Đối tượng tung tin giả sĩ quan Việt Nam hy sinh ở Uganda có thể bị xử lý sao?

Nguyễn Đức Thứ tư, ngày 09/02/2022 19:43 PM (GMT+7)
Cục Gìn giữ hòa bình đang phối hợp với Cục Tuyên huấn làm rõ hành vi lan truyền thông tin sai sự thật về việc một sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam mất ở Uganda. Ở góc độ pháp lý, đối tượng tung tin sai sự thật có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Xuất hiện nhiều cá nhân đăng thông tin "giật gân" để thu hút tương tác

Nêu quan điểm về vụ việc đối tượng tung tin sai sự thật về việc một sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam mất ở Uganda, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho hay, Việt Nam tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (LHQ) được Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và bạn bè đánh giá cao. Đóng góp tích cực vào việc thực hiện tốt sứ mệnh đó là các sỹ quan đang thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ của LHQ.

Thực tế, những hành vi đăng thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc diễn ra nhiều thời gian gần đây. Lợi dụng sự quan tâm của mọi người, nhiều cá nhân đăng thông tin "giật gân" để thu hút mọi người quan tâm, theo dõi.

Đối tượng tung tin giả sĩ quan Việt Nam hy sinh ở Uganda có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Tài khoản Tiktok tên Đ.M.T đăng tải thông tin sai sự thật về sĩ quan Việt Nam hy sinh ở Uganda. Ảnh chụp màn hình. Ảnh: Ngọc Tân

Lợi dụng sự việc này có thể nhiều thế lực thù địch và phản động đã phát tán trên mạng nhiều thông tin bất lợi cho Việt Nam. Bởi vậy hành vi đăng tải thông tin sai sự thật, thông tin giả về sĩ quan Việt Nam hy sinh tại Ugada trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, hành vi đăng thông tin sai sự thật về việc sỹ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hy sinh còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng, sai lệch đường lối chính sách chủ trương của Đảng và Chính phủ, dễ dàng gây bức xúc, kích động trong quần chúng nhân dân. 

Người đăng thông tin sai sự thật có thể bị phạt tù

Theo luật sư Tùng, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin giả về sĩ quan Việt Nam hy sinh tại Ugada.

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Đối tượng tung tin giả sĩ quan Việt Nam hy sinh ở Uganda có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội)

Ngoài ra, căn cứ tính chất và tầm ảnh hưởng thông tin giả tại sự việc này, trường hợp có đủ căn cứ, người đăng tải thông tin có thể bị khởi tố về tội Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nêu quan điểm về vụ việc đối tượng tung tin sai sự thật về việc một sĩ quan gìn giữ hòa bình Việt Nam mất ở Uganda, bạn đọc Hồng Nhung ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, hành vi đăng thông tin sai sự thật chưa được kiểm chứng sẽ gây hoang mang dư luận, mất đoàn kết trong nhân dân.

Ngoài ra, việc xử phạt đối với hành vi này hiện nay chưa đủ sức răn đe, không đủ mạnh để ngăn chặn những thông tin xấu độc, những thông tin sai sự thật. Nhất là những thông tin này dường như ngày càng xuất hiện nhiều hơn trước đây, diễn ra hàng ngày trên mạng xã hội.

"Bởi vậy, tôi cho rằng, để ngăn chặn những hành vi này, các cơ quan quản lý Nhà nước bên cạnh đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn khuyến cáo người dân không đăng tải những thông tin xấu độc, những thông tin sai trái, xuyên tạc, bịa đặt, đồng thời cần phải xử lý mạnh tay đối với những người vi phạm, kể cả việc xử lý hình sự", bạn đọc Hồng Nhung chia sẻ.

Trước đó, mạng xã hội Tiktok lan truyền đoạn video chứa thông tin quân nhân Việt Nam hy sinh tại Uganda (châu Phi). Cụ thể, ngày 8/2, một tài khoản Tiktok tên Đ.M.T., sử dụng ảnh đại diện là người mặc quân phục, chia sẻ clip với chú thích "Đồng chí N.V.T., SN 1996, đại đội phó đại đội 2 trợ lý phái bộ GGHB LHQ hy sinh lúc 3h55 tại Uganda".

Clip ban đầu dường như đã bị gỡ bỏ. Sau đó, Đ.M.T. tiếp tục đăng clip khác với chú thích "tiễn người anh về với Phật anh đã chút hơi thở cuối cùng vào lúc 3h55 ngày 8/2/2022". Bài đăng thu hút gần 8.000 lượt "thả tim" và hơn 300 bình luận. Đa số bình luận gửi lời chia buồn nhưng cũng có nhiều bình luận bày tỏ nghi ngờ tính chính xác của thông tin.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem