Gỡ rào cản, lâm sản lập kỷ lục

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 08/07/2019 08:48 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn về thị trường do những hàng rào kỹ thuật mới, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, lâm sản ngoài gỗ vẫn tiếp tục cán những kỷ lục mới. Có được điều đó là do thời gian qua ngành chức năng đã rất nỗ lực tháo gỡ các rào cản thương mại.
Bình luận 0

Xuất siêu 4 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản tăng đều trong 6 tháng qua, ổn định ở mức xấp xỉ 20% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 5,23 tỷ USD, đạt 50% kế hoạch năm; xuất siêu khoảng 4 tỷ USD. Điểm đến của 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam là các thị trường truyền thống (Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc) có yêu cầu khắt khe về chất lượng, mẫu mã sản phẩm và nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, đồ gỗ và lâm sản Việt Nam đã tiếp tục khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế; duy trì vị trí đứng đầu Đông Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới về xuất khẩu lâm sản.

img

Hơn 200.000ha rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (ảnh tư liệu). Ảnh: I.T

“Bên cạnh việc xuất khẩu đến 120 quốc gia trên thế giới, đồ gỗ Việt Nam đang quay lại thị trường nội địa, gắn kết chặt giữa người làm nghề rừng, doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo động lực trực tiếp cho sản xuất lâm nghiệp, hình thành chuỗi liên kết đúng nghĩa” – ông Trị nói.

Tháo gỡ các rào cản thương mại được coi là một trong những động lực giúp ngành gỗ đạt được thành công như hôm nay. Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, chúng ta đã tích cực và chủ động gặp gỡ, làm việc và đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Mỹ, Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc; cung cấp thông tin về ngành chế biến gỗ Việt Nam và các quy định của Việt Nam về gỗ hợp pháp; chủ động cung cấp thông tin pháp lý, thông tin thị trường gỗ và lâm sản trên toàn cầu để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ của Việt Nam.

“Điều quan trọng là chúng ta chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và EU (VPA/FLEGT), cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, phát triển bền vững ngành gỗ; đồng hành các doanh nghiệp đưa Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài” - ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, bảo đảm kinh doanh rừng lâu dài, liên tục và đạt hiệt quả kinh tế cao, ổn định về trữ lượng và đầu ra cho người dân đã góp phần nâng cao vị thế gỗ Việt. Không chỉ giúp duy trì tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo vai trò phòng hộ, duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý rừng bền vững còn tạo vùng nguyên liệu chủ động, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ mới là 17.000ha, tổng diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững là 237.386ha. Hệ thống chứng chỉ rừng Việt Nam đã trở thành thành viên hợp tác thứ 50 với Chương trình phê duyệt các hệ thống chứng chỉ rừng (PEFC). 

Tiếp tục tái cơ cấu

Theo ông Nguyễn Quốc Trị, để giữ vững thành quả của ngành, trong thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp; tăng cường công tác quản lý chất lượng giống, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn quốc gia về công tác quản lý giống. Tăng cường chỉ đạo công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Đánh giá mức độ thiệt hại về rừng, đề xuất ngay phương án khôi phục diện tích rừng bị cháy; tập trung chỉ đạo giải quyết các điểm nóng về phá rừng và vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, để nâng cao giá trị ngành gỗ, các địa phương cần tạo cơ chế để phát triển các cơ sở chế biến gỗ công nghệ cao. “Hiện, Nghệ An, Bình Dương, Bình Phước đã thành lập các khu chế biến gỗ công nghệ cao. Vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT phải tiếp sức cho doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng” – ông Tuấn nói.

Bên cạnh đó, ông Tuấn đề nghị ngành lâm nghiệp tiếp tục tập trung làm tốt công tác cải cách hành chính. “Thứ nhất là dứt khoát thực hiện giảm điều kiện kinh doanh; xây dựng Chính phủ điện tử, cụ thể là xử lý văn bản trên mạng. Hiện, 98% văn bản thông thường của Bộ đã được phát hành và ký chữ ký điện tử. Thực hiện tốt việc sắp xếp hiệu quả các nông lâm trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị rừng” – Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem