Đặc trưng điệu Mơi xứ Mường

Vĩnh Minh Thứ hai, ngày 21/04/2014 11:24 AM (GMT+7)
Những bậc cao niên ở bản Ao Luông II (xã Sơn A, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đều bảo rằng, múa Mơi là điệu múa đặc trưng nhất cho cộng đồng người Mường nơi đây và được xếp vào hàng những điệu múa “thiêng”...
Bình luận 0
... Bởi múa Mơi có sự kết hợp rất chặt chẽ với các hình thức lễ nghi do ông mo của bản chủ trì.

Về gốc tích, chẳng ai nhớ nổi, múa Mơi có tự bao giờ, chỉ biết rằng từ đời cha ông truyền lại thì cứ độ cuối Xuân đầu Hạ hàng năm, bà con trong bản lại tập trung tại nhà của ông mo uy tín nhất để múa mời tổ tiên, các vị thần linh hạ trần cùng vui chơi với con cháu.

Ý nghĩa của điệu múa chính là để tạ ơn các đấng bề trên một năm qua đã phù hộ, che chở cho bản mường làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy bồ, con cháu mạnh khoẻ...

Ngày diễn ra lễ múa Mơi, sân trước nhà ông mo bao giờ cũng được dựng một cây nêu trang trí bằng nhiều họa tiết có ý nghĩa tâm linh. Mâm lễ vật (pán cạo) được chuẩn bị để thỉnh cầu thần linh hạ giới gồm: 01 thủ lợn, bánh chay (pèng chay), bánh trưng (pèng chưng), bánh ống (pẻng ống), cơm, xôi, rau chay, măng, lá đu đủ, 1 nải chuối, rượu.
Lễ hội chính thức được diễn ra ở nhà ông Mo lớn. (Ảnh: Báo Yên Bái)
Lễ hội chính thức được diễn ra ở nhà ông Mo lớn. (Ảnh: Báo Yên Bái)


Và một lễ vật có ý nghĩa rất quan trọng trong lễ hội này là cây bông (tiếng Mường là “cần boồng”). Chọn đúng giờ lành, thầy mo trong trang phục truyền thống, đầu cuốn khăn Mơi, tay cầm quạt giấy ngồi trên chiếc chiếu trải trước gian thờ để khấn xin thần linh. Sau đó, thầy mo sẽ múa điệu múa mời các nàng tiên trên trời xuống để dự lễ hội múa vui cùng bà con dân bản.

Múa chừng 15 - 20 phút, theo hiệu lệnh của thầy mo, mọi người sẽ chuyển sang điệu “Mùa Cuổi” (múa Cuội) tức là thần tiên đã hạ phàm. Đây là màn múa cao trào nhất, điệu múa mang ý nghĩa rằng thần tiên ở trên trời đã nghe thấy lời cúng khấn của con cháu, xuống trần gian cùng vui chơi.

Ở điệu “Mùa Cuổi”, còn có một phần rất đặc biệt đó là phần “phán bông” của thầy mo, các sơn nữ trẻ rất náo nức đón đợi phần này bởi qua lời phán của thầy mo một trong số các sơn nữ xinh đẹp, đảm đang, khéo léo tham gia và công việc chuẩn bị cây bông sẽ được thầy chọn và phán là người khéo tay nhất đã làm ra bông hoa đẹp nhất.

Sau một hồi múa vui, thầy mo sẽ ra hiệu cho mọi người chuyển sang điệu múa mô tả những trò chơi thể thao, các trò chơi ở đây chủ yếu là ném còn, đánh đu, kéo co… Kết thúc lễ hội múa Mơi, tất cả bà con trong bản sẽ quây quần bên nhau, chúc nhau chén rượu và hẹn năm sau thần tiên sẽ quay trở lại vui cùng bản mường.

“Điệu Mơi của dân tộc Mường chúng tôi đã có từ rất lâu đời. Bước vào điệu Mơi, mọi lo toan đời thường tiêu tan hết, mỗi người cảm thấy yêu bản làng, gắn bó với cuộc sống, hăng say lao động hơn. Tôi tin rằng dù trải qua tháng năm thì điệu Mơi vẫn sẽ sống mãi cùng bản mường...” - cụ Lò Văn Puấn, người cao tuổi nhất bản Ao Luông II tự hào chia sẻ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem