Gặp người đưa bèo tây đi... Tây

Thứ bảy, ngày 07/07/2012 07:09 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ việc biến những cây bèo tây (lục bình) - thứ thường bị bỏ đi, gây tắc nghẽn trên các ao đầm, sông rạch... thành các mặt hàng, sản phẩm mỹ nghệ để xuất khẩu, chị đã có thêm biệt danh mới: “Người đàn bà mê bèo tây”.
Bình luận 0

Đó là chị Nguyễn Thị Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hằng ở khu Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

img
Chị Nguyễn Thị Hòa – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thiên Hằng (đội mũ) đang giao nguyên liệu cho người dân.

Duyên nợ với bèo

Chị Hòa năm nay hơn 40 tuổi. Chị vốn xuất thân trong một gia đình nghèo ở TP. Thanh Hóa nên chị cũng đã từng làm nhiều nghề để kiếm sống. Sau khi xây dựng gia đình, năm 1991 chị theo chồng vào công tác ở Nhà máy Thủy điện Ialy (Gia Lai). Song điều không hay đã xảy đến với gia đình chị vào năm 1997, chồng chị bị tai nạn lao động với đôi chân gãy thành 3 khúc, vài chiếc xương sườn bị bẻ làm đôi.

Do thương tật của anh quá nặng, năm 2001, vợ chồng chị xin về quê. Tròn chục năm xa quê, với số tiền lương ít ỏi của công nhân, lại bị tai họa giáng xuống, nên vợ chồng chị trở về với 2 bàn tay trắng. Chị Hòa cho biết: “Trước khi làm bạn với bèo, tôi đã từng buôn ghế tre cho các quán cà phê. Khi về quê, hết tiền chẳng còn đủ để mua cái giường ngủ, nhà tôi phải xin hàng xóm mấy cây tre để đóng giường.

Thấy chồng có khả năng làm nghề, tôi nảy ý tưởng đóng bàn ghế bằng tre để bán. Thế là vợ chồng tôi bắt tay vào làm luôn. Năm 2006, tôi tình cờ nhìn thấy chiếc mũ làm bằng bẹ ngô, tôi nghĩ thứ này quê mình sẵn quá và tôi chợt nghĩ cây bèo tây nếu phơi khô cũng giống như bẹ ngô, mà cây bèo tây lại dài hơn, ở ao hồ, kênh mương của mình thì nhiều vô kể. Từ đó, tôi cắt bèo về phơi khô làm thử, không ngờ bèo làm dễ hơn bẹ ngô rất nhiều”.

Ngày đầu, vợ chồng chị chỉ làm mũ và túi xách, nhưng vì là sản phẩm mới, nên người tiêu dùng chưa quen, chị phải đi khắp nơi để chào hàng. Chục người thì may được một người đồng ý nhận thử hàng về bán. Cứ như thế cuối cùng người tiêu dùng cũng đã chấp nhận thứ sản phẩm rẻ tiền, thân thiện với môi trường. Song “thương trường là chiến trường”, chị Hòa cũng đã từng bị bạn hàng xấu quỵt hàng chục triệu đồng, tương đương mấy cây vàng lúc bấy giờ.

Đổi bèo tây lấy đô la

Nở nụ cười tươi, chị Hòa nói: “Trời không cho ai tất cả, nhưng cũng không lấy đi của ai tất cả. Ở hiền thì gặp lành, năm 2010, tôi may mắn gặp anh Mai Văn Thi ở TP.Thanh Hóa - một bạn hàng chuyên xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Từ sau lần gặp gỡ đó, hàng bèo tây của tôi đã được… xuất ngoại”.

Năm 2010, Công ty TNHH Thiên Hằng được thành lập. Với hình thức vừa hỗ trợ dạy nghề cho lao động, vừa bao tiêu sản phẩm, công ty đã phủ mạng lưới nghề đan bèo tây ra hầu khắp các huyện như Cẩm Thủy, Thạch Thành, Ngọc Lặc… của xứ Thanh. Nhờ có đầu ra, nên công ty đã tạo được việc làm cho hàng nghìn lao động với mức thu nhập từ 1,8 – 3 triệu đồng/người/tháng. Chị Hòa cho hay: “Ngoài phối hợp với các tổ chức Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… để dạy nghề theo Đề án 1956, công ty còn nhận đào tạo nghề miễn phí cho một số người dân có nhu cầu”.

Không chỉ làm giàu chính đáng, chị Hòa còn rất tích cực trong công tác từ thiện. Trong nhiều năm nay, chị đã lập được rất nhiều “sạp sách, báo” dành tặng các trẻ em khuyết tật, lang thang, nhờ đó các em không còn phải lang thang bán báo dạo.

Hiện nay, công ty của chị Hòa chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng làm từ bèo tây như: Túi du lịch, mũ, các mặt hàng lưu niệm và một số mặt hàng cao cấp theo đối tác đặt hàng, thị trường chính Trung Quốc, Đài Loan, Singapore và một số nước Đông Âu. Toàn bộ đầu ra của sản phẩm rất ổn định, vì công ty liên tục ký được các hợp đồng lớn với các đối tác và hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. “Trung bình, mỗi năm chúng tôi xuất khoảng 500.000 – 600.000 chiếc mũ, túi xách và hàng trăm nghìn dây quại, thu về khoảng 300.000 – 400.000 USD (6 – 8 tỷ đồng)” – chị Hòa cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm bèo tây, chị Hòa vui vẻ: “Lúc đầu, tôi chỉ làm các sản phẩm thô sơ như đệm lót nồi, mũ du lịch... để bán trong nước chứ đâu nghĩ có ngày bèo tây nước mình lại có thể xuất đi nước ngoài đổi lấy đô la. Nói thật, lúc anh Thi bảo đưa hàng đi nước ngoài, tôi cũng “gật đầu liều” thử vận may xem thế nào, không ngờ họ lại rất thích các sản phẩm làm từ béo tây của mình”.

Và từ cái “gật đầu liều” đó, đến nay chị đã xuất khẩu hàng chục nghìn tấn bèo tây ra nước ngoài, thu về rất nhiều ngoại tệ. Không chỉ vậy, hoạt động của công ty chị còn giúp ao hồ, kênh rạch được khơi thông do bèo tây án ngữ, gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo được việc làm cho người dân.

Khi hỏi về dự định trong tương lai, chị Hòa không ngần ngại tiết lộ: “Về lâu dài, công ty sẽ đầu tư vào sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ cao cấp, nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem