Dịch đau mắt đỏ lan rộng

Thứ tư, ngày 18/09/2013 06:01 AM (GMT+7)
Tại nhiều tỉnh, thành phố, dịch đau mắt đỏ đã bùng phát trên diện rộng. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng bệnh này cần điều trị dài ngày, dễ lây gây tốn kém tiền bạc, bất tiện trong sinh hoạt và công việc.
Bình luận 0
10 ngày đau mắt 2 lần

10 ngày trước, chị Nguyễn Thị Hoa (thị xã Bình Phước) đã cảm giác cộm trong mắt, đau nhức, chảy nước mắt, khi ngủ dậy có nhiều rỉ vón cục. Tuy nhiên, do công việc bận rộn nên chị không đi khám, chỉ rửa nước muối qua loa. Nhưng 2 hôm sau, con gái rồi chồng chị đều bị đau mắt.

Đi khám, bác sĩ cho biết, chị bị đau mắt đỏ, kê thuốc cho cả nhà. Sau 7 ngày, chị, chồng chị và con gái đều đã hết đỏ mắt, gần như khỏi hẳn. Nhưng rồi bà nội quê ra thăm, bà bị đau mắt đỏ, và chị lại bị đau mắt trở lại, lần này nhức buốt hơn bình thường.

Một ca khám bệnh tại Bệnh viện Mắt T.Ư.
Một ca khám bệnh tại Bệnh viện Mắt T.Ư.

Bác sĩ Lê Văn Giang – Trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết, bệnh đau mắt đỏ không hề có miễn dịch nên nhiều bệnh nhân vừa khỏi vài ngày, khi tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ khác, lại bị lây.

Theo bác sĩ Giang, hiện nay, mỗi ngày bệnh viện Đa khoa Bình Phước tiếp nhận 100-120 bệnh nhân đến khám mắt, trong đó có đến 70% bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Tình hình dịch bệnh đã diễn ra hơn nửa tháng, bệnh nhân ngày càng đến cấp tập.

Bác sĩ Giang cho biết, thời tiết mưa nắng thất thường, gió mùa tạo điều kiện cho virus adeno – virus gây đau mắt đỏ phát triển. Trong khi đó, người dân lại chủ quan, không giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa cho mình và người thân, khi bị đau mắt đỏ cũng không kiêng cữ, tránh tiếp xúc, làm bệnh lây lan trên diện rộng.

Tại Bệnh viện Mắt T.Ư, bác sĩ Hoàng Cương – Trưởng khoa khám bệnh cũng cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám, ngày cao điểm có đến hơn 2.000 bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bị đau mắt đỏ.

Không chủ quan

Bác sĩ Giang chia sẻ, nhiều bệnh nhân năm nào cũng bị đau mắt đỏ, có năm bị 2-3 lần nhưng khi bác sĩ yêu cầu giữ vệ sinh thì đều lắc đầu kêu… khó. “Bệnh do virus nên không cần điều trị cũng có thể tự khỏi trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, bệnh nhân phải giữ mắt không bị bụi bẩn bay vào, không đưa tay dụi mắt, không xem tivi, đọc sách báo, chơi máy tính để mắt được nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu kiêng tốt thì bệnh có thể khỏi nhanh hơn, chỉ mất 3-4 ngày. Giữ vệ sinh quyết định đến 70% hiệu quả trong điều trị” – bác sĩ Giang nhấn mạnh.

"Virus gây bệnh đau mắt đỏ lây qua đường tiếp xúc. Vì thế, bệnh nhân bị đau mắt nên nghỉ học, nghỉ làm, tránh tiếp xúc gần với mọi người, dùng riêng đồ dùng cá nhân kể cả bát đũa ăn cơm”.
Bác sĩ Hoàng Cương

Theo bác sĩ Cương, bệnh đau mắt đỏ nếu giữ vệ sinh không tốt có thể biến chứng viêm giác mạc, để lại sẹo giác mạc, giảm thị lực dẫn đến mù lòa. Bệnh viện thường tiếp nhận những bệnh nhân bị biến chứng do tự ý mua thuốc về nhỏ dài ngày, khiến mắt bị glocom, tức bệnh thiên đầu thống.

“Một số loại thuốc chữa đau mắt như Clodexa, Nemydexa, Dexaclor, Polydexa... có chất gây giảm miễn dịch mắt, nếu dùng không đúng chỉ định của bác sĩ, dùng liều cao, dùng kéo dài ngày có thể gây chứng tăng nhãn áp, dẫn đến mù lòa. Vì thế, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý mua thuốc nhỏ mắt” - bác sĩ Cương cho biết.

Tuấn Kiệt (Tuấn Kiệt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem