Điều gì tạo nên khác biệt của bóng đá nữ Việt Nam với các đội còn lại ở ĐNÁ?

Phạm Trần Oánh Thứ ba, ngày 16/05/2023 13:10 PM (GMT+7)
Mặc dù khi xem ĐT nữ Việt Nam thi đấu với Myanmar, hay Thái Lan hoặc Philippines, ta không thấy sự vượt trội rõ ràng của ĐT nữ Việt Nam so với đối thủ về mặt thế trận, nhưng chúng ta lại thường có chiến thắng và đã 4 lần liên tiếp đoạt HCV SEA Games?
Bình luận 0

ĐT nữ Việt Nam luôn đạt hiệu quả cao

ĐT nữ Việt Nam đã lần thứ 4 liên tiếp giành HCV SEA Games sau khi chiến thắng ĐT nữ Myanmar 2-0 trong trận chung kết. Với thành tích đó, rõ ràng, bóng đá nữ Việt Nam đã tạo ra 1 khoảng cách về mặt trình độ với các đội bóng còn lại trong khu vực. Chiến thắng này cũng khẳng định việc chúng ta đại diện cho khu vực để có mặt ở Worl Cup là xứng đáng.

Nhưng xem trận chung kết, chúng ta thấy thế trận của 2 đội khá cân bằng. Kể cả khi ĐT nữ Việt Nam gặp nữ Thái Lan, hay Philippnes, chúng ta cũng không thấy sự vượt trội quá rõ ràng của đội nữ Việt Nam so với đối thủ. Vậy đội bóng của ông Mai Đức Chung có gì khác biệt với các đội bóng được coi là mạnh trong khu vực để liên tục là số 1 như vậy?

Điều gì tạo nên khác biệt của bóng đá nữ Việt Nam với các đội còn lại ở ĐNÁ? - Ảnh 1.

ĐT nữ Việt Nam đã giành HCV SEA Games 32. Ảnh: Cao Oanh

Chắc chắn, sẽ có nhiều lý do để tạo nên sức mạnh của 1 đội bóng, nhưng qua giải đấu này, đội bóng của ông Mai Đức Chung đã thể hiện là 1 đội bóng cực kỳ thực dụng. Điều đó thể hiện từ chiến thuật của đội bóng đến việc quyết định lựa chọn kỹ thuật xử lý bóng của các cầu thủ trong 1 số tình huống bóng cụ thể.

Về mặt chiến thuật, đương nhiên, 1 đội bóng thực dụng luôn quan tâm rất nhiều đến sự an toàn của hệ thống phòng ngự. Mặc dù các cầu thủ nữ Việt Nam có xu hướng kiểm soát bóng, nhưng cũng không ngại việc phá bóng ra xa khu cầu môn khi cần thiết. Các cầu thủ hậu vệ đá rất an toàn, hạn chế phối hợp nhỏ gần cầu môn. Họ tổ chức tốt việc phối hợp cản phá các pha phối hợp đưa bóng đến gần khung thành của thủ môn Trần Thị Kim Thanh.

Khi tổ chức tấn công, các cầu thủ nữ Việt Nam cũng thường tổ chức đánh biên, không nhiều pha bóng ban chuyền nhiều chạm ở giữa sân, đây cũng là giải pháp tấn công mang tính an toàn. Và khi đã để ĐT nữ Việt Nam ghi được bàn thắng trước thì các đối thủ sẽ rất khó tìm kiếm bàn gỡ.

Việc dùng người của HLV Mai Đức Chung cũng rất thực dụng. Điển hình như cách ông sử dụng cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã. Giống như với tuyển thủ Nguyễn Thị Minh Nguyệt trước đây, Thanh Nhã thường được đưa vào sân ở hiệp 2, khi hàng phòng ngự đối phương đã xuống sức, đó là lúc họ phát huy được tốc độ, kỹ thuật của mình để ghi được bàn thắng.

Điều gì tạo nên khác biệt của bóng đá nữ Việt Nam với các đội còn lại ở ĐNÁ? - Ảnh 2.

Huỳnh Như và các đồng đội chơi rất thực dụng. Ảnh: Cao Oanh

Trong trận đấu gặp Myanmar, có 2 tình huống dứt điểm mà các cầu thủ nữ đã sử dụng kỹ thuật khác hẳn với bóng đá nam. Nó mang tính thực dụng điển hình ở các học trò của ông Mai Đức Chung trong việc lựa chọn kỹ thuật dứt điểm. Đó là cú sút của Nguyễn Thị Thanh Nhã ghi bàn thắng ấn định tỷ số 2-0 cho Việt Nam. Thoát bóng xuống ngang chấm phạt đền, sát vạch 16m50 bên phải, Thanh Nhã tung 1 cút đá bằng mu lai má trong, bóng đi lực vừa phải, tương đương với 1 đường chuyền, bay qua đầu thủ môn vào nách lưới phía cột xa cầu môn.

Sau đó, khoảng phút 90+2, Phạm Hải Yến có bóng ở vị trí tương tự, tình huống xuống bóng giống hệt pha ghi bàn của Thanh Nhã, và cô cũng dùng kỹ thuật tương tự, nhằm vào điểm rơi tương tự với quả đá của Thanh Nhã, nhưng tiếc rằng bóng đi hơi bổng. Với vị trí dứt điểm của Thanh Nhã và Hải Yến, tức là chéo với cầu môn, thủ môn bắt buộc phải vừa bảo vệ góc gần, vừa đề phòng pha chuyền bóng vào trong. Và khi đó có 1 khoảng trống đủ xa giữa vị trí của thủ môn và cột sau cầu môn.

Với thủ môn nam, chiều cao ngoài 1m80, sức bật tốt, những cú đá qua đầu như vậy gần như không có cơ hội thành bàn, nhưng với thủ môn nữ thì khác. Chính vì vậy, nếu quyết định dứt điểm từ vị trí đó, gần như mọi nam cầu thủ đều sử dụng kỹ thuật úp mu hết lực, với hy vọng lực sút và tốc độ bóng chiến thắng được phản xạ của thủ môn.

Với các nữ cầu thủ, do đặc điểm về tố chất nên các cú đá bằng mu chân thường thiếu lực và không chính xác. Kỹ thuật sút này đặc biệt khó thực hiện chính xác và hiệu quả khi thể lực cầu thủ đã bị xuống, kể cả với cầu thủ nam. Hai tình huống dứt diểm với điểm rơi và kỹ thuật giống hệt nhau của Thanh Nhã và Hải Yến, ta hiểu rằng ông Mai Đức Chung đã cho các cầu thủ tập luyện nhuần nhuyễn tình huống dứt điểm này với chủ trương rất thực dụng: Không cần đá mạnh, chỉ cần câu bóng chính xác qua đầu thủ môn. Mà để làm điều đó dễ nhất trong tình huống đó chính là sử dụng kỹ thuật đá bóng mu lai má trong mà 2 nữ cầu thủ của chúng ta đã thực hiện trong trận vừa rồi.

Ngoài ra, như chia sẻ của cựu tuyển thủ Nguyễn Thị Minh Nguyệt, HLV Mai Đức Chung đã cư xử với các cầu thủ nữ như với những đứa con, và các nữ cầu thủ cũng coi ông như cha vậy, điều đó giúp cho không khí đội bóng luôn như trong gia đình, thầy trò không có khoảng cách với nhau. Hẳn điều đó cũng giúp ích nhiều cho việc các cầu thủ hiểu yêu cầu, chiến thuật của HLV đưa ra hơn.

Có thể, những thứ đó đã tạo ra sự khác biệt của đội nữ Việt Nam với các đội còn lại trong khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem