Động lực cho những lần vượt sóng

Thứ hai, ngày 12/08/2013 11:10 AM (GMT+7)
Cho tới hôm nay, dù không còn là phóng viên của báo Nông Thôn Ngày Nay nữa, vì lý do riêng tư, tôi lại trở về làm báo “tay ngang”. Thế nhưng những ngày với Nông Thôn Ngày Nay trong tôi như thước phim thật đẹp, chưa hề phai.
Bình luận 0
Từ mẩu tin đăng 2 báo...

Ngày đó tôi là cộng tác viên của một số báo. Năm 2005, tôi bắt đầu cộng tác với Nông Thôn Ngày Nay vì tình cờ đọc và nhận ra đó là tờ báo có phong cách hiện đại. Một lần, có một tin gửi cho Báo Tuổi Trẻ nhưng chưa thấy được đăng, tôi đem gửi cho Nông Thôn Ngày Nay. Sáng hôm sau thấy cả 2 báo cùng đăng một lúc. Tôi biết, 1 tin bài mà gửi đăng ở cả 2 tờ báo là điều “tối kỵ”. Dù rất mừng vì lần đầu tiên thấy tin của mình được sử dụng trên báo nhưng tôi cũng vô cùng day dứt vì sự cố trên.

Vài ngày sau, tôi có dịp đi Hà Nội và tranh thủ ghé đến toà soạn Nông Thôn Ngày Nay. Người đầu tiên tôi được giới thiệu gặp là anh Trần Lê Tuấn - Phó Trưởng phòng Trị sự kiêm biên tập viên. Anh nổi tiếng là một trong những người nghiêm khắc trong công việc. Cái nhìn đầu tiên của anh thẳng vào tôi qua cặp kính dày cộm. Anh im lặng trong chốc lát làm tôi “gai gai”. Thế rồi sau những lời hỏi thăm ân cần và trao đổi về nghề báo, cuối cùng anh tâm sự: “Có một phóng viên của một tờ báo thường trú Nghệ An đang xin chuyển sang làm việc cho Nông Thôn Ngày Nay. Phóng viên này viết tốt lắm nhưng 1 tháng nay đang bị Nông Thôn Ngày Nay “cấm cửa” vì vi phạm quy định 1 bài gửi đăng 2 báo”. Sau này tôi trực tiếp được nghe anh phóng viên này tâm sự về nỗi ân hận khi bỏ lỡ cơ hội vào Nông Thôn Ngày Nay sau sai lầm đó.

Tôi càng hoang mang và tự hỏi thầm, không biết bài vở của mình có bị “cấm vận” không? Nhưng rồi anh Lê Tuấn chìa bản thảo bài viết của tôi gửi trước đó với cái tít “Chảo lậu trên những mái nhà sàn” và nói: “Bài này anh cho đăng số ra ngày mai”. Tôi thở ra một hơi dài, nhẹ nhõm.

Anh Lê Tuấn đưa tôi đến gặp chị Mai Nhung – lúc ấy đang là Tổng Biên tập. Chị trìu mến hỏi tôi bằng giọng “Quảng Nôm”: “Thuận cộng tác với cả Báo Tuổi Trẻ nữa hả?”. Tôi chỉ dám “dạ” lí nhí…

Đến giải Báo chí Quốc gia

Sau chuyện đó tôi cứ day dứt mãi và tự hỏi, mình phải làm gì để chuộc lỗi? Tôi chạy về quê biển Nghệ An và đi đến một quyết định. Chiều 28 tháng Chạp âm lịch, nghĩa là còn 2 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán năm Bính Tuất 2006, tôi xin đi theo một tàu cá ra khơi câu mực với ngư dân. Bao nhiêu lời khuyên ngăn, sóng biển, nguy hiểm làm tôi có phần e ngại, nhưng cuối cùng tôi vẫn quyết tâm đi khi trong đầu hiện lên hình ảnh về toà soạn, về tờ báo Nông Thôn Ngày Nay.

Mùng 3 tết, tôi cập bờ và mùng 6 tết, số báo Tân niên của Nông Thôn Ngày Nay có phóng sự “Thẻ mực ngoài khơi đêm giao thừa” của tôi. Lần đầu tiên và có lẽ là lần duy nhất trong đời tôi đón giao thừa ngoài đại dương. Một cái tết trên con sóng nhồi giữa mông lung biển cả cùng những ngư dân chân chất.

Tôi còn phát hiện ra, sự cầu tiến, khát khao vươn tới ngư trường năng động bằng những gì hiệu quả nhất của ngư dân. Quan niệm của họ là câu mực vào những đêm tết là thời điểm tối trời nhất do đó năng suất có thể sẽ cao hơn cả. Ngư dân rất cần cù, chịu khó, không ngừng đầu tư về phương tiện như máy bộ đàm, máy tầm ngư, la bàn, định vị… Tôi càng hiểu hơn về “văn hoá rượu” của họ: Uống rượu nhiều hơn nước để chống cái lạnh, cái buồn và cũng để… giết mồi.

Sau phóng sự “Thẻ mực ngoài khơi đêm giao thừa” được đăng, tôi có cảm giác mình đã “ghi điểm”. Rồi những ngày tôi bó quần áo với máy ảnh đội trên đầu, mặc quần cộc lội nước lên quá ngực tác nghiệp trong trận lũ lụt lịch sử ở Yên Thành để viết bài trên Nông Thôn Ngày Nay. Sau này, khi tôi đã được biên chế vào toà soạn, trở thành phóng viên chính thức của Nông Thôn Ngày Nay, chị Nguyễn Thị Nhũ – Phó Tổng Biên tập – trong một lần về làm từ thiện tại huyện Yên Thành (Nghệ An) đã cho biết, chị cũng đánh giá cao tôi qua những lần dấn thân đó.

Từ lần vượt gian khó ra khơi để có được “Thẻ mực ngoài khơi đêm giao thừa”, động lực như được tiếp thêm lửa, tôi tiếp tục dấn thân, nỗ lực qua từng bài viết, những chuyến xuyên rừng, đồng bằng hay trên ghềnh sông Bản Vẽ. Một cây viết “tay ngang” như tôi được trở thành phóng viên của Báo Nông Thôn Ngày Nay là một niềm vui lớn. Thêm một niềm vinh dự nữa khi tôi đã cùng êkíp phóng viên của toà soạn thực hiện hàng chục bài viết dài kỳ về đề tài “Một hạt thóc 40 khoản đóng góp”. Loạt bài này được nhận giải A giải Báo chí Quốc gia năm 2007.
Từ lần vượt gian khó ra khơi để có được phóng sự “Thẻ mực ngoài khơi đêm giao thừa”, động lực như được tiếp thêm lửa, tôi tiếp tục dấn thân, nỗ lực qua từng bài viết, những chuyến xuyên rừng, đồng bằng hay trên ghềnh sông Bản Vẽ.

Cho tới hôm nay, dù không còn là phóng viên của Báo Nông Thôn Ngày Nay nữa, vì lý do gia đình, tôi lại trở về viết báo “tay ngang”. Thế nhưng những ngày với Nông Thôn Ngày Nay trong tôi như thước phim thật đẹp, chưa hề phai. Tôi tự đặt cho mình một câu châm ngôn: “Người ta có thể làm được điều thật lớn lao từ cái vị tha nho nhỏ”.

Từ sự vị tha của các anh chị đồng nghiệp đi trước ở Báo Nông Thôn Ngày Nay, tôi đã có động lực cho không chỉ một lần vượt sóng!

Đào Nguyên Thuận (Đào Nguyên Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem