Gian nan đưa điện lên... rừng

Thứ năm, ngày 23/05/2013 06:26 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Từ khi có cái điện lưới về, cuộc sống văn minh hẳn lên. Mình cũng thấy đời mình đổi khác” - ông Hà Văn Tinh, dân bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, bảo vậy.
Bình luận 0

Không điện nên… ngủ sớm

Nằm cách xa trung tâm huyện lỵ, Tân Xuân là xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mộc Châu. Đây là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Mường... Trong muôn vàn gian khó của người dân nơi đây, cái sự thiếu điện lưới quốc gia là "gốc" của nhiều khó khăn khác. Ông Thào A Khua - Trưởng bản Cột Mốc (Tân Xuân) từng tâm sự: “Không có điện thì không chỉ đói nghèo mà còn lạc hậu nữa. Muốn có cái máy tẽ ngô, xát thóc, muốn xem thông tin thời sự... nhưng không có điện nên đành đi ngủ sớm. Mà ngủ sớm thì... dễ sinh nhiều con lắm!”.

img
Điện lưới về, có gia đình ở bản Bướt, xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu (Sơn La) kịp mua ti vi cho mọi người xem chung.

Thiếu tá Đỗ Văn Lùi, sĩ quan đồn biên phòng tăng cường cho xã Tân Xuân kể: Khi mới về đây, tôi phụ trách thêm mảng xoá mù chữ cho bà con và cán bộ bản. Những buổi đứng lớp ban đêm, nhìn xuống bàn học có những gia đình tới 2-3 thế hệ đang cùng ngồi một bàn học chữ dưới ánh đèn, đuốc, thật lòng tôi chỉ mong có một điều: Nhà nước làm sao sớm có điện cho dân nhờ!

img Có điện là thêm một lợi thế bảo vệ an ninh biên giới, thêm điều kiện tốt để tuyên truyền, giác ngộ bà con dân tộc tránh để kẻ xấu lợi dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xoá nghèo và làm giàu trên mảnh đất biên cương xa xôi này. img

Thiếu tá Đỗ Văn Lùi

Gian nan đưa điện lên rừng

Những khó khăn vì thiếu điện của xã Tân Xuân cũng như một số vùng cao khác ở Sơn La, đã nhiều lần được đưa lên bàn nghị sự của chính quyền và ngành điện lực tỉnh. Và, tháng 5.2012, Dự án điện Tân Xuân được triển khai quyết liệt, với đơn vị trúng thầu là Doanh nghiệp Ngọc Quyết ở Mai Sơn (Sơn La). "Biết Nhà nước đem điện về cho dân bản nên những lúc công nhân làm đường điện gặp khó khăn về nhân lực vận chuyển vật tư, đào đắp đất, chỗ ăn ở, sinh hoạt… dân chúng tôi đều nhiệt tình giúp đỡ, vì ai cũng mong sớm có điện" - anh Mùi Văn Quân, dân bản Bướt cho hay.

Giờ đến với Tân Xuân, những nông cụ đầu tiên cùng với ti vi, video, loa đài truyền thanh, dụng cụ sản xuất, sinh hoạt… phải dùng điện, đã xuất hiện trong bản Bướt và những bản lân cận. Chị Hà Thị Linh, dân bản Bướt, thực thà: "Có cái điện như thêm cái tay, cái chân, thêm người giúp việc, ngày cũng dài hơn ra. Bây giờ đi làm nương, làm ruộng có về muộn cũng không lo không làm hết việc nhà. Tôi cũng mới sắm thêm cái máy thái cỏ và xát ngô, thóc. Nhà tôi và dân bản nuôi nhiều trâu, bò, lợn, gà nên cái máy ấy giúp việc tốt lắm, lại làm thêm dịch vụ cho bà con nên có thu nhập hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem