Đào tạo nghề làm nông công nghệ cao cho nông dân ở Long An

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 10/09/2023 09:04 AM (GMT+7)
Tỉnh Long An đã lên kế hoạch đào tạo nghề làm nông công nghệ cao cho nông dân, thực hiện Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp thời gian tới.
Bình luận 0

Dạy nghề làm nông theo nhu cầu thị trường

Hiệu trưởng Trường CĐ Long An Lê Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, trường phối hợp các địa phương mở nhiều lớp dạy nghề nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như lớp kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng lúa, nuôi và phòng trị bệnh trên trâu, bò, trồng thanh long theo hướng VietGAP, nuôi và phòng bệnh cho tôm thẻ chân trắng;... "Lao động nông thôn có việc làm sau học nghề trên 85%. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư và ứng dụng những kiến thức, kỹ năng, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập"- ông Hùng chia sẻ.

Đào tạo nghề làm nông công nghệ cao cho nông dân - Ảnh 1.

Tỉnh Long An dạy nghề làm nông công nghệ cao cho nông dân. Ảnh: T.Đ

Hiện tỉnh Long An có gần 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 3 cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, gồm: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân và Trường Cao đẳng Long An.

Theo UBND tỉnh Long An, trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh đã tập trung triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn với nhiều ngành nghề đa dạng, phù hợp với nhu cầu và điều kiện của người học, gồm các ngành nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y, trồng trọt, thủy sản ứng dụng công nghệ cao… đáp ứng yêu cầu thị trường. Việc đào tạo nghề đã cơ bản gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo; gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã và gắn với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Nhìn chung, lao động nắm được kiến thức, kỹ năng, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cao hơn trước khi học nghề. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề đạt tỷ lệ 80%.

Đào tạo lực lượng làm nông nghiệp công nghệ cao

Xuất phát từ thực tiễn và yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện nay, kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025 được UBND tỉnh Long An vừa ban hành sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn thực hiện quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh Long An tập trung đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chứng nhận an toàn. Chú trọng đào tạo nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo du lịch nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm OCOP; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 6.180 lao động nông thôn làm nông nghiệp. Cụ thể, tỉnh sẽ đào tạo nghề nông nghiệp thường xuyên cho 5.010 lao động nông thôn; đào tạo nghề trồng cây ăn quả vùng nguyên liệu Đồng Tháp Mười cho 540 người; đào tạo nghề cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho 540 người; đào tạo nghề "giám đốc hợp tác xã nông nghiệp" cho 90 người.

Bên cạnh đó, tỉnh tập huấn, đào tạo phục vụ vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch nông nghiệp, nông thôn, OCOP cho 900 người. Nguồn kinh phí thực hiện các chỉ tiêu và hoạt động đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2023-2025 hơn 6,7 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem