Dự án Luật Chăn nuôi: Muốn nuôi con gì, nông hộ cũng phải kê khai

Minh Huệ Thứ sáu, ngày 01/06/2018 16:41 PM (GMT+7)
Chiều nay 1/6, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã trình bày tại Quốc hội về dự án Luật Chăn nuôi, trong đó vấn đề quản lý giống vật nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi, thức ăn và điều kiện để chăn nuôi là những điều đang được nhiều người quan tâm.
Bình luận 0

Cụ thể, theo dự thảo, tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau: Địa điểm sản xuất, gia công phải nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi những yếu tố như chất thải, hóa chất độc hại, chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài; có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị và cán bộ kỹ thuật như sau: Khu vực sản xuất được thiết kế và bố trí thiết bị theo quy tắc một chiều, có sự cách biệt giữa nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra để tránh lây nhiễm chéo; có dây chuyền sản xuất phù hợp với từng loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi...

img

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Chăn nuôi. 

Đối với cơ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải có nơi pha trộn riêng, đảm bảo không phát tán nhiễm chéo ra bên ngoài cũng như các quy định về thiết bị, giải pháp phòng, chống cháy nổ, xử lý chất thải. Đặc biệt, người phụ trách kỹ thuật phải có trình độ từ đại học trở lên về một trong các chuyên ngành chăn nuôi...

Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân mua bán thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thức ăn chăn nuôi tại nơi bày bán, kho chứa phải cách biệt với thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất độc hại khác; có thiết bị, dụng cụ để bảo quản thức ăn chăn nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nhà cung cấp; có giải pháp phòng chống chuột, chim và động vật gây hại khác...

Dự án Luật Chăn nuôi được xây dựng gồm 8 chương với 65 điều quy định về quản lý các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, hoạt động chăn nuôi, chăn nuôi động vật cảnh và động vật bán hoang dã gây nuôi; xuất, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi; trách nhiệm quản lý nhà nước về chăn nuôi. 

Trong đó, dự án có một số điểm đáng lưu ý, như: Quản lý chăn nuôi sẽ là quản lý có điều kiện; Các nông hộ nuôi con gì phải kê khai con đó với cấp xã; Những trang trại, doanh nghiệp muốn chăn nuôi phải đăng ký kinh doanh với cấp huyện; Chăn nuôi phải đảm bảo là có thị trường mới được nuôi; Chăn nuôi phải gắn liền với bảo vệ môi trường; Không được chăn nuôi trong nội thành, nội thị.

img

Nông hộ muốn chăn nuôi con gì, sẽ phải kê khai với cấp xã, phải có thị trường và gắn liền với bảo vệ môi trường. Ảnh: T.L

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội nhận thấy quy định như trong Dự thảo Luật là cần thiết và phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Đồng thời, đáp ứng quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.

Tuy nhiên, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và tiếp thu một số ý kiến sau: Quy định cụ thể, rõ ràng việc quản lý đối với từng loại danh mục giống vật nuôi, nhất là đối với danh mục giống vật nuôi quý hiếm cần phải bảo tồn. 

Quy định quản lý giống vật nuôi theo phẩm cấp khác nhau (giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ) để bảo đảm cung cấp con giống đạt chuẩn và chất lượng. Đồng thời quy định rõ hơn việc quản lý giống vật nuôi thuần chủng của Việt Nam, giống vật nuôi nhập khẩu để giữ gìn nguồn gen quý hiếm của các giống vật nuôi truyền thống, tiếp cận được những nguồn gen của các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao nhập khẩu từ nước ngoài. 

Đa số ý kiến thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT nhất trí với việc cần phải quản lý thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc việc quy định về kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà cho doanh nghiệp; đồng thời tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Về quản lý nhà nước trong chăn nuôi, Ủy ban KHCN&MT đề nghị Ban soạn thảo quy định phân công, phân cấp rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ NN&PTNT và các bộ có liên quan, của UBND các cấp để đảm bảo tính khả thi và hợp lý hơn. 

Dự án Luật Chăn nuôi được cho là cần thiết phải ban hành nhằm góp phần từng bước xoá bỏ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, hướng tới phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hiện đại, chăn nuôi sạch, chăn nuôi theo chuỗi và ổn định đầu ra, chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem