Đồng bằng sông Cửu Long: “Đội đặc nhiệm” chống... muỗi

TRỌNG BÌNH Thứ ba, ngày 28/04/2015 13:00 PM (GMT+7)
Dự báo bệnh sốt xuất huyết (SXH) ở một số tỉnh, thành ĐBSCL sẽ có diễn biến phức tạp vào mùa mưa, lãnh đạo các vùng này đã tổ chức các “nhóm đặc nhiệm” tới tận nhà dân vận động nuôi cá diệt lăng quăng và kiểm soát nguy cơ gây bệnh.
Bình luận 0

Diễn biến phức tạp

Diễn biến phức tạp của SXH đang được thấy rõ nhất ở tỉnh An Giang - địa phương dẫn đầu về số ca mắc SXH trong nhiều năm qua. Bác sĩ Huỳnh Mộng Hùng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh An Giang thông tin: “Tính từ đầu năm 2015 đến nay tỉnh An Giang có 407 ca mắc SXH, trong đó 34 ca nặng và 1 ca tử vong (tăng hơn 68% so với cùng kỳ năm 2014). “Nếu như cuối năm 2014, tình trạng SXH tương đối ổn định thì ngay đầu năm 2015, SXH đã bắt đầu biến động. Từ đầu năm đến nay, An Giang đã phát hiện và đã xử lý trên 70 ổ dịch. Tập trung nhiều vẫn là ở các vùng nông thôn như: Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân…” – bác sĩ Hùng cho biết thêm.

img
Các đội nhóm đặc nhiệm đang đến từng nhà vận động “chiến dịch nuôi cá bảy màu diệt loăng quăng” ở huyện Chợ Mới, An Giang. TRỌNG BÌNH
Trong khi đó, ở Đồng Tháp từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm soát dịch SXH phải tham gia 24/24, hàng ngày đều có nhiều đội nhóm bám sát cộng đồng dân cư. Bác sĩ Đoàn Tấn Bửu - Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Tháp cho biết: “Từ đầu năm đến hết tuần thứ 14 (ngày 10.4), tổng số ca mắc SXH là 346 (2 ca nặng, 1 tử vong), tăng 108,4% (180 ca) so với cùng kỳ 2014”.

“Khi mùa mưa bắt đầu rõ hơn (tháng 5 đến tháng 7), tình hình SXH dự báo sẽ tiếp tục biến động. Theo kinh nghiệm bản thân tôi thì đây có thể là do đuôi dịch của năm 2014 còn lại. Tuy nhiên, cũng có thể là do tính chất chu kỳ của dịch SXH ở ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng là cứ 3 - 5 năm lại xuất hiện một lần” – bác sĩ Hùng nhận định

“Đội đặc nhiệm” chống ... muỗi

Quan điểm

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang
  Qua thực tế giám sát các địa phương vùng sâu, vùng xa... chúng tôi chỉ đạo tập trung tuyên truyền mạnh việc thả cá bảy màu để phòng chống SXH. Bước đầu đã thấy hiệu quả mà không tốn kém chi phí, phù hợp với người dân nông thôn”. 
Do diễn biến phức tạp của SXH nên ngay từ đầu năm, đích thân Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã thành lập đoàn công tác đến tận các địa phương vùng sâu, vùng xa nhất của tỉnh để tìm hiểu và chỉ đạo công tác phòng chống dịch. “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vùng miền núi, biên giới, nơi bà con chưa có ý thức tự bảo vệ mình trước dịch SXH. Phải đẩy nhanh tuyên truyền trong nhân dân từ cơ sở. Nếu nơi nào có ổ dịch thì dùng ngay mọi biện có thể để dập dịch mà không phải chờ chỉ đạo từ cấp trên” – ông Bình nhấn mạnh.

Về phương pháp đối phó với dịch bệnh, bác sĩ Hùng cho biết, đang quyết liệt tập trung đẩy mạnh truyền thông. Tỉnh đã tổ chức các “đội đặc nhiệm” là cán bộ y tế xuống tận xóm ấp, đặc biệt tập trung các xã vùng nông thôn xa tuyên truyền nguy cơ lây lan bệnh, đồng thời vận động người dân nuôi cá 7 màu để diệt lăng quăng. Hiện các đội đã hoàn thành việc tới từng nhà để kiểm soát các yếu tố bùng phát dịch.

“Ở đây chúng tôi tập trung khẩu hiệu “không có muỗi, không có loăng quăng thì không có SXH” và hướng dẫn bà con hành động thiết thực là thường xuyên thả cá bảy màu vào tất cả các vật chứa nước trong nhà” – bà Trương Thị Kim Luyến - Phó Trưởng trạm y tế xã Long Điền B (huyện Chợ Mới), một trong những thành viên “đội đặc nhiệm” cho hay.

Riêng ở tỉnh Đồng Tháp, các chiến dịch diệt loăng quăng được tiến hành định kỳ thường xuyên. Đặc biệt vào mùa mưa, mùa sinh sản của muỗi vằn, cán bộ y tế phối hợp cùng các đoàn thể đến từng nhà dân vận động và trực tiếp hướng dẫn người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem