Đối phó với áp thấp nhiệt đới: Nơi chủ quan, nơi cuống cuồng

Thứ năm, ngày 07/11/2013 07:05 AM (GMT+7)
Chiều và đêm qua (6.11), áp thấp nhiệt đới- trước đó người dân được thông báo là cơn bão số 13, đã ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Bộ. Để chống “cơn bão” này, người dân đã được di dời, còn tàu thuyền cũng đã cuống cuồng đi tránh.
Bình luận 0
Khánh Hòa: Dân chủ quan

Chiều 6.11, trong khi mây đen sầm sập kéo đến nhưng tại bến Cầu Đá, những chuyến đò ngang chở cư dân sang các đảo trong vịnh Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn đưa khách vượt biển. Trung tá Phạm Xuân Trường – Trạm kiểm soát biên phòng Cầu Đá thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Nha Trang, cho biết:

Toàn bộ tàu đánh cá và tàu du lịch đã bị cấm xuất bến từ 7 giờ sáng 6.11 nhưng riêng đò ngang chở dân ra vào đảo thì chưa có lệnh cấm. Trên bãi biển Nha Trang, dù có biển báo cấm nhưng nhiều người dân, du khách vẫn bất chấp lao xuống biển tắm, nghịch sóng và lướt ván.

Sáng 6.11 dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng chống cơn “bão” tại Khánh Hòa, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ân – Phó Tham mưu trưởng Quân khu V nhận định: Người dân Khánh Hòa còn chủ quan trong phòng chống lụt bão. Bão đã đến cận kề, trước 12 giờ trưa toàn bộ công tác chuẩn bị đối phó với bão đều phải được hoàn tất nhưng không thấy người dân chằng chống nhà cửa, không dùng bao tải cát giữ mái tôn trước gió bão.

Đưa thuyền  vào bờ để tránh sóng lớn đánh vỡ.
Đưa thuyền vào bờ để tránh sóng lớn đánh vỡ.

Đến 16 giờ chiều 6.11, Trực ban tác chiến Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, cho biết toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 214 tàu thuyền với 1.840 thuyền viên đang đánh bắt xa bờ tại các vùng biển.

Trong khi đó, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên đã liên tục có mưa, gió mạnh dần, mực nước các sông trên địa bàn đang ở mức xấp xỉ báo động I. Riêng nội thành Tuy Hòa và nhiều khu vực thấp trũng trong tỉnh đã bắt đầu ngập lụt. Một tàu cá BĐ-95566 do ông Nguyễn Bình (huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, cùng 3 lao động, đã bị hỏng máy, phải thả trôi tự do từ lúc 16 giờ ngày 5.11.

TP. HCM: Di dơi 2.000 dân

Tại TP.HCM, công tác ứng phó với ảnh hưởng của “bão” đã được các cơ quan chức năng thực hiện khẩn cấp. Tại huyện Cần Giờ, nơi được dự báo là ảnh hưởng nặng và nơi bão đổ bộ vào nên công tác ứng phó được khẩn trương thực hiện. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm đã đến trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương di dời người dân ở xã đảo Thạnh An đến khu vực an toàn.

Đến 9 giờ, huyện đã tổ chức di dời gần 2.000 người dân đến Nhà thiếu nhi, Trung tâm Văn hóa và Liên đoàn Lao động huyện Cần Giờ. Cũng để chống bão số 13, Sở GTVT TP.HCM cũng đã thông báo yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng không xuất bến. Cùng ngày, Sở GDĐT TP.HCM đã có công điện khẩn yêu cầu các đơn vị giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố tạm ngừng mọi hoạt động giảng dạy và học tập từ 16 giờ để tránh bão.

Người dân huyện Cần Giờ đã được đưa về nơi trú “bão”.
Người dân huyện Cần Giờ đã được đưa về nơi trú “bão”.

Tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa- Vũng Tàu) công tác phòng chống cũng được triển khai hết sức khẩn trương. Ông Trần Văn Phương, chủ ghe 2222 TS-BV, ngụ ở phường 5 cho biết, ngay khi nhận được thông tin về tình hình bão số 13, ông đã cho 2 chiếc ghe dừng đánh bắt hải sản và vào nơi tránh trú bão an toàn tại cảng Bến Đá.

Ông Nguyễn Thành Duy - Phó Chủ tịch UBND phường 5 cho biết, tính đến 10 giờ sáng ngày 6.11, cảng Bến Đá đã có hơn 200 ghe tàu vào tránh trú bão. UBND phường cũng đã có phương án để sẵn sàng di dời 520 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo báo cáo, đến chiều tối qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã liên lạc với chủ 3.000 ghe tàu đang ở ngoài khơi và được biết, số 2.000 phương tiện đánh bắt xa bờ đã được hướng dẫn di dời tránh bão.

ĐBSCL: Hối hả chạy “bão”

Do ảnh hưởng của bão số 13, chiều qua, một số tỉnh ĐBSCL đã xuất hiện mưa lớn. Theo ghi nhận, do lo ngại bão gây hại, hàng chục nghìn các phương tiện đánh bắt gần và xa bờ ở khu vực này đã cuống cuồng chạy tránh bão. Ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết: “Vùng biển Cà Mau có 1.586 tàu cá đang đánh bắt với gần 11.300 người. Trong đó 981 tàu đánh bắt xa bờ (7.656 ngư dân) hoạt động trên biển. Sáng qua, trên 600 tàu đánh bắt gần bờ ở Cà Mau đã hối hả chạy vào đất liền”.

Tại Bạc Liêu, Văn phòng Ban chỉ huy PCLB cho biết đã liên hệ được với 405 tàu cá đang đánh bắt ngoài khơi từ tối 5.11.

Còn tại huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) địa phương có nhiều xã nằm dọc theo Biển Đông với gần 1.100 hộ dân sống ven đê biển. 203 tàu thuyền của Vĩnh Châu đang đánh bắt ngoài khơi đã chạy vào đất liền.

Bão mới sắp vào Biển Đông

Cùng thời điểm “bão số 13” đang hoạt động, ngoài biển có xuất hiện cơn bão Haiyan sẽ di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25km/giờ và còn tiếp tục mạnh thêm. Dự báo khoảng đêm 8.11, cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông. Dù đã cuối mùa mưa bão nhưng trong những ngày qua, trên Biển Đông liên tục xuất hiện các cơn bão với diễn biến nhanh và phức tạp khó lường.

Nhóm PV Thời sự (Nhóm PV Thời sự)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem