Đánh thức “nàng công chúa ngủ quên”

Thứ hai, ngày 15/10/2012 13:07 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tối 14.10, hàng nghìn khán giả đã có mặt dưới chân ngọn tháp Chăm Pô Klongirai nổi tiếng của Ninh Thuận để chiêm ngưỡng lễ rước y trang và vũ điệu Apsara.
Bình luận 0

Lâng lâng trong men say của ngày hội Ka tê, lòng khách vẫn mơ một ngày mai rực rỡ hơn cho vùng đất này.

Yêu chiếc khăn matara...

Một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ dân tộc Chăm bao gồm chiếc áo dài bít tà, chiếc váy và không thể thiếu chiếc khăn matara đội đầu - mà nhạc sĩ Trần Tiến từng viết: “Tôi yêu chiếc khăn matara, vương trên trán em dịu êm...”. Chiếc khăn gắn với phụ nữ Chăm từ lúc chào đời đến khi trở về với ông bà tiên tổ, bởi thế trong những dịp lễ hội, phụ nữ Chăm không thể thiếu chiếc khăn đội đầu.

img
Lễ rước y trang trong đêm khai mạc Tuần văn hóa du lịch - thể thao
vùng đồng bào Chăm 2012 tại Ninh Thuận.

Những phụ nữ Chăm chúng tôi gặp ở Ninh Thuận trong Tuần văn hóa du lịch - thể thao vùng đồng bào Chăm này cũng vậy. Ai cũng có một chiếc khăn đội đầu duyên dáng, dưới vành khăn ấy (còn một tên gọi khác là ma ôm), khuôn mặt của họ ửng hồng và tươi tắn hơn trong cái nắng ngọt của miền duyên hải Nam Trung Bộ.

Trên sân khấu của lễ khai mạc, ngoài những điệu múa Apsara vốn được tự hào là viên ngọc quý của nghệ thuật cung đình Chăm còn giữ lại được đến ngày nay, các tiết mục múa xây dựng dựa trên vũ điệu của chiếc khăn matara cũng vô cùng quyến rũ. Trong bàn tay khéo léo của các vũ công, chiếc khăn có khi là dải lụa mềm như một dòng nước, có khi là vuông ruộng nhỏ đầy ắp lúa vàng, khi lại là những đồng nho xanh tươi ngọt ngào đã trở thành đặc sản ở xứ này.

Múa Chăm cũng là một “đặc sản” mà nếu đến Ninh Thuận không được thưởng thức, người ta sẽ tiếc đứt ruột. Bởi chỉ có được tận mắt xem những vũ công khỏe mạnh, vươn cơ thể thanh tú và khoe nước da nâu hồng khỏe mạnh trên sân khấu của một lễ hội nào đó trong ngày hội Ka tê, người ta mới thấu hiểu được cảm xúc của nhà thơ Inrasara khi ông viết: “Những vòm ngực căng phồng ban mai/Những vòm ngực nung trầm ý tưởng/Hôm qua và ngàn sau/Nhảy múa giữa hoàng hôn/Đường cong bay bay chiều vụn nát/Bóng đêm tràn dài thung lũng khát...”.

“Nàng công chúa” bị kẹt

Ninh Thuận có rất nhiều điểm hấp dẫn về du lịch, đó là văn hóa Chăm, ba cụm tháp Chăm, trong đó cụm tháp Pô Klongirai và cụm tháp Pô Rome là những quần thể kiến trúc gạch hầu như còn nguyên vẹn, còn tháp Hòa Lai được các nhà nghiên cứu đặt cho tên gọi về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc đền tháp Chăm: “Phong cách Hòa Lai”. Ninh Thuận còn có gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, những bãi biển đẹp mê hồn như Ninh Chữ, Cà Ná, Vĩnh Hy, Bình Tiên...

Thế nhưng du lịch của Ninh Thuận chưa mấy phát triển, có lẽ vì vị trí địa lý là một điểm yếu: Hoặc là du khách dừng lại ở Nha Trang, nơi có bề dày về phát triển du lịch, hoặc là họ sẽ đi quá lên để đến với Bình Thuận- nơi đang là một “con hổ” trẻ trung, mạnh mẽ nên thu hút du khách. Ninh Thuận - bị kẹt giữa hai “người đẹp”, một trẻ trung, một lão luyện như thế, thành thử đành ngậm ngùi chấp nhận vai “nàng công chúa ngủ quên”.

"Một điều đáng tiếc là đến nay, nhiều tiềm năng du lịch ở địa phương chúng tôi vẫn còn ở dạng nguyên thô, như ngọc chưa mài giũa nên chưa sáng. Cả năm 2011, Ninh Thuận cũng mới đón được 820.000 lượt du khách”.

TS Phan Quốc Anh- Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận cho biết: “Trong thời gian tới, Ninh Thuận sẽ cố gắng phát huy gắn kết giữa văn hoá với du lịch, xây dựng các điểm đến hấp dẫn, xây dựng các đội văn nghệ dân gian của người Chăm phục vụ khách du lịch, hay để khách du lịch đến các làng nghề cùng thao tác làm nghề nặn gốm, dệt, tham gia đánh trống gi- năng, thổi kèn saranai...”.

Đến thăm làng gốm Bàu Trúc- một làng gốm hiếm hoi vẫn còn giữ được phong cách làm gốm theo lối cổ xưa, không dùng bàn xoay, nung lộ thiên, những hoa văn trang trí mộc mạc như khắc vạch hình sông nước, chấm vỏ sò và hoa văn thực vật, có cả hoa văn móng tay trên vai cổ gốm rất mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng, khách vô cùng thích thú. Nhưng thấy băn khoăn vô cùng, làm sao để gốm Bàu Trúc cũng như văn hóa Chăm của Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn để đem lại những nguồn lợi kinh tế?

Những nữ nghệ nhân của Bàu Trúc suốt một đời vẫn cần mẫn đi quanh chiếc bình gốm của họ với nhịp bước chậm rãi. Và vấn đề làm sao để thu hút khách nhiều hơn đương nhiên không nằm trong “tầm nhìn chiến lược” của họ, họ chỉ biết ước mong...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem