Dự án 800 triệu đồng bảo tồn quan họ cổ Bắc Ninh: Muộn và chậm

Thứ năm, ngày 24/01/2013 12:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cho đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, dự án mới chỉ dừng lại ở mức xây dựng hình ảnh và thống kê số lượng nghệ nhân. Đơn vị quản lý hứa hẹn sẽ bắt tay thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.
Bình luận 0

4 năm sau khi chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, quan họ Bắc Ninh đang phải đối mặt với nguy cơ những bài hát, lối hát quan họ cổ dần mất đi theo các nghệ nhân cao tuổi... Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án 800 triệu đồng để bảo tồn quan họ cổ.

Chỉ 40 nghệ nhân biết quan họ cổ

Hiện nay, số lượng người biết hát quan họ ở Bắc Ninh nói riêng và toàn quốc nói chung không ít. Song, những người biết và thuộc những làn điệu quan họ cổ xưa lại chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Theo thống kê đợt 1 của Phòng Di sản văn hóa, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn khoảng 40 nghệ nhân quan họ biết những làn điệu quan họ cổ. Và đa số những nghệ nhân đó đều đã bước qua tuổi thất thập cổ lai hy.

img
Nghệ nhân Đỗ Thị Tước (phải) - một trong số ít những người còn giữ được những làn điệu quan họ cổ, hiện sức khỏe rất yếu.

Cụ Đỗ Thị Tước (93 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Nguyên (91 tuổi) là 2 nghệ nhân quan họ tại làng Khả Lễ (Bắc Ninh) còn sống và nắm giữ nhiều bài hát quan họ cổ. Cụ Tước cho biết: “Thế hệ trẻ ngày nay chỉ có thể nói là mới chập chững biết hát quan họ, và chỉ là hát lại, hát theo những bài đăng đối quan họ đã có sẵn, được ghi chép lại giống như sách vở, còn những bài hát quan họ cổ hầu như không có ai biết cũng như học được”.

Theo lời kể của cụ Tước và ông Diêm Hồng Trường (68 tuổi) - con trai cả của cụ, những bài hát quan họ cổ đa phần đều không được lưu truyền trong sách vở, đó là những sáng tác, những câu đối của các nghệ nhân được cất lên từ những tích cổ, truyền thuyết hay những áng thơ cổ. Những bài quan họ cổ đó đặc biệt hơn cả là nó gắn liền với tên tuổi của nghệ nhân hát và sáng tác ra. Cho nên mỗi nghệ nhân cao tuổi thường có một bài hát quan họ cổ riêng, với những câu thơ hay, độc đáo, đúng lề lối và bằng chất giọng, lối hát cũng đặc biệt không kém.

Trong số khoảng 40 nghệ nhân quan họ cổ ấy của Bắc Ninh, đã có dăm ba người qua đời vì tuổi già, trong đó có cụ Ngô Văn Sự ở làng Diễm, cụ Nguyễn Thị Nguyên ở Bồ Sơn... Giống như cụ Nguyên ở Khả Lễ, là một số những nghệ nhân tiêu biểu còn giữ được những bài quan họ cổ. Và sự ra đi của các cụ cũng đem những bài hát cổ xưa ấy biến mất mà không ai có thể học và lưu trữ lại được.

Cần có cơ sở lưu trữ

Nhận thấy tính cấp thiết của vấn đề bảo tồn và gìn giữ những bài hát quan họ cổ, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt dự án Sưu tầm một số bài quan họ cổ của các nghệ nhân Bắc Ninh. Đây là một tiểu dự án thuộc Dự án Bảo tồn di sản dân ca quan họ và ca trù Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020.

Bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Trưởng phòng Di sản văn hóa cho biết: “Đây là một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, do Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh và Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Bộ VHTTDL phối hợp thực hiện trong 2 năm 2012 - 2013. Nội dung của dự án là tập trung xây dựng chân dung của các nghệ nhân quan họ, ghi lại cuộc đời của các nghệ nhân gắn bó với sự nghiệp quan họ cũng như những bài quan họ nổi tiếng, cổ xưa gắn liền với tên tuổi của họ.

Bên cạnh đó, dự án cũng khai thác, xây dựng những kỹ thuật, cách thức hát quan họ cổ từ những nghệ nhân”. Sản phẩm sau khi hoàn thiện (dự kiến hoàn thành trong tháng 8.2013) của dự án là 4 tập phim tài liệu khoa học về quan họ cổ, về các nghệ nhân tiêu biểu của quan họ Bắc Ninh... Theo bà Hoa, đây sẽ là một tài liệu quý báu nhằm lưu truyền và giáo dục văn hóa cho tương lai, cho thế hệ mai sau để bảo tồn một di sản tầm cỡ thế giới.

Nhà nghiên cứu quan họ Lê Danh Khiêm: Công việc cần làm từ 20 năm trước

Công việc sưu tầm và bảo tồn các làn điệu quan họ cổ đúng ra phải được thực hiện từ cách đây hơn 20 năm. Cho đến bây giờ Sở VHTTDL tỉnh Bắc Ninh mới bắt đầu triển khai đã là quá muộn. Khả năng thành công của dự án là rất thấp. Quan họ Bắc Ninh có 213 làn điệu (giọng) cổ, gồm rất nhiều câu ra, câu đối. Mỗi một nghệ nhân cũng chỉ có thể hát được một vài giọng. Trong khi đó, rất nhiều nghệ nhân còn giữ được những giọng cổ đó đã qua đời”.

Dự án trên rất thiết thực và cần được nhanh chóng thực hiện bởi chỉ một vài năm nữa, những nghệ nhân quan họ cao tuổi sẽ ra đi và những kỹ năng, bài hát, lề lối của những làn điệu quan họ cổ cũng sẽ mất đi. Người ta sẽ chỉ còn có thể nhắc đến những làn điệu cổ xưa đó qua lời kể của người đời sau mà không thể bảo tồn và lưu giữ lại được.

Song cho đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, dự án mới chỉ dừng lại ở mức xây dựng hình ảnh và thống kê số lượng nghệ nhân. Đơn vị quản lý hứa hẹn sẽ bắt tay thực hiện ngay sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013. Lý giải cho sự chậm trễ này, bà Hoa chia sẻ: “Đơn vị thực hiện vẫn còn gặp phải một số khó khăn riêng.

Thứ nhất, công tác tư liệu hóa của Bắc Ninh nói riêng và các tỉnh khác nói chung đang yếu kém do tình trạng thiếu nhân lực và phương tiện kỹ thuật. Thứ hai, vấn đề tài chính của dự án còn hạn hẹp, đây là dự án được cấp kinh phí 800 triệu đồng từ nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong điều kiện khó khăn và thiếu thốn, nhiều khả năng Sở VHTTDL tỉnh sẽ tiếp tục xin UBND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ thêm kinh phí thực hiện”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem