Giúp hộ chăn nuôi phòng bệnh an toàn

Chủ nhật, ngày 13/10/2013 16:51 PM (GMT+7)
Ngày 11.10, tại tỉnh Quảng Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam tổ chức Diễn đàn “Giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ”.
Bình luận 0
Diễn đàn thu hút trên 200 đại biểu là cán bộ khuyến nông, chủ trang trại chăn nuôi của khu vực.

Mỗi tỉnh cần có một đề án chăn nuôi

Tiến sĩ Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: “Tổng đàn trâu cả nước hiện nay 2,7 triệu con, bò 5,2 triệu con, lợn là 26,5 triệu con, gia cầm 308 triệu con, dê là 1,25 triệu con. Vùng duyên hải miền Trung (DHMT) có tổng đàn bò đạt khoảng 1.189.000 con, là vùng có số lượng bò lớn nhất cả nước, chiếm 22,91%. Nhưng việc phát triển chăn nuôi nhiều khu vực còn khó khăn vì thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, giống, thức ăn, thú y còn gặp nhiều khó khăn”.

Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân là một cách hữu hiệu  góp phần chăn nuôi an toàn và bền vững.
Tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân là một cách hữu hiệu góp phần chăn nuôi an toàn và bền vững.

Diễn đàn lần này có sự chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật sẽ giúp cho bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật tại vùng DHMT bổ sung kiến thức, hiểu rõ hơn về dịch bệnh trong ngành chăn nuôi. Nhờ vậy, nông dân có thể áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, chăn nuôi một cách an toàn.

Ngoài ra, để chiến lược phát triển chăn nuôi từng năm, các tỉnh/thành cần chủ động xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi từ nay đến năm 2020 của từng địa phương, xác định rõ đối tượng vật nuôi chủ yếu có lợi thế theo vùng, miền; quy hoạch vùng chăn nuôi cho từng loài vật nuôi; quy mô đầu con hợp lý của từng vùng; phương thức chăn nuôi phù hợp và các chính sách hỗ trợ.

Nâng cao nhận thức về tiêm vaccin...

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để thu hẹp khoảng trống trong phòng trừ dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, giải pháp trước mắt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu về tác dụng của việc tiêm phòng, vệ sinh chăn nuôi, các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, giúp các hộ chăn nuôi áp dụng và thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn.

Diễn đàn lần này với sự chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ kỹ thuật sẽ giúp cho bà con nông dân, cán bộ kỹ thuật bổ sung kiến thức, hiểu rõ hơn về dịch bệnh trong ngành chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, chăn nuôi một cách an toàn.

Khuyến cáo người dân chọn mua con giống có nguồn gốc, xuất xứ, được tiêm phòng vaccin đầy đủ để tạo miễn dịch khép kín cho đàn gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh và ổn định; thực hiện phương thức chăn nuôi “cùng nhập, cùng xuất”; tăng cường liên kết chặt chẽ trong việc cung ứng nguyên liệu chăn nuôi, tăng cường quản lý hệ thống thú y cơ sở...

Bà Hạ Thúy Hạnh kết luận, thời gian đến các địa phương cần đẩy mạnh việc chăn nuôi tập trung nhằm kiểm soát được dịch bệnh khi xảy ra; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, huấn luyện chuyên môn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh theo các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình đào tạo nghề hàng năm của Chính phủ cho từng hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại.

Các hệ thống khuyến nông, thú y các cấp, các ngành cần tham gia hỗ trợ cho nông dân để phát triển chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập.

Trương Hồng (Trương Hồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem