Đề xuất bỏ tử hình với 7 tội danh: Dùng tiền khắc phục vẫn không nên miễn chết

Lương Kết (thực hiện) Thứ ba, ngày 16/06/2015 07:35 AM (GMT+7)
Một trong những nội dung gây nhiều tranh cãi được quy định trong dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là đề xuất bỏ tử hình đối với 7 tội danh. Hôm nay 16.6, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án luật này. Phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Quyền  - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Bình luận 0

Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh, tuy nhiên khi thảo luận, các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau. Là người tham gia thẩm tra dự án luật, ông có suy nghĩ gì?

- Việc rà soát bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh là chủ trương của cải cách tư pháp và dân chủ hóa hơn nữa trong hoạt động hình sự và tố tụng hình sự. Tuy nhiên, bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải rất thận trọng trên cơ sở tổng kết thực tiễn về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như tình hình tội phạm diễn ra thời gian qua.

img
Bị cáo Phùng Mạnh Tuấn lĩnh án tử hình trong vụ án “quan tài diễu phố” ở Vĩnh Phúc tháng 9.2013. Ảnh: I.T
Qua tổng kết thực tiễn và báo cáo của Chính phủ trong những năm gần đây cho thấy, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Chính vì thế việc đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh trong thời điểm hiện nay cần phải hết sức cân nhắc. Việc đề xuất bỏ hình phạt án tử hình với 7 tội danh trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã cho ý kiến là với một số tội danh nên bỏ hình phạt tử hình, còn một số tội danh không nên bỏ.


Điều 39 của dự thảo có quy định các tội về mục đích kinh tế sau khi bị kết án tử hình mà khắc phục tốt thì thoát án tử. Dư luận băn khoăn cho rằng tội phạm tham nhũng có thể dùng tiền để thoát án tử hình, ông nghĩ gì về điều này?

- Ủy ban Tư pháp không tán thành với quy định trên. Việc khắc phục thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra từ trước đến nay Bộ luật Hình sự luôn luôn quy định đó chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trên thực tế nhiều cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã căn cứ vào tình tiết này để đình chỉ điều tra.

Tuy nhiên Ủy ban Tư pháp khi giám sát đã yêu cầu phục hồi điều tra, bởi tình tiết trên không được xem là tình tiết để xóa tội mà chỉ là giảm nhẹ. Còn việc dùng tiền để khắc phục hậu quả, cái đó không thể là cái để miễn tội chết được, đó là một chính sách hình sự xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta từ trước tới nay.

Quan điểm của ông về quy định không thi án tử hình với người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên?

- Qua tổng kết tình hình tội phạm thời gian gần đây, cho thấy người cao tuổi phạm tội cũng rất nhiều, đặc biệt họ phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Có những người già 70-80 tuổi vẫn hiếp dâm và giết trẻ em.

Theo thống kê, những người lứa cao tuổi và lứa thanh thiếu niên phạm tội đang có hướng gia tăng. Hơn thế nữa đối tượng cao tuổi đó hoàn toàn vẫn đủ năng lực hành vi thực hiện hành vi phạm tội chứ không bị hạn chế gì. Việc loại trừ người trên 70 tuổi phạm tội không bị hình phạt tử hình thì không có cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở lý luận.

Xin cảm ơn ông!

7 tội danh được đề xuất bỏ hình phạt tử hình: 1-cướp tài sản; 2- phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; 3-chống mệnh lệnh; 4- đầu hàng địch; 5- phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; 6- chống loài người; 7- tội phạm chiến tranh. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem