Đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, có nguy cơ bùng phát

Diệu Linh Thứ tư, ngày 10/04/2024 16:43 PM (GMT+7)
Đầu năm 2024, các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, ho gà, sởi đều gia tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Bình luận 0

Nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 10/4, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nhiều bệnh lây truyền đã gia tăng về số ca mắc ngay từ đầu năm. 

Cụ thể, tính đến ngày 7/4, cả nước có hơn 10.000 ca chân tay miệng, tăng hơn 2.1 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó miền Nam: trên 7.500 ca (chiếm 74,1%); miền Bắc: trên 1.300 ca (chiếm 13,3%); miền Trung: trên 1.000 ca (chiếm 9,8%); Tây Nguyên: trên 200 ca (chiếm 2,8%). Số mắc chủ yếu ghi nhận trong cơ sở giáo dục mầm non, có trên 90% số trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.

Đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, có nguy cơ bùng phát- Ảnh 1.

TS.BS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: từ đầu năm đến nay, nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng số ca mắc. Ảnh BYT

Sởi ghi nhận 130 ca mắc (0 tử vong), tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Trước đó 5 năm (2019-2023), trung bình ghi nhận 300-500 ca/năm từ 2021-2023; năm 2020 có hơn 3.000 ca và riêng năm 2019 ghi nhận gần 40.000 ca (4 tử vong). Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.

"Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng"- ông Đức nói. 

Ho gà ghi nhận 118 ca mắc (0 tử vong), tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Trước đó 5 năm (2019-2023), trung bình ghi nhận 45 ca/năm từ 2021-2023; năm 2020 có 201 ca (2 tử vong) và riêng năm 2019 có khoảng 1.200 ca (1 tử vong). 

Riêng tại Hà Nội có đến 48 ca mắc, trong đó 38 ca (chiếm 79%) là trẻ dưới 3 tháng tuổi, có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà trong đó 27 trường hợp dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng; chỉ có 1/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà. 

Chỉ có sốt xuất huyết giảm hơn so với cùng kỳ năm 2023 với hơn 14.500 ca  mắc (giảm 49%). Tuy nhiên, hiện tại bắt đầu bước vào mùa mưa, số ca mắc cũng dự báo gia tăng nhanh. 

Cúm A/H9N2 lần đầu ghi nhận ở Việt Nam có độc lực thấp

Về ca cúm A/H9N2 tại Tiền Giang, TS Đức cho biết, đây là ca cúm A/H9N2 trên người đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam. Hiện bệnh nhân vẫn đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

TS Đức cho biết, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ghi nhận 98 ca bệnh cúm A/H9N2 từ năm 2015 đến nay, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Hầu hết các trường hợp mắc có triệu chứng nhẹ và vừa, 2 trường hợp tử vong là người có bệnh nền.

Về khó khăn trong việc phòng chống cúm gia cầm, TS Đức cho biết, bệnh có nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị.

Cúm A(H9N2) trên gia cầm ít gây bệnh, hơn nữa gia cầm mắc bệnh không có triệu chứng rõ ràng nên việc giám sát bên ngành thú y khó khăn.

"Cúm A/H9N2 là chủng độc lực thấp thường gây triệu chứng nhẹ và không gây chết gia cầm hàng loạt. Khả năng lây nhiễm sang người vẫn còn hạn chế, những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh nặng là người có sức đề kháng yếu. Chưa có bằng chứng về việc lây nhiễm từ người sang người", TS Đức nhận định. 

Đầu năm 2024, nhiều bệnh truyền nhiễm gia tăng, có nguy cơ bùng phát- Ảnh 2.

Các điểm cầu trên cả nước. Ảnh BYT

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung vào các giải pháp ngăn chặn lây nhiễm từ gia cầm sang người, chú trọng các đối tượng có nguy cơ cao như:

Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người, chú trọng vào các đối tượng có sức đề kháng kém và có bệnh nền; Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nhất là tại các cơ sở điều trị và các khu vực nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp viêm phối nặng nghi do virus. 

Phối hợp với cơ quan thú y nhằm kịp thời nắm bắt các thông tin về dịch cúm trên gia cầm, đánh giá nguy cơ chung để có các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người kịp thời và hiệu quả.; Phối hợp với WHO, USCDC để cập nhật, chia sẻ tình hình dịch bệnh cúm gia cầm trên thế giới, theo dõi biến đổi gen của các chủng vi rút cúm gia cầm nhằm đánh giá và nhận định nguy cơ kịp thời.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. 

Nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm là rất cao, diễn biến khó lường, có thể bùng phát thành dịch lớn.

Do đó, tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. 

Theo ông Đức, để phòng chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu.

"Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ"- ông Đức nhấn mạnh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem