Độc đáo tục “chịu lạy” trước ngày cưới ở miền Tây

Bài và ảnh: Hoàng Lê Thứ tư, ngày 01/04/2015 10:11 AM (GMT+7)
Ngày cưới là ngày trọng đại nhất của đời người. Vì vậy, mọi lễ lộc hay phong tục trong ngày cưới đều được tiến hành một cách đầy đủ và chu đáo. Trong số những tục lệ được xem là “bản sắc” ấy, ở Vĩnh Long quê tôi và nhiều vùng quê miền Tây khác có tục “chịu lạy” trước ngày cưới vẫn luôn tồn tại, duy trì từ bao đời.
Bình luận 0
Tục “chịu lạy” quê tôi được tổ chức vào buổi tối, trước khi ngày cưới diễn ra một ngày, gái hay trai đều phải “chịu lạy” trước khi lấy vợ, gả chồng. Tầm 19 giờ, bà con cô bác bên nội, bên ngoại tề tựu đông đủ ở gian chính nhà, tác phong trang phục chỉnh tề. Trưởng tộc trong gia đình đứng ra sắp xếp vị trí, người lớn nhất ngồi ở đầu bàn, lần lượt các chỗ còn lại ngồi kế tiếp theo. Chú rể hoặc cô dâu đứng trước bàn thờ tổ tiên để nghe trưởng tộc tiến hành các thủ tục trong tục “chịu lạy”.
img
Mâm lễ phẩm để cúng gia tiên trong tục “chịu lạy” (ảnh: Hoàng Lê)
Sau khi đã sắp xếp xong vị trí, trưởng tộc yêu cầu bưng rượu mời ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì… rồi nghe những lời giáo huấn trước ngày làm lễ thành hôn. Đối với người con trai đi lấy vợ, cha mẹ sẽ dặn dò nhiều điều về cách ứng xử đối với vợ và đối với tổ tiên nhà vợ. Đối với người con gái, cha mẹ sẽ dặn dò nhiều hơn về cách ứng xử đối với cha mẹ chồng trước ngày “xuất giá”. Nhiều cô gái trước ngưỡng cửa hôn nhân, chuẩn bị lập gia đình sẽ không cầm được nước mắt, nghẹn ngào vì xúc động.

Thủ tục quan trọng nhất trong tục “chịu lạy” của người quê tôi là bà con cô bác sẽ tặng quà để cho đôi trẻ làm vốn sau hôn nhân. Lúc này đây, họ sẽ nói những lời chúc mừng kèm theo những kinh nghiệm mà họ đã có được trong đời sống vợ chồng để giúp cho các  chàng trai hoặc cô gái có được hạnh phúc trong cuộc sống lứa đôi.

Ngày “chịu lạy” của tôi cũng vậy, má tôi cẩn thận gói cho tôi số tiền mà má đã dành dụm trong nghèo khó kèm theo những lời dặn dò, đại loại là má muốn tôi lập gia đình phải sống tốt hơn, cùng vợ lo cho gia đình, con cái.

img
Bà con cô bác tề tựu đông đủ để chúc mừng chú rể, cô dâu (ảnh: Hoàng Lê)

Đã gần 5 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in dáng người gầy gò của má, đôi mắt ngấn lệ bảo ban cho tôi những điều tốt nhất trước khi lập gia đình. Đến giờ tôi mới hiểu ra, nước mắt của má đã rơi trong ngày “chịu lạy” là do xúc động, là do sự trưởng thành của con cái. Còn nhớ vào tối hôm ấy, má tôi kể cho tôi nghe nhiều chuyện thật cảm động về đám cưới của má và ba năm xưa. Nghe má kể mà tôi thấy thương má, thương ba, suốt một đời cực khổ để mang lại những điều tốt nhất cho con cái.

Trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển như hiện nay, có đôi khi người ta quên mất đi những điều thiêng liêng, tốt đẹp dù chỉ có trong phong tục, nhưng hàm chứa trong đó lại là sự giáo dục, truyền dạy những văn hoá ứng xử của con người. Đối với tôi và đối với người miền Tây quê tôi, tục “chịu lạy” trước ngày cưới vẫn luôn còn mãi, đồng hành với thời gian và không thể bị phai mờ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem