Thai trên 12 tuần tuổi không được phá

Diệu Linh Thứ tư, ngày 16/09/2015 21:44 PM (GMT+7)
Nếu đã lập gia đình sẽ không được phá thai trên 12 tuần tuổi, chỉ cho phép phá khi bị hiếp dâm, loạn luân… Đó là một số quy định tại dự thảo Luật Dân số. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các điều kiện như vậy sẽ khó kiểm chứng độ chính xác.
Bình luận 0

Khó xác định đối tượng

Theo dự thảo Luật Dân số, phương án 1 quy định tuổi thai dưới 12 tuần tuổi thì được phá thai, trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người phá thai. Còn thai từ 12 tuần trở lên sẽ bị cấm phá thai, trừ các trường hợp mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, do loạn luân, bị hiếp dâm…

Tại buổi tọa đàm với thanh niên về dự thảo Luật Dân số do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) và Trung tâm Sức khỏe dân số CCIPH tổ chức ngày 15.9, em Hải Anh chất vấn: “Làm thế nào để xác định người ta phá thai không vì lựa chọn giới tính thai nhi. Vì ai dại mà khai? Cũng khó xác định người ta đã kết hôn hay chưa. Chẳng nhẽ đi phá thai ngoài chứng minh thư còn mang theo giấy kết hôn? Cũng làm sao xác định được người đó bị hiếp dâm, loạn luân để đồng ý cho họ phá thai trên 12 tuần tuổi. Chẳng nhẽ phải đợi phán quyết của tòa án? Tại sao lại chỉ cho phép người mang thai ngoài ý muốn vì thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài phá thai, thế còn người lỡ có thai vì thất bại trong dùng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày thì sao? Thực tế là người sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn chiếm tỷ lệ đáng kể”.

img

Tư vấn sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Sức khỏe sinh sản Hà Nội.  Ảnh: Dương Ngọc

Trước các câu hỏi khó này, ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, chắc chắn khi Luật Dân số được thông qua thì các nghị định hướng dẫn sẽ phải đề cập tới các khó khăn này. Ông cũng lạc quan cho rằng không khó xác định trường hợp bị hiếp dâm, loạn luân vì người phá thai sẽ tự nói ra. Ngoài ra, dự thảo Luật Dân số cũng đang cân nhắc thêm phương án “mở” với tất cả các trường hợp phá thai, chỉ trừ phá thai do lựa chọn giới tính và phá thai gây hậu quả nghiêm trọng.

Chú trọng giáo dục kiến thức

Ông Nguyễn Đình Bách – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình) phân tích, phương án 1 sẽ hạn chế tình trạng phá thai quá dễ dãi, giúp làm tăng trách nhiệm phòng tránh thai, hạn chế sự lợi dụng phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi. Tuy nhiên, điều này cũng hạn chế quyền sinh sản của cá nhân, nhất là người mang thai ngoài ý muốn nhưng chưa muốn sinh, còn muốn rảnh rang để làm kinh tế, học tập…

Theo ông Bách, việc cấm đoán cũng có thể làm gia tăng tình trạng nạo phá thai không an toàn. Các đối tượng có thai trên 12 tuần bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui, mất vệ sinh, người thực hiện thiếu chuyên môn. Điều này sẽ gây hậu quả như viêm nhiễm, vô sinh thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng. Còn nếu “mở” để mọi người phá thai theo nguyện vọng như hiện nay có thể dẫn đến tình trạng người dân chủ quan với phòng tránh thai, người làm dịch vụ phá thai cũng dễ dãi, mất an toàn, cơ quan quản lý buông lỏng… để lại nhiều hậu quả về mặt sức khỏe; có thể nhiều người sẽ lợi dụng để phá thai lựa chọn giới tính thai nhi (phá thai trên 12 tuần)…

Theo ông Nguyễn Văn Tân, thanh thiếu niên hiện nay đang được giáo dục sức khỏe sinh sản một cách hời hợt. Do kiến thức sức khỏe sinh sản được tích hợp với các bộ môn khác như sinh vật, giáo dục công dân, địa lý nên kiến thức không cơ bản, hệ thống, các giáo viên coi đó là “phần phụ” nên dạy cưỡi ngựa xem hoa hoặc để học sinh tự đọc tài liệu. “Quan điểm xuyên suốt của dự thảo Luật Dân số là tạo điều kiện thuận lợi để cung cấp kiến thức về sức khỏe sinh sản, phương tiện tránh thai, cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và cơ sở phá thai an toàn… 

  Ông Nguyễn Đình Bách cho biết, theo số liệu của ngành y tế, nếu giai đoạn 1993-1997 có 1,2-1,3 triệu ca nạo phá thai/năm thì hiện nay chỉ có khoảng 40.000 ca/năm. Tuy nhiên, số liệu này mới chỉ thống kê ở những người đã lập gia đình. Còn thực trạng phá thai ở vị thành niên, thanh niên chưa có thống kê chính thức, toàn diện.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem