ĐH Bách khoa Hà Nội nói về "thủ khoa trượt NV1": Chấp nhận cuộc chơi, ra trường có thể nhận lương 50 triệu đồng

Tào Nga Thứ tư, ngày 23/08/2023 16:48 PM (GMT+7)
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về ngành Khoa học máy tính đang trở thành tâm điểm chú ý với điểm chuẩn 29,42 điểm.
Bình luận 0

Ngay sau khi công bố điểm chuẩn đại học năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây sốc với mức điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (IT1) là 29,42 điểm. Số điểm này khiến cho 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn khối A00 cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua với 29,39 điểm đã trượt nguyện vọng 1. 

Vậy, ngành Khoa học máy tính vì sao lại "hot" như vậy, ngành này so với với các ngành Công nghệ thông tin khác nhau thế nào và ra trường với mức lương bao nhiêu...? PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ về ngành Khoa học máy tính. Clip: Tào Nga

Vì sao 2 "thủ khoa trượt nguyện vọng 1" vào ngành Khoa học máy tính?

Chào PGS.TS Trần Trung Kiên, GS có chia sẻ gì về tuyển sinh của trường năm nay, đặc biệt là ngành Khoa học máy tính có điểm chuẩn cao nhất?

- Ngày 22/8, các trường đại học trên cả nước chính thức công bố điểm chuẩn xét tuyển các ngành. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đã công bố điểm và ngành Khoa học máy tính (IT1) năm nay cao nhất với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT là 29,42 điểm, theo đánh giá tư duy 83,97 điểm. Đây có thể nói là mức điểm chuẩn khá là cao.

Chúng tôi cũng đã cân nhắc tất cả các phương thức xét tuyển làm thế nào để tăng khả năng trúng tuyển cho các thí sinh vì năm nay các em chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành chứ không theo các phương thức.

ĐH Bách khoa Hà Nội nói về ngành học gây "bão": Chấp nhận cuộc chơi, ra trường nhận lương 50 triệu đồng  - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Điểm chuẩn vào ngành Khoa học máy tính đang được dư luận quan tâm khi khiến 2 thí sinh có tổng điểm tổ hợp khối A00 cao nhất cả nước trượt nguyện vọng 1 (2 thí sinh này đã trúng tuyển nguyện vọng 2 vào ngành ngành Kỹ thuật máy tính (IT2) có điểm chuẩn 28,29 điểm - PV), GS có thể chia sẻ lý do vì sao?

- Dư luận đang sử dụng từ "thủ khoa trượt đại học", "thủ khoa trượt nguyện vọng 1" là chưa chính xác. Bởi vì Đại học Bách khoa Hà Nội có phương thức xét tuyển khác với thi tốt nghiệp THPT.

Với mức điểm cao này, có thể thấy cách tính điểm ưu tiên mới không ảnh hưởng nhiều đến kết quả giữa các thí sinh. Xét tuyển của Đại học Bách khoa Hà Nội theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với tổ hợp môn có môn chính bằng [(Môn 1 + Môn 2 + Môn 3 + Môn chính) x3/4] + Điểm ưu tiênTheo cách tính này, thí sinh nào có điểm Toán cao hơn sẽ có lợi hơn.

Phải khẳng định rằng, chúng tôi không đánh giá các em 9 điểm hay 10 điểm khác nhau về năng lực nhưng đây là một cuộc thi, chỉ cần khác nhau 0,1 điểm thôi cũng đã trở thành thí sinh đỗ hay trượt. Chúng ta phải chấp nhận quy tắc cuộc chơi. Chỉ tiêu không nhiều trong khi tỉ lệ đăng ký cao thì sức cạnh tranh sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, không đỗ ngành Khoa học máy tính các em vẫn có thể trúng tuyển vào ngành khác. Ngành Kỹ thuật máy tính ở trường cũng rất tốt. 

Năm nay Đại học Bách khoa Hà Nội không đặt cụ thể tỉ lệ cụ thể giữa các chỉ tiêu. Theo ông, liệu đây có phải là lý do khiến sức cạnh tranh giữa các phương thức tăng lên?

- Năm nay chúng tôi không đặt tỉ lệ % chỉ tiêu chính xác. Các em cũng chỉ đăng ký theo ngành thôi chứ không đăng ký theo phương thức. Chúng tôi phải dựa vào kết quả của các em đăng ký xét tuyển ngành nào, có dữ liệu gì thì mới có bài toán xét tuyển.

Một số ngành năm ngoái không lấy theo phương thức thi tốt nghiệp THPT như Khoa học máy tính mà chỉ lấy theo đánh giá tư duy và xét tuyển tài năng, xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GDĐT. Năm nay các em có nhiều dữ liệu xét tuyển nên từ dữ liệu đó chúng tôi mới tổng hợp để xét tuyển và tối ưu hóa cơ hội của thí sinh.

Sau khi đặt ra các tiêu chí, số lượng trúng tuyển vào Khoa học máy tính theo phương thức thi tốt nghiệp THPT gần 10 thí sinh. Đây không hẳn là thí sinh xuất sắc nhất. Đánh giá không tuyệt đối được vì có những em đã trúng theo phương thức khác và có kết quả thi tốt nghiệp rất cao.

Ở các phương thức khác, chúng tôi thấy kiến thức, thái độ, kỹ năng của thí sinh đáp ứng được rất tốt nên đã đưa vào xét tuyển.

Ngành học ra trường nhận lương lên tới 50 triệu đồng/tháng

Khoa học máy tính trở thành ngành hot nhất Đại học Bách Khoa Hà Nội từ bao giờ và đây có thực sự là ngành thí sinh yêu thích không, thưa GS?

- Độ hot của ngành Khoa học máy tính do bản thân các em góp phần tạo nên. Cách đây 5, 6 năm chúng tôi vận động thí sinh vào học ngành này rất khó. Các em đổ xô vào Kỹ thuật máy tính hay các ngành Công nghệ thông tin khác. Từ năm 2019 trở lại đây có sự đổi chiều nhanh vào Khoa học máy tính. Do chỉ tiêu không nhiều, chỉ khoảng 300, mà thí sinh đăng ký đông nên điểm chuẩn cao tạo hiệu ứng năm nào cũng thu hút thí sinh.

Ngành Khoa học máy tính trên thế giới đào tạo rất nhiều. Đây là cơ sở, nền tảng của lĩnh vực Công nghệ thông tin từ đó các em đi vào nhiều các lĩnh vực chuyên sâu khác nữa như dữ liệu, AI…

Vậy GS có thể chia sẻ Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính có sự khác nhau thế nào?

- Dựa trên chia sẻ của thầy cô, chuyên gia, ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính về sai khác về chuyên môn không nhiều. Chủ yếu từ năm 3,5 lên năm 4 trở lên có phân hóa sâu về chuyên ngành. Còn các môn đại cương, cốt lõi ngành hầu như giống nhau. Hai ngành chỉ khác nhau về đối tượng áp dụng. Còn các ngành công nghệ thông tin khác học kiến thức chung, không đào tạo sâu như Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính…

Được biết nếu trượt ngành Khoa học máy tính, các thí sinh vẫn còn cơ hội học chương trình đào tạo tài năng. GS giới thiệu về chương trình này?

- Chương trình đào tạo tài năng có từ rất lâu nhưng không tuyển theo điểm thi đầu vào mà sau khi các em vào trường đạt mức độ nào đó sẽ đủ điều kiện thi tuyển hoặc xét tuyển. Chương trình tài năng có ngành Khoa học máy tính, Tự động hóa, Cơ điện tử. Mỗi chương trình có khoảng 40 chỉ tiêu. 

Cơ hội các em trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội còn dễ hơn vào chương trình tài năng. Hai em trượt nguyện vọng 1 kể trên có điểm cao như vậy hãy tiếp tục thể hiện năng lực của mình để vượt qua vòng xét tuyển vào lớp tài năng Khoa học máy tính. Như vậy sẽ trọn vẹn được câu chuyện của các em.

ĐH Bách khoa Hà Nội nói về ngành học gây "bão": Chấp nhận cuộc chơi, ra trường nhận lương 50 triệu đồng  - Ảnh 3.

Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi cạnh tranh của thí sinh top đầu. Ảnh: Tào Nga

Theo GS, tố chất nào cần có đối với sinh viên Khoa học máy tính?

- Không chỉ riêng Khoa học máy tính mà tố chất cần có của tất cả sinh viên ra trường là phải có kỹ năng, thái độ làm việc, kỹ năng mềm, kiến thức cơ bản, chuyên sâu. Đại đa số sinh viên các ngành tại Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường đều có việc làm hết. Có điều là các em làm ở đâu, việc gì thì tùy theo mức độ của nhà tuyển dụng yêu cầu.

Ông có thể tiết lộ mức lương của sinh viên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường nhận được là bao nhiêu?

- Mức lương tùy thuộc vào từng vị trí. Thông thường, các đơn vị thường đưa ra mức lương sinh viên ra trường đạt được cao nhất. Có những em chỉ đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng có em đạt được 40 - 50 triệu đồng/tháng. Tùy vào đơn vị và trình độ của các em. Làm việc tại các công ty nước ngoài các em có thể thỏa thuận về lương nếu có nền tảng tốt kiến thức và ngoại ngữ. Với xuất phát điểm ban đầu tốt ở nhà trường rồi, các em trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ nữa thì về cơ bản lương của các em khá ổn và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem