Lương tăng 4, lao động chỉ được hưởng 1

Minh Nguyệt Thứ năm, ngày 23/07/2015 14:20 PM (GMT+7)
Lương tối thiểu tăng 400.000 đồng/tháng nhưng tổng thu nhập của lao động (LĐ) chỉ tăng 100.000 đồng/tháng. Con số này cho thấy lộ trình tăng lương tối thiểu hàng năm chưa thực sự giúp cho "hầu bao" của người LĐ tăng tương ứng.
Bình luận 0

Ngày 20.7, Bộ LĐTBXH công bố Bản tin lao động việc làm số 5, quý I/2015. Con số đáng chú ý nhất bản tin này có lẽ là tổng thu nhập bình quân đầu người của LĐ làm công ăn lương trong doanh nghiệp (DN), làng nghề, hợp tác xã ở Việt Nam trong 2 năm qua gần như không có biến động…

Lương tăng, phụ cấp giảm

Chị Nguyễn Thị Nga (Hà Đông, Hà Nội) đi làm được 5 năm tại một công ty may lớn ở Yên Nghĩa (Hà Đông). Hiện tổng tiền lương trung bình của chị Nga là 5,1 triệu đồng, vượt xa mức lương tối thiểu vùng I hiện hành áp dụng cho khu vực nội thành Hà Nội. “Làm công nhân may chúng tôi chủ yếu làm khoán, đạt được mức khoán mới có lương tối thiểu, vượt khoán, làm tăng ca mới có thêm chút trợ cấp. Khi nhà nước tăng lương tối thiểu, nếu DN không có thêm nguồn thu, họ sẵn sàng tăng mức khoán, nếu không đạt khoán thì giảm trợ cấp, phụ cấp. Vì thế, tiếng là tăng lương, thực tế chúng tôi phải tăng thời gian làm việc hoặc giảm phụ cấp”- chị Nga nói.

img

Lao động nghề hàn 6G hiện đã có mức lương khoảng 6-8 triệu đồng/tháng nên không được hưởng lợi khi tăng lương tối thiểu. (Ảnh: Lê An)

Năm 2015, lương thực lĩnh của chị Nga là 5,1 triệu đồng và theo chị là “không tăng so với năm 2014” nhưng tiền đóng BHXH, BHYT và BHTN lại tăng lên (từ 9% năm 2014 lên 10% năm 2015).  

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho DN cũng đồng thời áp dụng cho các cơ sở sản xuất làng nghề, các hợp tác xã… Tuy nhiên, nhiều LĐ cho biết họ thường áp dụng cách tính “làm đấu ăn khoán” tính theo ngày công từ 150.000-250.000 đồng/ngày, tương đương 3,9 - 7 triệu đồng/tháng (26 ngày công). Vì thế, mức tăng lương tối thiểu vùng hầu như không “chạm” tới họ vì thường lương thực lĩnh đã cao hơn lương tối thiểu.

Chỉ tác động tới người lương thấp!

Liên quan tới mức tăng quá “hẻo” của thu nhập bình quân, bà Nguyễn Thị Lan Hương – Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: “Tổng thu nhập năm sau tăng so với năm trước một phần là do tác động của tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, chỉ một bộ phận nhỏ chịu tác động của lương này (những người LĐ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu theo quy định). Số còn lại sẽ bị các DN co kéo từ chỗ nọ đắp vào chỗ kia. Chính vì vậy mà khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê về tổng thu nhập bình quân (TTNBQ) của người làm công ăn lương ở quý I/2015 không tăng là bao”.

Bà Hương đưa ra một ví dụ cụ thể là, năm 2014, TTNBQ của người LĐ là 5 triệu (LĐ làm việc ở vùng I), trong đó lương tối thiểu là 2,7 triệu đồng/tháng, phụ cấp là 2,3 triệu đồng, thì năm 2015, lương tối thiểu tăng thêm 400.000 đồng, DN sẽ chuyển 400.000 đồng phụ cấp vào 2,7 triệu đồng tiền lương cơ bản để mức lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định (3,1 triệu đồng/tháng). Như vậy tổng lương là không đổi mà người LĐ lại phải tăng đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Nhiều DN cũng thừa nhận thực tế này và kêu ca về tỷ lệ tăng đóng BHXH. Bà Nguyễn Thị Mai  Anh – Trưởng phòng tiền lương Công ty Dệt may 19.5 Hà Nội khẳng định: “Từ nhiều năm nay mức lương công ty trả cho LĐ đã cao hơn mức tăng của lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, việc tăng đóng BHXH đang gây khó khăn cho DN và cũng làm giảm đáng kể thu nhập của người LĐ”.

Nhận định về nghịch lý lương tăng mà tổng thu nhập không tăng, bà Lan Hương chỉ thêm một nguyên nhân khác: “Hiện mức tăng lương tối thiểu nhanh hơn tăng năng suất LĐ. Vì vậy, muốn  TTNBQ của LĐ tăng, không còn cách nào khác là phải tăng năng suất LĐ. Mà điều này thì rất khó, khi mà tay nghề LĐ Việt Nam còn thấp, kỹ thuật, khoa học công nghệ  chưa cao, việc tổ chức sản xuất còn lạc hậu”. 

Cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới, Hội đồng tiền lương quốc gia tiếp tục đàm phán về tăng lương tối thiểu trong khối DN.  Ông Phạm Minh Huân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia khẳng định: “Dù mức lương tối thiểu vùng tăng cao hay thấp thì vẫn phải đảm bảo 2 mục tiêu chính là cải thiện đời sống người LĐ và đảm bảo sự duy trì cạnh tranh của DN trong nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ”. Tuy nhiên, thực tế DN vẫn có nhiều cách lách và như vậy, vấn đề có tăng lương thực sự hay không phụ thuộc rất nhiều vào “sức khỏe” của DN.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem