ĐBSCL: Lũ chụp gây hại hàng trăm ha lúa, có dấu hiệu lũ lớn

Trọng Bình Thứ tư, ngày 20/08/2014 08:05 AM (GMT+7)
Những ngày qua, mực nước ở nội đồng Tứ giác Long Xuyên và trên hệ thống sông rạch vùng thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp) đã lên nhanh và cao hơn cùng kỳ năm rồi từ 0,5 - 1m. Nhiều nơi lũ đã vượt mức báo động 1 sớm hơn cùng kỳ gần 1 tháng... 
Bình luận 0

Nước chụp hàng trăm ha lúa

Do năm nay mực nước lũ cao hơn cùng kỳ khoảng 1m nên nhiều vùng trũng, vùng cù lao ven sông ở hai tỉnh đầu nguồn An Giang và Đồng Tháp đã bị “nước chụp” hàng trăm ha lúa và hoa màu ngay trong những ngày đầu mùa nước.

Lão nông Nguyễn Thành Út ở xứ cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, An Giang) cho hay: Những ngày qua, nước lũ đã tràn vào ruộng lúa 2,2ha của gia đình ông không kịp trở tay. Nước đã ngập qua ngọn lúa và không còn có khả năng thu hoạch vì mới xuống giống được khoảng 50 ngày, đang trong giai đoạn ngậm sữa, khả năng mất trắng toàn bộ.

“Mặc dù trong những ngày qua, tôi nghe đài, báo biết mực nước lên nhanh nhưng không ngờ nó lên nhanh quá, mà có biết cũng không cách nào đỡ kịp” – ông Út nói.

Theo thống kê sơ bộ của Hội ND xã Mỹ Hòa Hưng, hơn 80ha lúa hè thu muộn có khả năng mất trắng vì “nước chụp” quá nhanh. Ông Trần Anh Châu - Chủ tịch Hội ND xã cho biết:

“Nông dân không chỉ thiệt hại diện tích lúa mà còn có cả hoa màu. Hiện nay chúng tôi mới thống kê được sơ bộ diện tích lúa. Trong tổng số 125ha lúa hè thu của xã thì hiện có khoảng 45ha là có khả năng thu hoạch được. Số còn lại do bà con xuống giống hè thu muộn cộng với nước lũ lên nhanh nên khả năng là mất trắng hoàn toàn”.

Tại Đồng Tháp, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh này cho biết: Nước lũ dâng cao bất ngờ ở huyện Hồng Ngự cũng đã làm mất trắng gần 78ha lúa và gần 61ha khác chỉ thu hoạch được hơn 50% năng suất. Nhiều tiểu vùng đê bao khác đã và đang bị nước lũ uy hiếp, nông dân và các ngành chức năng đang ra sức gia cố đê bao, bơm nước ra để cứu lúa, hoa màu.

Cũng do mực nước lũ dâng cao, áp lực nước lớn nên 2 đập kiểm soát điều tiết lũ sông Cửu Long Tha La và Trà Sư cũng đã phải xả lũ sớm hơn năm trước một tháng. Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi An Giang, cho biết: “Mức xả lũ năm nay vượt báo động 1, xấp xỉ mức báo động 2, cao hơn năm rồi khoảng 1m. Chúng tôi cũng kiến nghị với tỉnh là hạn chế sản xuất lúa thu đông năm nay”.

Có dấu hiệu lũ lớn

Nhiều người dân ở vùng đầu nguồn đều chung nhận xét: Lũ năm nay về không sớm nhưng mực nước cao hơn mọi năm rất nhiều. Ông Bảy Nê - một người chuyên đánh bắt cá mùa nước nổi ở huyện Phú Tân, An Giang nhận xét: “Mùa lũ còn đến 4 con nước nữa (30.7, rằm tháng 8, 30.8 và rằm tháng 9 âm lịch) nên nguy cơ lũ lớn chắc lắm. Năm nay lại nhuận trúng ngay tháng 9 (tháng đỉnh lũ) nên có thể có thêm vài ba con nước, lớn lắm”.

“Mới có một con nước rằm tháng 7 mà nước sông Vàm Nao ở Phú Tân cao hơn năm rồi đến năm bảy tấc. Mấy hôm rày không có mưa mà nước lên cao như vầy, theo kinh nghiệm của tôi lũ năm nay sẽ lớn hơn nhiều so với mọi năm” – ông Bảy Nê nói thêm.

Nhiều người sống ven kênh rạch ở TP.Long Xuyên đã rất bất ngờ vì bị “nước chụp” ngay trong những ngày đầu mùa nước nổi này. Bà Nguyễn Thị Kim Dung - nhà ở bên rạch Long Xuyên (phường Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, An Giang) cho hay:

“Mọi năm nhà tôi ở đây chưa bao giờ bị ngập nước, năm nào cao lắm thì cũng lé đé sàn nhà, vậy mà mới có con nước đầu (rằm tháng 7) nó đã muốn bò vô nhà rồi. Còn tới mấy con nước nữa, con nước sau bao giờ cũng cao hơn, kiểu này năm nay ngập nhà là chắc rồi...”.

   Ông Lưu Văn Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn An Giang cho biết: Lũ năm nay không bất thường nhưng mực nước cao hơn cùng thời điểm này năm rồi và nhiều năm trước đó.  Chúng tôi đã bố trí cán bộ kỹ thuật túc trực và làm bản tin thủy văn hàng ngày, cộng tác cùng các cơ quan truyền thông để thông tin hàng ngày do nhân dân biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem