ những gì là tốt đẹp nhất, tinh túy nhất của các huyện, thị trong tỉnh cũ này.

Rồi lý trí nuôi dưỡng ước mơ trong tôi được đến một lần đến với Hà Đông, được ngắm nhìn các dòng sông, được gặp những con người như "bà bán nón Hà Đông" mà tôi đã từng gặp và từng được nghe mẹ kể.

(còn nữa)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem