“Được xin từ chức”

Thứ ba, ngày 29/04/2014 10:14 AM (GMT+7)
Sự kiện Thủ tướng Hàn Quốc từ chức sau vụ đắm phà đã gây một cơn “bão” trong dư luận thế giới và cộng đồng mạng. Có muôn vạn lời ca ngợi hành động đầy tự trọng của Thủ tướng Chung Hong – wo khi ông cúi đầu xin lỗi tại buổi họp báo tuyên bố từ chức.
Bình luận 0
Từ sự kiện này, có thể liên hệ đến văn hóa từ chức ở trong nước. Và không còn là văn hóa nữa mà mang tính pháp lý. Mới đây, Bộ Nội vụ soạn thảo dự thảo nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Trong đó có quy định: Lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng và tương đương trở lên được từ chức nếu thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; có thể được xin từ chức do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị mình hoặc cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.

“Được xin từ chức” không phải bằng lời khuyên, mà bằng quy định mang tính pháp lý (nếu nghị định được ban hành). Nhưng nếu như những lãnh đạo mất uy tín, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ nhưng không chịu “xin từ chức” thì làm thế nào mới là vấn đề.

Điều rõ rành rành, trên thực tế có không ít cán bộ lãnh đạo chẳng còn chút uy tín nào, nhưng họ cứ khư khư bám lấy chiếc ghế của mình, vậy thì có cả trăm quy định “được xin từ chức” cũng chẳng ai sử dụng cái “quyền” từ chức đó. Trong những trường hợp đó, quy định (mà Bộ Nội vụ soạn thảo) chỉ là để cho bài bản, cho đúng quy trình mà thôi.

Người có liêm sỉ, có lòng tự trọng, thì chẳng cần quy định của pháp luật, họ cũng từ chức, cho dù có mời họ ở lại, có bắt buộc họ tiếp tục làm việc, họ cũng không làm. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Hong – wo từ chức có thể không phải từ quy định pháp lý cho “được xin từ chức”, mà xuất phát từ quyết định cá nhân của ông. Xin chức mới khó, chứ từ chức thì quá dễ. Cái khó nhất là vượt qua lòng tham của con người. Ở đây vừa là lòng tham quyền lực, vừa là lòng tham vật chất.

Dư luận nói nhiều về việc quan chức nước mình chẳng ai chịu từ chức cả. Vậy thì câu hỏi đặt ra tại sao lại không có ai từ chức, cái gì khiến họ bám chặt vào cái ghế như vậy? Có phải vì cái ghế quan chức ở nước mình quá dễ làm giàu, có nhiều quyền lợi...? Có thể quyền lợi là một lý do khiến quan chức không từ chức khi lĩnh vực của mình, công việc của mình “có chuyện”.

Nhưng lớn hơn cả, đấy là trong lực lượng cán bộ lãnh đạo chưa hình thành được ý thức hay văn hóa từ chức. Chỉ khi hình thành được ý thức đó, văn hóa đó thì “được xin từ chức” mới là quy định có ý nghĩa, giá trị như nội hàm của nó.
Chân Tâm (Chân Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem