Fitch Ratings: Diễn biến cổ phiếu VinFast cho thấy nhu cầu đầu tư xanh tại Việt Nam ở ngưỡng cao

Thứ sáu, ngày 22/09/2023 12:22 PM (GMT+7)
Dù đã có một số giao dịch tài chính xanh bền vững nhưng nhìn chung quá trình dịch chuyển xanh của Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm bởi thiếu khung chính sách hỗ trợ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhấn mạnh.
Bình luận 0

Hôm nay, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới công bố báo cáo với tựa đề "Lack of Policy Support Slows Vietnam's Green Transition" trong đó phân tích về những yếu tố cản trở Việt Nam trong quá trình dịch chuyển xanh.

Việt Nam có nhiều kế hoạch giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu đầy tham vọng, ví như mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất năng lượng tái sinh cũng như giảm phụ thuộc vào than đá cũng như giảm phụ thuộc vào than đá.

Tuy nhiên, theo quan sát của Fitch, dù đã có một số giao dịch tài chính xanh bền vững nhưng nhìn chung quá trình dịch chuyển xanh của Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm bởi thiếu khung chính sách hỗ trợ.

Việt Nam đã cam kết ngừng xây dựng nhà máy điện than mới trước năm 2030, mục tiêu hướng tới là để điện than chỉ chiếm khoảng 20% tổng năng lượng tiêu thụ vào thời điểm đó, theo đề cương của Quy hoạch Điện 8.

Đồng thời cũng theo quy hoạch này, các nguồn năng lượng tái sinh sẽ đóng góp ước tính khoảng 40% năng lượng tiêu thụ vào năm 2030, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 12% vào năm 2022. Ngoài thủy điện, nguồn năng lượng tái sinh có thể đến từ các nguồn khác ví như năng lượng gió, điện mặt trời và nhiên liệu sinh khối.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế phân loại, chuyển dịch xanh chính thức. Fitch Ratings tin rằng việc thiếu đi khung chính sách hỗ trợ cũng như các điều khoản pháp luật điều phối tín dụng xanh sẽ tiếp tục cản trở những nỗ lực triển khai các dự án năng lượng tái sinh cũng như giảm các bon hóa kinh tế Việt Nam.

Từ năm 2021 cho đến nay, Việt Nam mới chỉ phát hành một đợt trái phiếu bền vững và một đợt trái phiếu xanh, theo số liệu của Environmental Finance. Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay cũng chỉ có hơn 11 khoản vay xanh được cấp, trong đó có 7 khoản vay liên quan đến dự án năng lượng tái sinh.

Trong khi chính phủ và một số doanh nghiệp đã đưa ra một số cam kết cấp cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), phần đông các doanh nghiệp của Việt Nam vẫn tụt hậu lại so với các doanh nghiệp trong khu vực nếu xét đến tiêu chí cung cấp thông tin về ESG. Ở cấp độ doanh nghiệp, 71% nói đến việc thiếu dữ liệu ESG để công bố, khảo sát của công ty kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers vào năm 2022 cho thấy.

Như vậy sẽ khó cho các doanh nghiệp để bắt đầu quá trình huy động vốn xanh, đặc biệt xét đến việc thu thập dữ liệu cũng như đảm bảo tiêu chuẩn công bố để hỗ trợ cho hoạt động này đã yếu ngay từ ban đầu.

Việt Nam hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất bởi một số nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc muốn đa dạng chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc. Xét đến việc sự quan tâm của toàn cầu với tính bền vững của chuỗi cung ứng, việc thiếu đi các quy định liên quan đến ESG sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài phải cân nhắc khi tính đến đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của họ, đặc biệt khi mà nhiều doanh nghiệp buộc phải tiến hành quá trình thẩm định chuyên sâu cũng như công bố chi tiết các thông tin liên quan đến tính bền vững.

Fitch Ratings tin rằng tăng trưởng các sản phẩm xanh và giải pháp bền vững tại Việt Nam sẽ vẫn gặp khó bởi nhiều tổ chức tài chính nội địa thiếu đi khung chính sách hỗ trợ cần thiết để đánh giá hồ sơ tín dụng và rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Thực tế này cũng có thể dẫn đến khả năng "tẩy xanh", đó là truyền đạt sai lầm hoặc đưa thông tin sai lệch về yếu tố thân thiện môi trường của một sản phẩm, dịch vụ hay thương hiệu.

Vào năm 2018, giới chức quản lý tại Việt Nam đã thông báo về ý định tạo ra hệ thống quản lý môi trường và xã hội cho tất cả các tổ chức tài chính cũng như các ngân hàng nhằm đưa các yếu tố liên quan môi trường và xã hội vào đánh giá tín dụng. Thế nhưng từ đó đến nay chưa có nhiều diễn biến mới.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng thương mại đầu tiên công bố khung chính sách tín dụng bền vững vào tháng 2/2023. Chi tiết khung chính sách này đánh giá những hoạt động ví như việc cấp các khoản vay đảm bảo tiêu chí bền vững. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có khoản vay nào được cấp theo khung chính sách này bởi xét đến việc nó còn thiếu quá nhiều tiêu chí.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khi thiếu đi các hướng dẫn để các tổ chức tài chính địa phương có thể điều phối và khuyến khích tài chính xanh. Việc thiếu đi cách tiếp cận tại nội địa liên quan đến truy xuất nguồn gốc thỏa thuận, thực thi quy định, thẩm định chuyên sâu, đánh giá rủi ro của các công cụ nợ ví như trái phiếu và khoản vay xanh, bền vững khiến cho hoạt động điều phối tài chính giữa các nước và tổ chức tài chính gặp khó.

Hãng sản xuất xe điện của Việt Nam – VinFast đã niêm yết cổ phiếu trên sàn Nasdaq của Mỹ vào tháng 8/2023. Cổ phiếu cùa VinFast mở cửa phiên giao dịch ở ngưỡng 22 USD/cổ phiếu, cao hơn gấp đôi mức giá theo thỏa thuận với công ty SPAC trước đó. Diễn biến cổ phiếu tăng mạnh có thể cho thấy nhu cầu đối với các cơ hội đầu tư liên quan đến ESG tại Việt Nam tăng cao.

Chỉ riêng Quy hoạch Điện 8 sẽ cần đến ước tính khoảng 135 tỷ USD từ Chính phủ Việt Nam cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phần lớn số tiền này đến từ bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7).

Gần đây, Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) quy mô 15,5 tỷ USD. Tuy nhiên cũng giống như Indonesia, Việt Nam hiện vẫn đang có dự án than đá lớn, dự án này sẽ vẫn ảnh hưởng đến chiến lược phi các bon hóa của Việt Nam.

Khó khăn của Indonesia trong việc thực thi JETP cho thấy khó khăn của việc đi đến thống nhất về các điều khoản cấp vốn chi tiết cũng như những kênh phù hợp để huy động vốn. Đáng nói, thực tế này vẫn diễn ra tại Indonesia dù rằng nước này có khung chính sách tài chính bền vững tốt hơn so với Việt Nam.

Thách thức mà Indonesia đang đương đầu có thể đại diện cho nhiều vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong việc đàm phán hướng đến thỏa thuận tài chính khí hậu và triển khai vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam tiếp nhận.

Ngọc Diệp (Fitch Ratings)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem