Diễn viên lành lặn đóng người tàn tật: Sự tàn nhẫn dưới lớp vỏ nhân văn

Thứ sáu, ngày 16/01/2015 08:34 AM (GMT+7)
Diễn viên Anh Eddie Redmayne vừa giành giải Quả cầu vàng với vai diễn nhà khoa học khuyết tật Stephen Hawking. Sự kiện này khơi lên một chủ đề gây tranh cãi, dẫn khán giả đến sự tàn nhẫn khó thấy bên trong mỗi người.
Bình luận 0

Redmayne là trường hợp mới nhất trong một danh sách dài các diễn viên lành lặn từng hóa thân thành người khuyết tật trên màn ảnh. Một số trong đó được tưởng thưởng hậu hĩnh bởi các giải thưởng.

Đầy nhân văn, nhưng không hẳn là vô hại

“Nếu làm phim về cuộc diệt chủng Do Thái của phát xít Đức, bạn cầm chắc trước một giải Oscar” – nhân vật của Kate Winslet nói đùa trong phim Extras. Có thể nói một câu tương tự về các vai diễn khuyết tật, với điều kiện diễn viên không phải là người bị tật nguyền thực sự. Khi ấy, việc có được vai diễn kiểu này đã là một may mắn lớn.

Từ Daniel Day Lewis trong My Left Foot đến Dustin Hoffman in Rain Man, tài năng trong việc diễn vai khuyết tật đã là một tiêu chí được đánh giá cao với các diễn viên, khiến vai diễn được tán thưởng bởi giới phê bình và được công chúng yêu quý.

Khi Daniel Radcliffe (người nổi tiếng với vai Harry Potter) diễn vai một đứa trẻ mồ côi tàn tật trong vở kịch The Cripple of Inishmaan, báo chí đưa tin nhiều hơn hẳn so với việc vai đó do một diễn viên khuyết tật, ít danh tiếng hơn đóng.

img

Eddie Redmayne (ảnh trên) diễn vai Stephen Hawking với vẻ ngoài giống đến đáng ngạc nhiên.

Nhưng liệu đây có phải là một xu hướng vô hại? Ngày nay, diễn viên da trắng diễn vai da đen bị coi là hành vi phân biệt chủng tộc, mang tính xúc phạm. Nhưng việc người lành lặn diễn vai khuyết tật thì lại được cổ vũ.

Trong cả hai trường hợp, diễn viên đều dùng các bộ phận giả và đạo cụ để thay đổi vẻ ngoài của mình, để trông giống người thuộc nhóm thiểu số kia. Trong cả hai trường hợp, họ đều điều chỉnh giọng nói hay thân thể để bắt chước. Họ làm điều đó, về cơ bản chỉ để phục vụ nhu cầu giải trí của nhóm đa số.

Ngoài ra, việc tuyển diễn viên lành lặn để đóng vai tật nguyền sẽ giảm thiểu nhiều khó khăn cho các nhà làm phim và hoạt động sản xuất phim. Chính khả năng đi lại bình thường đã giúp Redmayne diễn được vai Hawking giai đoạn trước khi bị teo cơ và phải ngồi xe lăn.

Nhu cầu xúc động của khán giả

Ngoài ra còn một lý do khác không nằm trên bề mặt mà hướng vào tâm lý khán giả. Theo Guardian, có một lý thuyết cho rằng khán giả cảm thấy yên lòng hơn khi xem diễn viên lành lặn đóng vai khuyết tật, chứ không phải diễn viên khuyết tật thực sự.

Thẳng thắn hơn, Christopher Shinn, một nhà soạn kịch cụt chân, cho rằng việc đó khiến cả xã hội quên đi nỗi sợ và nỗi ghê tởm. Shinn nói với Guardian: “Văn hóa đại chúng quan tâm đến khuyết tật như một phép ẩn dụ, hơn là điều có thể xảy đến với những con người bằng xương bằng thịt”.

Tóm lại, nhân vật khuyết tật tạo ra những hình tượng gây ấn tượng lớn với khán giả. Họ có thể biểu tượng hóa tinh thần, nghị lực của con người qua những nhân vật kém may mắn này.

Cả xã hội coi khuyết tật là một tai ương, không ai muốn xảy ra với mình, nhưng lại muốn gán vào phim ảnh để thỏa mãn nhu cầu xúc động và truyền cảm hứng. Đó là một tâm lý toàn cầu.

Khi chúng ta thấy một diễn viên từng đóng vai khuyết tật nhảy cẫng lên trên sân khấu nhận giải thưởng, chúng ta có một cảm giác yên lòng tàn nhẫn: yên tâm rằng anh ta vẫn lành lặn.

Có lẽ đó là một phần vấn đề. Có lẽ xã hội vốn do người lành lặn vận hành đã quen nghĩ về khuyết tật toàn đau đớn và thương tâm – những yếu tố dễ gây xúc động.

Vì thế, khi một diễn viên lành lặn hoàn thành cảnh quay, tháo các bộ phận giả tàn tật hoặc bước khỏi xe lăn, dường như anh ta chẳng xúc phạm ai. Nhưng với rất nhiều người khuyết tật ngồi dưới ghế khán giả, chuyện giống như họ đang phải xem những kẻ giả dạng mình diễn trò.

Xét từ khía cạnh chủng tộc, việc một người thuộc nhóm đa số diễn hoặc bắt chước nhóm thiểu số để phục vụ mục đích giải trí là hành vi sai trái. Nhưng lối nghĩ này vẫn hình thành trong trường hợp của những người khuyết tật.

Có lẽ đã đến lúc nghĩ lại, trước khi tiếp tục ngợi ca một trường hợp người lành lặn diễn vai tàn tật khác. Bởi, cuộc sống của người khuyết tật ngoài đời đa dạng hơn những gì thể hiện trên màn ảnh và khiến chúng ta xúc động.

(Theo Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem