Điều chỉnh lương tối thiểu - Chưa đủ bù đắp

Chủ nhật, ngày 14/08/2011 14:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bộ LĐTBXH vừa trình Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu, cao nhất là 2 triệu đồng/tháng. Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, TS Đặng Quang Điều cho rằng: Ngay cả mức tăng đề xuất đó cũng không đáp ứng được yêu cầu (về mức sống tối thiểu).
Bình luận 0

Theo khảo sát của Viện, để đảm bảo mức sống tối thiểu, ở Hà Nội (vùng I) phải chi phí tới 35.300 đồng/ngày. Tính bình quân nhu cầu để sống, mỗi tháng người lao động đã phải chi tối thiểu 1.059.000 đồng. Và để đáp ứng mức sống tối thiểu, số tiền tối thiểu cần cho vùng I là 2,42 triệu đồng; lần lượt các vùng II, III, IV là 2,2; 1,9 và 1,5 triệu đồng/tháng.

Ông Điều đã dùng từ "còn khoảng cách" khi nói về mức lương đề xuất và mức chi phí thực tế. "Khoảng cách" này chỉ cho thấy một thực tế rằng: Lương tối thiểu 2 triệu đồng/tháng, thực ra, không đủ cho một mức sống tối thiểu. Việc điều chỉnh lương "trước thời hạn", trong thực tế, là chạy sau lạm phát, chưa bù đắp được cho sự mất giá "phi mã" của đồng tiền.

Một điểm rất đáng lưu ý là đợt điều chỉnh lương đột xuất trước thời hạn này là dành cho đối tượng người lao động trong khu vực doanh nghiệp. Thế còn 60% dân số là nông dân? Thế còn người nghèo đô thị? Thế còn đội ngũ công chức viên chức? Còn thế hệ tương lai đang ngồi trên ghế giảng đường đại học?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, ông Lê Quốc Dung trong một bài trả lời phỏng vấn vào thời điểm lạm phát mới chỉ 10% đã cho rằng: "Lạm phát xảy ra tiếp tục cắt thêm vào khẩu phần ăn của người dân". Và để đối phó, họ đang ăn dần vào sức khỏe của mình.

Câu hỏi đặt ra là việc điều chỉnh lương khối doanh nghiệp để giải quyết vấn đề gì? Chống lạm phát? Không. Không ai đi chống lạm phát bằng việc tăng lương. An dân? Lại càng không. Vài trăm ngàn tăng thêm cho vài triệu công nhân chỉ khiến hơn 80 triệu dân còn lại phải bóp mồm bóp miệng chịu đựng những cơn bão giá.

Ông Dung đã nói hoàn toàn chính xác, rằng: Chỉ khi lạm phát dao động trong mức 3,5% mới đảm bảo cải thiện đời sống đi liền với mức tăng trưởng. Bởi lạm phát ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, chứ không phải chỉ riêng công nhân, dù họ, cùng với nông dân, người nghèo, chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi lạm phát. Cái ảnh hưởng đến gần 90 triệu dân, là giá cả. Vấn đề là giá quá cao phá giá đồng tiền, trong đó có đồng lương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem