ĐBSCL: Dân chăn nuôi long đong theo quả trứng

Thứ hai, ngày 09/07/2012 11:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người chăn nuôi gà, vịt ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) long đong theo quả trứng do phải đóng quá nhiều loại phí.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Điền – chủ cơ sở thu mua trứng ở xã Đại Ân II (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) tính toán: “Quả trứng khi đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu trung gian nên tốn nhiều loại phí như: Phí vận chuyển, phí kiểm dịch… nên bắt buộc người kinh doanh phải đẩy giá trứng lên.

img
Do đóng nhiều loại phí nên người chăn nuôi đã giảm lợi nhuận.

Khi cung cấp trứng cho các điểm bán lẻ lại qua một khâu trung gian nữa nên giá trứng lại tăng thêm 1 lần mới tới tay người tiêu dùng”.

Theo giới kinh doanh trứng ở ĐBSCL, giá trứng vịt nông dân bán cho thương lái dao động từ 1.500 đồng đến 1.600 đồng/trứng (tùy loại và chất lượng). Khi thương lái vận chuyển trứng đến bán lại cho cơ sở thu mua, giá khoảng 1.700 đồng/trứng.

Trước khi tới người tiêu dùng phải chịu các loại phí kiểm dịch như: Kiểm tra lâm sàng 4,5 đến 5,5 đồng/trứng, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh 30.000 đồng/giấy (ngoại tỉnh), 5.000 đồng/giấy (nội tỉnh), tiêu độc sát trùng phương tiện vận chuyển 40.000 đồng/xe, hóa chất 10.000 đồng/xe. Trung bình 1 quả trứng sẽ chịu phí kiểm dịch khoảng 9,5 đồng vận chuyển trong tỉnh, nếu vận chuyển ngoài tỉnh sẽ chịu phí cao hơn và các loại phí không chính thức khác nên 1 quả trứng sẽ chịu phí khoảng 20 đồng.

Tuy nhiên, các loại phí kiểm dịch này bất hợp lý vì chỉ mang tính hình thức. Trong khi hầu hết đàn gia cầm hàng năm đều được tiêm vaccin đầy đủ nên quả trứng đã đảm bảo sạch. Thế nhưng, khi phương tiện vận chuyển đi ngang qua trạm kiểm dịch phải đóng thêm một loại phí nữa mới được cấp giấy. Nhiều người bày tỏ, trứng có bị dịch bệnh không thể kiểm tra bằng mắt thường được. Việc tiêu độc, sát trùng phương tiện vận chuyển lại mang tính hình thức.

Anh T (xin giấu tên) chuyên vận chuyển trứng cho biết: “Khi đến trạm kiểm dịch hầu hết các chủ phương tiện đều yêu cầu không xịt thuốc vào trứng (vì trứng sẽ bị hôi do hóa chất, người tiêu dùng chê…) và đều được cán bộ thú y chấp nhận nếu đóng đầy đủ các loại phí, kể cả tiền hóa chất dù không được phun xịt. Như vậy, việc kiểm dịch cũng như không…”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem