Gen Z "làm chơi, ăn thật" với nghề đan móc len

Ngọc Linh Thứ tư, ngày 29/11/2023 10:06 AM (GMT+7)
Ngày càng nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với nghề đan móc len, tạo ra những sản phẩm đẹp mắt và tính ứng dụng cao. Điều này không chỉ giúp họ thỏa mãn sở thích mà còn có thể kiếm thêm thu nhập vào thời gian rảnh.
Bình luận 0

Kiếm ra tiền từ sở thích "làm chơi, ăn thật"

Đan móc len vốn là một công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ và khéo léo. Người làm không chỉ cần bỏ ra thời gian công sức mà còn phải thật tâm huyết với công việc mới có thể tạo ra những sản phẩm đẹp và sống động. Tưởng chừng như đó là công việc chỉ dành cho những người lớn tuổi nhưng hiện nay công việc đó lại được thực hiện bởi rất nhiều bạn trẻ.

Các sản phẩm bằng len đa dạng được bày bán tại hội chợ “Cứ chill đi”. Ảnh: Ngọc Linh.

Các sản phẩm bằng len đa dạng được bày bán tại hội chợ “Cứ chill đi”. Ảnh: Ngọc Linh.

Với chiếc móc nhỏ bằng kim loại trên tay, Anh Linh – cô chủ tiệm len “Meo meo Crochet” đang khéo léo móc len thành chú cừu xinh xắn. Linh chia sẻ “Cách đây gần 5 tháng, mình đã tiếp xúc với những mũi móc len cơ bản từ mạng xã hội, sách hướng dẫn. Không chỉ tạo ra các sản phẩm tặng người thân, bạn bè hay giải trí sau giờ làm việc, mình còn kiếm thêm thu nhập từ móc len”. 

"Giá của các sản phẩm bằng len dao động từ 35.000 đồng đến 200.000 đồng. Công việc này giúp mình có thể kiếm thêm khoảng 5.000.000 đồng - 6.000.000 đồng một tháng." - Anh Linh chia sẻ.

Theo Linh, sản phẩm len handmade có giá cao hay thấp tùy vào giá sợi len và công đan móc. Trung bình khoảng 2 ngày thì 1 người thợ lành nghề đan được 1 chiếc túi, 1 giờ làm được 1 hoa len. Tuy nhiên, với những sản phẩm cần sáng tạo và sự tinh tế thì làm lâu hơn. Đa số khách của Linh là bạn bè và bán online qua các nhóm cộng đồng

Thú len là một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất. Ảnh: Ngọc Linh.

Thú len là một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất. Ảnh: Ngọc Linh.

Cũng giống Linh Anh, từ việc đan, móc len đã giúp bạn Phương - sinh viên năm 3 của trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải có thêm thu nhập khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Phương cho biết: “Mình bán len ở Hồ Tây được hơn một tháng rồi. Mình tình cờ biết đến móc len qua một video trên mạng, sau đó mày mò học dần và được người quen hỏi mua. Công việc này yêu cầu tính tỉ mỉ rất cao, tuy rằng có thể linh động về mặt thời gian, tuy nhiên một khi bắt tay và làm thì rất tốn thời gian, nhiều đêm mình đã phải thức trắng để làm”.

Không khó để bắt gặp các xe hoa len quanh Hồ Tây. Ảnh: Ngọc Linh.

Không khó để bắt gặp các xe hoa len quanh Hồ Tây. Ảnh: Ngọc Linh.

Các sản phẩm bằng len sợi đang là xu hướng và trở thành trào lưu bởi hình thức lạ mắt, mẫu mã đa dạng, độc đáo, dễ vệ sinh và có tình nghệ thuật cao. Thông thường các sản phẩm thủ công bằng len thường được đăng bán ở trên các nền tảng mua sắm trực tuyến hoặc hội chợ, vỉa hè vào cuối tuần. Do các sản phẩm được làm bởi các bạn trẻ nên chưa có nhiều kinh phí để thuê mặt bằng. 

 Là một người thường xuyên mua các sản phẩm bằng len, chị Thu Thủy chia sẻ: “Mỗi món đồ này đều được làm rất cầu kỳ, nhưng nó đem lại cảm giác thư giãn mỗi khi mình ngắm nhìn. Mình thấy giá thành hiện nay đều được bán rất hợp lý”. 

Tìm cái mới từ trong cái cũ 

Không chỉ bó hẹp trong những chiếc áo truyền thống, khăn, mũ đơn giản, hiện nay thế giới đan móc mở rộng sang cả các loại túi xách, ba lô thời trang, các loại hoa quả, con giống, thú nhồi bông vô cùng bắt mắt. Thậm chí, rất nhiều vật dụng phổ thông cũng được sáng tạo từ len như quai xách cốc, giỏ treo chậu cây, hộp bút…

Chất liệu và màu sắc trong nghệ thuật đan móc len ngày nay cũng thay đổi đáng kể so với trước kia. Người ta không chỉ sử dụng len truyền thống mà còn kết hợp với các loại sợi khác như cotton, dây thừng hay thậm chí là những vật liệu tái chế. Màu sắc cũng không còn bị giới hạn, với các biến thể màu sắc rực rỡ và sắc nét, tạo nên những tác phẩm sống động và nổi bật.

Một chiếc túi được móc từ sợi ruy băng. Ảnh: Ngọc Linh.

Một chiếc túi được móc từ sợi ruy băng. Ảnh: Ngọc Linh.

Bà Mai (công nhân về hưu 62 tuổi) – một người đã có 20 năm kinh nghiệm với đan móc len chia sẻ với chúng tôi: “Trước kia chúng tôi chỉ biết đan áo quần từ sợi cotton Việt Nam còn hiện nay có nhiều lựa chọn hơn với các loại len nhập khẩu, giá thành rẻ hơn lại đa dạng màu sắc”. 

Không chỉ là nghệ thuật thủ công, đan móc len ngày nay còn là biểu tượng của sự đổi mới trong kỹ thuật. Kỹ thuật đan móc từ những chiếc áo truyền thống đã được cải tiến và phát triển, với những mẫu mũi móc phức tạp và đa dạng, tạo ra những chi tiết và họa tiết mới lạ.

Giới trẻ tìm đến đan móc len trước hết là vì niềm yêu thích quá trình tạo ra các sản phẩm này, họ không chỉ học được kỹ thuật đan móc mà còn phát triển các kỹ năng như kiên nhẫn, sáng tạo, và quản lý thời gian. Hơn nữa, theo nghiên cứu trong một Sgia, đều đồng ý rằng việc ngồi đan len có tác dụng đáng kể trong việc giảm lo lắng và xoa dịu những suy nghĩ ám ảnh hoặc mối bận tâm, khiến họ cảm thấy “rất hạnh phúc”. Nhiều bạn trẻ có đam mê với nghề đan móc len đã góp phần làm phong phú thêm nghề đan móc, vốn lâu nay dường như đang bị “mai một” trước các mặt hàng công nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem