Nhiều đánh giá được đưa ra trong chương trình: Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Thủy Lê Thứ tư, ngày 30/08/2023 21:01 PM (GMT+7)
Năng lực chủ động, phân tích thông tin và dự báo thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng thương mại, hệ thống truy xuất nguồn gốc, quản lý khai thác chưa được thực hiện bài bản… Đó là nhận định được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp.
Bình luận 0

Vấn đề được đưa ra tại tọa đàm "Tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam" do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) tổ chức ngày 29/8.

Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ vinh dự là đơn vị quảng cáo truyền thông cùng chương trình. 

Nhiều đánh giá được đưa ra trong chương trình: Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm

Tại tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ về các giải pháp giúp tăng cường năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và cung cấp vật tư nông nghiệp, qua đó hỗ trợ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp vật tư nông nghiệp giải quyết các khó khăn và đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp để tăng cương khả năng cạnh tranh và thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, để thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp phát triển theo định hướng đúng đắn, đối với Nhà nước, cần đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp phải được xem là đầu tàu dẫn dắt ngành nông nghiệp phát triển, cần phải đầu tư trọng tâm để đầu tàu được lớn mạnh.

Nhiều đánh giá được đưa ra trong chương trình: Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 2.

TS. Vũ Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) phát biểu tại tọa đàm

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách mang tính khuyến khích để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, quan tâm tới phát triển số lượng doanh nghiệp, bởi chính sách phát triển doanh nghiệp nông nghiệp sẽ hướng nhiều hơn vào việc thúc đẩy hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là việc chuyển dịch từ khu vực hộ kinh doanh nông nghiệp, hộ đại điền sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, dần thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp phi chính sách sang chính thức.

Nhiều đánh giá được đưa ra trong chương trình: Giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam - Ảnh 3.

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Tham luận tại toạ đàm, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Để thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt: Tăng cường các chính sách về hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tạo điều kiện cho việc tiếp cận vốn tín dụng từ khu vực ngân hàng thương mại, từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, và từ Quỹ bảo lãnh tín dụng. Nghiên cứu hình thành các gói tín dụng, quỹ tín dụng dành riêng cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ về tạo quỹ đất, quy hoạch các vùng đất sản xuất nông nghiệp, vùng nguyên liệu minh bạch, ổn định…để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển và mở rộng sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người nông dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham luận tại tọa đàm nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của các chính sách của Chính phủ, bộ, ngành nhằm tăng khả năng phát triển, năng lực cạnh tranh và việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp.

Đồng thời đánh giá, hội nhập kinh tế quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội tăng xuất khẩu với các mặt hàng chiến lược như lúa gạo, cà phê, thủy sản, rau quả. Nông sản Việt Nam có lợi thế hơn trong thương mại, nhiều cơ hội lựa chọn thị trường và đối tác, giảm mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong bối cảnh hội nhập với việc ứng dụng nền tảng số sẽ đem lại nhiều cơ hội cho chuyển đổi chuỗi giá trị nông sản Việt Nam, góp phần vào phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem