Đơn giản hóa thủ tục cho người bào chữa

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/11/2015 07:06 AM (GMT+7)
Quy định “Bị can, bị cáo bị truy tố về tội có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên sẽ được chỉ định người bào chữa” là quy định mang tính đột phá của dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) trong hoạt động bào chữa. Tuy nhiên, kèm với đó cần phải đơn giản hóa thủ tục đối với luật sư (LS) bào chữa, bởi đây là một đòi hỏi hết sức cấp bách”.
Bình luận 0

img

Luật sư Trương Xuân Tám phát biểu bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank tại phiên tòa (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Luật sư, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi với phóng viên NTNN. Theo dự kiến ngày 28.11, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua.

Ông đánh giá thế nào khi dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự mở rộng trường hợp chỉ định người bào chữa đối với bị can, bị cáo bị truy tố về tội có khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên?

- Những bị can, bị cáo bị khởi tố, truy tố về tội có khung hình phạt đến 15 năm tù là án nặng. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa là bị can, bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.

Quy định mở rộng trường hợp bị can, bị cáo từ 15 năm tù trở lên phải được chỉ định người bào chữa thể hiện sự nhân văn, thận trọng hơn khi giải quyết một vụ án có khung hình phạt nặng. Quy định như vậy cũng sẽ thúc đẩy hoạt động bào chữa phát triển, giảm bớt những vi phạm tố tụng, tránh trường hợp oan sai...

Nhiều người băn khoăn việc mở rộng quy định như vậy sẽ nâng số người chỉ định bào chữa lên gấp 8 lần so với hiện nay. Hiện cả nước mới có khoảng 9.000 LS, số trợ giúp pháp lý ở các địa phương chưa nhiều, liệu điều này có khả thi không, thưa ông?

- Nói chung, ngay cả với các nước tiên tiến thì số lượng LS bào chữa cũng vẫn thiếu. Hiện  tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đều có đoàn LS. Chính phủ cũng có chiến lược phát triển nghề LS, dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 20.000 LS. Rồi Hội Luật gia VN có hàng trăm nghìn hội viên, những người này đều có thể làm người bào chữa. Bên cạnh đó còn có hệ thống trợ giúp pháp lý của Nhà nước ở 63 tỉnh, thành, những nơi như Hà Nội, TP.HCM, hệ thống này xuống đến cả cấp huyện.

Khi xây dựng Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) lần này, Liên đoàn LSVN liên tục kiến nghị bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa để tránh việc LS bị làm khó. Đến nay Ban soạn thảo đã thay quy định "cấp giấy chứng nhận người bào chữa” bằng quy định “cấp giấy đăng ký bào chữa”?

- Tôi kiến nghị rằng, nếu bộ luật quy định chỉ cần giấy đăng ký bào chữa, thì phải quy định rõ các bước. Cụ thể, khi LS tham gia vụ án, họ đến cơ quan tiến hành tố tụng trình thẻ LS giới thiệu; Thứ hai, trình hợp đồng hoặc yêu cầu bào chữa của bị can, bị cáo hay người thân của họ; thứ ba là trình giấy giới thiệu của tổ chức hành nghề, nghĩa là văn phòng hoặc công ty luật nơi người LS làm việc.

Khi đưa đủ 3 thứ đó, người của cơ quan tiến hành tố tụng phải đưa mẫu giấy đăng ký để LS điền. Bước tiếp theo, cơ quan tiến hành tố tụng phải bố trí cho LS được gặp gỡ người họ định bào chữa để hỏi xem có đồng ý không, nếu người đó đồng ý thì người của cơ quan tiến hành tố tụng phải ký và đóng dấu vào giấy đăng ký đưa ngay LS.

Việc được gặp người LS định bào chữa là rất quan trọng. Lâu nay các cơ quan tiến hành tố tụng, trong giai đoạn khởi tố, thường không cho LS gặp người bị bắt. LS nhận được đề nghị bào chữa của thân nhân người bị bắt, nhưng khi đến làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận bào chữa thì cơ quan tiến hành tố tụng thường nói phải chờ hỏi người bị bắt xem họ đồng ý không? Như thế hai bên không được gặp nhau để trao đổi mà thông tin lại nhận gián tiếp từ người của cơ quan tiến hành tố tụng.

Nhiều trường hợp LS nhận được tờ giấy của người mình định bào chữa gửi từ trại tạm giam ra nói không cần người bào chữa, thậm chí có trường hợp không có giấy, chỉ thấy điều tra viên nói bị can đó không muốn người bào chữa. LS không được gặp nên không thể hỏi rõ tại sao người đó không muốn người bào chữa cho mình (?). Đó thực sự là một bất cập và cần phải sớm thay đổi điều này.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính T.Ư: Tạo điểm nghẽn vì giấy phép con

Về mặt bản chất, việc cấp giấy đăng ký bào chữa với cấp giấy chứng nhận bào chữa trước đây không khác gì nhau. Việc này sẽ tạo ra điểm nghẽn, “giấy phép con" và tạo ra sự lệ thuộc của người bào chữa đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và thực tế đã chứng minh điều này. 

Chúng ta phải phân biệt giữa đăng ký bào chữa với cấp giấy chứng nhận bào chữa là 2 hành vi khác nhau. Tôi cho rằng chỉ cần quy định điều kiện bắt buộc để trở thành người bào chữa trên cơ sở người bị buộc tội nhờ và cơ quan tố tụng chỉ định là đủ. Bởi vì, người được nhờ, được chỉ định nhưng nếu từ chối và cũng không đăng ký bào chữa thì sẽ không trở thành người bào chữa tham gia tố tụng được. 

TS Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch LĐLSVN: Bãi bỏ việc cấp giấy đăng ký bào chữa

Chúng tôi đề nghị xem xét, cân nhắc và mạnh dạn bãi bỏ chế độ và thủ tục cấp giấy đăng ký bào chữa đối với luật sư và trợ giúp viên pháp lý, còn với những người bào chữa khác (nếu có) vẫn cần thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa như pháp luật hiện hành quy định.

Nếu tháo gỡ được vấn đề này, dự thảo bộ luật không chỉ khẳng định quyền Hiến định của các chủ thể được hưởng quyền bào chữa, đề cao địa vị pháp lý của người bào chữa mà còn mở ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong cách thức yêu cầu và bảo đảm thực hiện quyền bào chữa. Với Bộ luật Tố tụng hình sự các nước, họ không quy định thủ tục cho người bào chữa này.

Ngọc Lương (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem