Đọc sách: Người thứ năm thầm lặng

Phạm Xuân Nguyên Thứ sáu, ngày 30/04/2021 09:30 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, ngày 30/4/2021, kỷ niệm 46 năm ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước, tôi giới thiệu với bạn một cuốn sách phê bình văn học có tên là "Bốn nhà văn nhà số 4" của nhà phê bình văn học Ngô Thảo.
Bình luận 0
Đọc sách: Người thứ năm thầm lặng - Ảnh 1.

"Nhà số 4" nói đây là trụ sở của tạp chí "Văn Nghệ Quân Đội" ở số 4 phố Lý Nam Đế (Hà Nội). Tạp chí này thành lập năm 1957 là một cơ quan văn học nghệ thuật của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng từ lâu đó đã là một cái nôi của văn học Việt Nam hiện đại dưới chính thể dân chủ cộng hòa do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo. Nơi đây có những nhà văn nổi tiếng "cột trụ" sinh sống và sáng tác. Bốn nhà văn ở nhà số 4 được nói đến trong sách này theo thứ tự là Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi (1928 – 1968), Nguyễn Khải (1930 – 2008), Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989), Thu Bồn (1935 – 2003). Cả bốn người đều đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

BỐN NHÀ VĂN NHÀ SỐ 4

Tác giả: Ngô Thảo

Nhà xuất bản Văn Học, 2020

Số trang: 498 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 520

Giá bán: Sách Nhà nước đặt hàng

Nhà phê bình văn học Ngô Thảo sinh năm 1941, học Khóa 5 Khoa Ngữ văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội). Ra trường ông về làm việc tại Viện Văn học. Sau đó ông vào lính pháo binh hoạt động tại chiến trường Trị Thiên (1965 – 1970). Ông được điều về tạp chí "Văn Nghệ Quân Đội" từ 1971 và làm việc tại đó đến năm 1985. Trong 14 năm ở nhà số 4 ông đã có dịp gần gũi với bốn nhà văn nói trên, đã được nghe họ trò chuyện, bàn luận, đã đọc các tác phẩm của họ, đã chứng kiến cuộc sống và sự làm văn của họ. Cuốn sách này là một tập hợp những điều Ngô Thảo đã nghe, đã thấy, đã đọc, đã chiêm nghiệm từ cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu và Thu Bồn.

Do đó, điểm nổi bật đầu tiên của cuốn sách "Bốn nhà văn nhà số 4" là tính tư liệu của nó, đúng như phụ đề tác giả đã cho ghi ở bìa sách. Bạn đọc mở sách này ra không chỉ được đọc những bài viết của Ngô Thảo về bốn nhà văn ông quan tâm mà còn được đọc những nghĩ suy, tâm sự của chính họ nói ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhà phê bình Ngô Thảo ngay từ khi mới bước chân vào nghề sống ở một môi trường văn học đặc biệt đã biết nghe và biết ghi lại một cách trực tiếp, chân thực, tươi rói, sống động. Những điều này ông đã tập hợp lại và xuất bản thành một tập sách với tên gọi "Dĩ vãng phía trước" (2011, giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội). Bây giờ, ở cuốn sách mới này, ông trích ra từng phần riêng của từng người cùng với các bài viết của mình về họ càng làm nổi bật hơn chân dung của bốn nhà văn. Thí dụ nhận xét này về cái sợ Nguyễn Khải nói ra từ trước 1975 được Ngô Thảo ghi chép lại trong sổ tay của mình: "Bây giờ thì người có quyền chẳng phải sợ ai nữa. Mọi thế lực quyền thế nằm trong tay họ. Muốn gì được nấy. Muốn gì nói nấy. Không còn giới hạn quyền lực. Đó là một tai họa cho dân." (tr. 251) Cuốn sách vì thế có thể coi là bộ hồ sơ văn học cụ thể, chi tiết khá đầy đủ về bốn nhà văn được nói đến có giá trị cần thiết cho những người làm văn học và bạn đọc yêu văn chương muốn tìm hiểu.

Điểm nổi bật thứ hai của cuốn sách là sự theo dõi, bám sát đối tượng của nhà phê bình văn học. Nói rằng do cùng sinh hoạt, làm việc trong cùng một cơ quan nên Ngô Thảo có điều kiện để tiếp xúc, quan sát bốn nhà văn và viết về họ thì cũng là một lẽ. Nhưng có một lẽ khác lớn hơn là bằng trực giác của một nhà phê bình văn học Ngô Thảo đã biết nhìn thấy ở bốn nhà văn này những đối tượng đáng nghiên cứu như những trường hợp riêng của một bức tranh chung là văn học của người lính, viết về người lính, và rộng ra là văn học viết về chiến tranh. Có lẽ vì thế mà ở đầu sách, trước khi đi vào từng tác giả, ông đã cho in bài viết từ năm 1976 nói về cả một đội ngũ nhà văn đi cùng đội ngũ người lính "trong cuộc hành quân gian lao và vĩ đại". Ông đã viết về Nguyễn Minh Châu với tiểu thuyết "Dấu chân người lính" từ năm 1972, về Nguyễn Khải với tiểu thuyết "Chiến sĩ" từ năm 1973, về Thu Bồn với tiểu thuyết "Dưới đám mây màu cánh vạc" từ năm 1975, về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi với những cuốn sổ ghi chép để lại từ năm 1984. Và sau những bài viết mở đầu đó, Ngô Thảo đã bền bỉ và chung thủy với đối tượng văn chương của mình để có thêm những bài viết khác đi sâu và mở rộng nhận thức của mình về họ, nói thêm về họ những khi có dịp. Vậy nên trong sách này ông có 9 bài  về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi, 7 bài về Nguyễn Khải, 8 bài về Nguyễn Minh Châu và 9 bài về Thu Bồn. Đây có thể nói là một trường hợp hiếm khi một nhà nghiên cứu phê bình tập trung sự chú ý vào đối tượng của mình lâu dài và kỹ lưỡng đến thế.

Nhưng điều đáng nói hơn là chất lượng của cái nhìn vào đối tượng. Ngô Thảo đã chứng tỏ nhãn quan phê bình văn học của ông ngay từ những bài viết kịp thời và sốt dẻo khi tác phẩm của nhà văn mới ra đời. Cái cách ông đọc tiểu thuyết "Chiến sĩ" của Nguyễn Khải cho thấy điều này. Nhà văn đi chiến dịch Đường 9 – Nam Lào về viết ngay tác phẩm phản ánh sự kiện đó và để xâu chuỗi các ấn tượng ghi nhận được trong thực tế và tạo môi trường nói lên những suy nghĩ của mình, ông đã để một người lính tăng đi lạc qua nhiều đơn vị khác nhau, gặp gỡ những con người khác nhau, thấy ra nhiều cảnh ngộ khác nhau, từ đó gợi nên những ý nghĩ suy tư khác nhau về con người và chiến cuộc. Ngô Thảo đọc thấy ở đó kiểu viết của Nguyễn Khải là quan tâm đến vấn đề trước tiên, còn cốt truyện, tính cách nhân vật thì ông nhà văn này đặt ở hàng thứ yếu. Một nhận xét rất đúng cho văn Nguyễn Khải. Ở một bài viết khác Ngô Thảo lại chỉ ra một điểm yếu của văn Nguyễn Khải là thiếu khả năng tưởng tượng, phải dựa nhiều vào nguyên mẫu. Nhưng nhà phê bình cũng nhanh nhạy nêu lên những vấn đề văn học từ thực tế sáng tác của nhà văn. Bài Ngô Thảo viết về tính kịp thời của sáng tác khi đọc tác phẩm "Tháng Ba ở Tây Nguyên" của Nguyễn Khải là một bài cũng rất kịp thời mở ra được nhiều điều suy nghĩ từ một cuốn sách cụ thể.

Ở Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết "Dấu chân người lính" Ngô Thảo thấy thủ pháp bao trùm của nhà văn là sự so sánh, trên cơ sở so sánh mà phát huy sức liên tưởng của người đọc. "Chính cái kết cấu dựa trên sự liên tưởng – mà anh tin người đọc luôn có sẵn – đã giúp nhà văn mạnh dạn đưa vào những đoạn tưởng như chắp vá, thực ảo lẫn lộn, nhưng cũng đem lại cho người đọc niềm hứng thú thực sự khi viết tiếp được những chuyện mà tác giả mới chỉ bắt đầu hay nói lướt qua." (tr. 349) Một nhận xét như thế của nhà phê bình ở thời điểm tác phẩm ra đời là sự động viên lớn cho nhà văn vững tin ở cách viết của mình. Tôi vẫn giữ mãi ấn tượng lần đầu đọc bài viết này của Ngô Thảo đăng tạp chí "Tác phẩm mới" (1973) khi nhà phê bình phân tích mối tình không thành của Xiêm và Lượng như một chủ đề phụ của tác phẩm: "những giới hạn của nhiệm vụ người chiến sĩ và yêu cầu bức thiết của việc giải phóng con người sau khi có đất giải phóng." (tr. 346). Đó là một tư tưởng quan trọng của nhà văn đã được nhà phê bình tinh tế phát hiện. Giờ đây đọc lại bài viết đó của Ngô Thảo trong sách này tôi vẫn thú vị với phát hiện đó của ông từ nửa thế kỷ trước.

Ngô Thảo đã viết kỹ viết sâu về Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi "Một gương mặt đẹp trong văn học Việt Nam hiện đại". Số phận và tính cách đặc biệt cùng sự nghiệp sáng tác văn chương đặc sắc của của nhà văn này đã được ông trân trọng và đề cao. Ông đã có công tiếp nối nhà phê bình Nhị Ca hoàn chỉnh việc đọc và cho xuất bản những cuốn sổ ghi chép từ ở chiến trường của nhà văn. Bài viết của ông về giá trị của các cuốn sổ đó cũng như bài viết về những tác phẩm còn bỏ dở của Nguyễn Thi được công bố về sau, về công phu nhà văn học hỏi ngôn ngữ Nam Bộ, đã giúp người đọc hiểu không chỉ cá nhân nhà văn mà còn một kiểu nhà văn – chiến sĩ sống và sáng tác trong hoàn cảnh chiến tranh.

Với nhà thơ Thu Bồn, Ngô Thảo có một tình bạn thân thiết không chỉ trong văn chương mà cả trong cuộc sống. Ông thấy Thu Bồn là cả một cánh rừng nguyên sinh trong văn học, "người luôn có xu hướng ra khỏi vùng an toàn được quy ước bởi những lý thuyết cổ điển." (tr. 474) Nhưng ông cũng thấy "có một niềm đau mang tên Thu Bồn" trong cuộc sống riêng tư ẩn đằng sau những vần thơ hào tráng mạnh mẽ mà phải là người thân cận thấu hiểu mới có thể viết ra một cách chân tình. Và Ngô Thảo đã rất vui mừng khi Thu Bồn được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cũng như khi Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi được phong danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang,– hai việc mà ông bằng những bài viết và tiếng nói của mình đã có phần thúc đẩy, tác động để vinh danh xứng đáng hai nhà văn nổi tiếng.

Cuốn sách "Bốn nhà văn nhà số 4" là kết quả nửa thế kỷ lao động văn học cần mẫn, sâu sát của nhà phê bình văn học Ngô Thảo. Nó là tư liệu văn học như ông khiêm tốn gọi. Nhưng nó còn là phê bình văn học. Nó cho thấy con đường làm nghề nhất quán của ông là đồng hành và cổ vũ cho mảng văn chương về người lính và chiến tranh cách mạng. Nó cho thấy một cách làm nghề của ông là tập trung chuyên sâu vào một số đối tượng để rồi qua năm tháng những bài viết được tập hợp lại vẫn có được giá trị của một cái nhìn xuyên suốt. Nó cho thấy cách viết phê bình của ông chú trọng cả văn bản tác phẩm và cuộc đời tác giả mà vế sau ngày càng được ông chú ý hơn.

Và như thế, đọc cuốn sách này vào đúng ngày 30/4 bạn đọc được gặp người thứ năm của nhà số 4 – nhà phê bình Ngô Thảo, người "tạc tượng" theo cách của mình bốn nhà văn mặc áo lính ông yêu quý và trân trọng.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Hà Nội 30.4.2021

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem