Giả danh công an để ra oai với gia đình bạn gái sẽ bị xử lý thế nào?

Phi Long Thứ ba, ngày 27/02/2024 06:41 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích việc giả danh công an để ra oai với gia đình bạn gái khi trao đổi với Dân Việt.
Bình luận 0

Để ra oai với gia đình bạn gái, Long mua trang phục công an nhân dân, giấy tờ giả mạo ngành công an trên mạng. Ngày 24/2, Công an huyện Châu Thành (tỉnh Tiền Giang) đã tạm giam Hồ Văn Long (48 tuổi, trú tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Giả danh công an để ra oai với gia đình bạn gái sẽ bị xử lý thế nào?- Ảnh 1.

Long mặc trang phục công an nhân dân khai mua trên mạng (Ảnh: CTV).

Theo cơ quan điều tra, ngày 15/2, Tổ công tác tuần tra kiểm soát Công an tỉnh Tiền Giang phát hiện Long có dấu hiệu vi phạm khi đang lái xe lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua xã Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) nên dừng phương tiện kiểm tra.

Qua khám xét, cảnh sát phát hiện trên xe đối tượng có các loại giấy tờ gồm: giấy chứng minh Công an nhân dân, thẻ công vụ đặc biệt, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bộ trang phục Công an nhân dân có quân hàm Thiếu tá và một số vật dụng dùng trong công tác chuyên môn của lực lượng Công an cùng một số giấy tờ khác.

Quá trình xác minh, công an xác định đây là những loại giấy tờ giả nên lập hồ sơ, bàn giao vụ việc cho Công an huyện Châu Thành.

Tại cơ quan điều tra, Long thừa nhận không công tác trong ngành công an. Trang phục công an nhân dân và các vật dụng nói trên, Long đã đặt mua trên mạng xã hội.

Ngày 4/2, Long đi từ TPHCM đến tỉnh Bạc Liêu thăm gia đình bạn gái, mang theo trang phục và các vật dụng (đồ giả) để nói dối là đang công tác trong ngành công an nhân dân.

Liên quan tới vấn đề này, Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích góc độ pháp lý về vấn đề này khi trao đổi với Dân Việt như sau: Tại Điều 4 Nghị định 82/2016/NĐ-CP quy định nghiêm cấm cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân.

Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng công an, quân đội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về trách nhiệm hình sự:

Căn cứ Điều 339 và Điều 341 BLHS 2015 được sửa đổi, bổ sung 2017"

"Điều 339. Tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác

Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm"

Điều 341, Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

"1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng"

Như vậy, đối với hành vi giả mạo chức vụ, vị trí công tác thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Đối với hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật thì có thể bị phạt tù lên đến 02 năm. Nếu làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng hoặc thu lợi bất chính từ 10 triệu đến dưới 50 triệu thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 02 Điều 341 BLHS và phải chịu hình phạt lên đến 05 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Giả danh công an để ra oai với gia đình bạn gái sẽ bị xử lý thế nào?- Ảnh 2.

Các loại giấy tờ giả mạo ngành công an của Long. Ảnh: DT

Về hành chính:

Trong trường hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 và Khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP :

Khoản 1, Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

"1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.

Đồng thời có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung như:

a)Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này"

Khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP :

"4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả hồ sơ để làm thêm con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước;

b) Làm giả con dấu hoặc sử dụng con dấu giả;

c) Chiếm đoạt, mua bán trái phép con dấu;

d) Tiêu hủy trái phép con dấu."

Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện hành vi giả danh lực lượng công an, sử dụng giấy tờ tài liệu giả, nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem