Đừng đợi mất bò…

Phạm Quang Vinh Thứ ba, ngày 17/10/2023 06:04 AM (GMT+7)
Việc nên làm của Ngành giáo dục là đề nghị Chính phủ đưa Hợp đồng dịch vụ giáo dục ngoài công lập vào "Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung" và đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu để khuyến nghị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng làm căn cứ phê duyệt.
Bình luận 0



Nhiều năm về trước, khi con tôi theo học ở một trường tiểu học quốc tế, tôi đã chọn cho cháu học “chương trình song ngữ”, với mong muốn để con mình có thể học tiếng Việt bên cạnh chương trình quốc tế. Sau này, khi cháu kết thúc tiểu học và chuyển sang học trung học phổ thông, tôi ngạc nhiên khi nhận ra, cháu hoá ra đang học ở một trường học không liên quan đến trường quốc tế mà chúng tôi vẫn trả tiền, mà theo học bạ, cháu vừa học xong ở một trường tiểu học địa phương có cùng địa chỉ.

Để lách qua quy định của luật pháp Việt nam lúc đó về hạn chế đối với thị trường giáo dục, theo đó quy định các trường thuộc sở hữu của các chủ đầu tư nước ngoài ở cấp tiểu học chỉ được tiếp nhận “không quá 10% tổng số học sinh của trường” (20% ở cấp trung học, quy định này nay đã được sửa đổi, cho phép nhận tối đa 50% học sinh Việt nam trong tổng số học sinh của trường.), một trường tiểu học hoàn toàn Việt Nam, do những người Việt Nam đứng tên thành lập, đã được đăng ký thành lập ngay tại địa chỉ của trường quốc tế đó. Với việc mở thêm một “trường học ma” cách đó, quy định về hạn chế số lượng học sinh Việt Nam đã dễ dàng bị bỏ qua, khi phần lớn học sinh Việt Nam sẽ được chuyển sang ghi tên ở “trường học ma”. Phụ huynh, tuy vậy, sẽ ký hợp đồng với công ty sở hữu cơ sở giáo dục đầu tư nước ngoài và trả tiền cho công ty này, các báo cáo giáo dục định kỳ hàng tháng, hàng năm,…vẫn được gửi cho gia đình dưới tên của trường quốc tế, cho đến khi học sinh tốt nghiệp với học bạ chính thức từ một trường tiểu học Việt Nam với tên hoàn toàn khác. Đã có lúc việc luồn lách này của cơ sở giáo dục này bị phát giác, và trường học Việt Nam kia, vốn đứng tên đăng ký bởi một người đồng thời cũng là giáo viên ở trường quốc tế, được giải thích là “cơ sở giáo dục liên kết”.

Sau này, khi tôi bắt buộc phải chuyển trường cho con mình vì nghi ngờ chất lượng quản trị và giáo dục của trường quốc tế đó, còn phát hiện ra vấn đề lớn hơn, là mọi hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục thuộc công ty sở hữu các trường quốc tế đó, được thực hiện bởi và thông qua chi nhánh của công ty, và người đứng đầu chi nhánh là một nhân viên cấp thấp, không có chuyên môn về quản trị giáo dục và đào tạo.

Việc chuyển trường giữa năm học vì lý do chất lượng quản trị và đào tạo của cơ sở giáo dục không đáp ứng và không phù hợp với cam kết, thậm chí sau đó đã khá vất vả, khi công ty nọ kiên quyết giữ lại phần học phí đã nộp, viện dẫn hợp đồng giáo dục do công ty ký với gia đình. Chỉ đến khi sự lắt léo của công ty nọ được đặt lên bàn, họ mới chịu trả lại phần học phí chưa sử dụng cho chúng tôi. Và tôi là trường hợp hiếm hoi làm được việc đó, có nhiều gia đình đã đành bỏ qua khoản tiền học phí đã nộp khi chuyển trường cho con mình.

Trường học quốc tế đó, và công ty đầu tư nước ngoài đó, theo tôi biết, vẫn chưa thay đổi “mô hình quản trị” như chúng tôi từng gặp phải nhiều năm trước, và số học sinh Việt nam đang học ở các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài mà công ty này quản lý, kinh doanh, luôn vượt xa giới hạn được quy định tại nghị định 86/2018/NĐ-CP, theo đó, các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được nhận tối đa 50% học sinh Việt Nam trong tổng số học sinh.

Đó là một trong số những ví dụ về tình trạng quản trị các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện nay. Có rất nhiều vấn đề về các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt ở cấp phổ thông, mà vụ việc “buộc thôi học con vì bố có ý kiến” như ở Hà Nội hôm vừa rồi, hay chuyện trường quốc tế ở Hội An biến mất, hoặc việc tăng học phí mỗi đầu năm ở các cơ sở giáo dục dân lập ở đô thị,…chỉ là những câu chuyện khác nhau đã và sẽ tiếp tục xảy ra.

Là các cơ sở kinh doanh, hoạt động vì lợi ích tìm kiếm lợi nhuận, không có gì khó hiểu khi các “nhà đầu tư giáo dục” vận dụng mọi cách được phép và có vẻ được phép, để tối đa hoá lợi nhuận, thông qua việc tiết giảm chi phí cho hoạt động giáo dục ở trường, và tăng thêm phần thu từ học sinh.

Khác với các loại hình dịch vụ khác, dịch vụ giáo dục có những đặc thù về điều kiện, không chỉ là địa lý nơi cơ sở giáo dục đặt trường học, mà còn ràng buộc về chương trình, định hướng phát triển trong nhiều năm sau đó và tương lai của trẻ em khi lựa chọn theo đuổi một chương trình giáo dục nào đó. Các gia đình và học sinh chịu sự ràng buộc với các cơ sở giáo dục ngoài công lập bởi các Hợp đồng giáo dục, là các Hợp đồng cung cấp các dịch vụ được "sử dụng thường xuyên, liên tục, có tác động trực tiếp, lâu dài đến người tiêu dùng" và do các cơ sở giáo dục ngoài công lập ấn định.

Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các Hợp đồng giáo dục tuy thoả mãn đầy đủ các điều kiện của loại dịch vụ cung cấp bởi "Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung", nhưng lại không phải nằm trong "Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung", nên người tiêu dùng, ở đây là gia đình, học sinh luôn là người "nắm đằng chuôi" nếu phát hiện các vấn đề về chất lượng hay khi có tranh chấp với cơ sở giáo dục.

Việc nên làm của Ngành giáo dục là đề nghị Chính phủ đưa Hợp đồng dịch vụ giáo dục ngoài công lập vào "Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung" và đưa ra các tiêu chuẩn tối thiểu để khuyến nghị cơ quan bảo vệ người tiêu dùng làm căn cứ phê duyệt. Các điều kiện tối thiểu hoặc khung cơ bản của Hợp đồng giáo dục cũng cần thiết và nên được coi là điều kiện áp dụng bắt buộc với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Hy vọng, đó sẽ là một trong những công việc mà ngành giáo dục sẽ sớm để tâm, khi mà giáo dục ngoài công lập sẽ còn tiếp tục đóng vai trò lớn trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục cho xã hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem