Cựu Tổng Giám đốc SCB thoát tội đưa hối lộ khi hối lộ 5,2 triệu USD, dựa trên căn cứ nào?

Quang Trung Thứ tư, ngày 22/11/2023 06:08 AM (GMT+7)
Ông Võ Tấn Hoàng Văn - cựu Tổng Giám đốc SCB không bị xem xét tội đưa hối lộ dù hối lộ 5,2 triệu USD, việc này dựa trên căn cứ nào?
Bình luận 0

Cựu Tổng Giám đốc SCB gây thiệt hại hơn 60.502 tỷ đồng

Trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cáo buộc, trong giai đoạn giữ chức Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, ông Võ Tấn Hoàng Văn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để giúp sức tích cực và đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cựu Tổng Giám đốc SCB thoát tội đưa hối lộ dù hối lộ 5,2 triệu USD dựa trên căn cứ nào? - Ảnh 1.

Cảnh sát kê biên, tạm giữ hàng nghìn nhà đất, sổ đỏ, tiền mặt, du thuyền... của Trương Mỹ Lan. Ảnh: TL

Hành vi của ông Văn đã gây thiệt hại hơn 60.502 tỷ đồng và liên đới chiếm đoạt hơn 192.434 tỷ đồng của SCB.

Ông Văn khai nhận, quá trình thanh tra, nội dung sai phạm lớn nhất tại SCB là việc cho vay tín dụng đối với các công ty có liên quan đến bà Trương Mỹ Lan. Hồ sơ vay có rất nhiều vi phạm, số tiền cho vay lớn, nguy cơ không thu hồi được nợ là rất lớn.

Sau đó, theo sự chỉ đạo của bà Lan, ông Văn cùng lãnh đạo SCB đã nhiều lần đưa tiền, quà cho đoàn thanh tra để được giúp đỡ, bưng bít sai phạm. Trong đó, ông Văn đã đưa hối lộ cho trưởng đoàn thanh tra là bà Đỗ Thị Nhàn tổng số tiền 5,2 triệu USD.

Theo Bộ Công an, ông Văn đã chủ động khai báo chi tiết việc đưa tiền cho bà Nhàn và các cá nhân khác trong quá trình thanh tra, tố giác hành vi của bà Nhàn từ trước khi khởi tố vụ án, hợp tác tích cực với cơ quan điều tra để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ và các sai phạm khác.

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và quy định pháp luật, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Văn về tội đưa hối lộ.

Trong vụ án này, ông Văn bị đề nghị truy tố về tham ô tài sản và vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Căn cứ để không truy cứu tội đưa hối lộ cựu Tổng Giám đốc SCB

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, đưa hối lộ là hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn để họ làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Đưa hối lộ là hành vi xâm phạm trật tự quản lý nhà nước được Bộ luật hình sự 2015 quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành tội đưa hối lộ.

Việc đưa của hối lộ có thể là do người phạm tội chủ động đưa cho người có chức vụ, quyền hạn nhưng cũng có thể đưa của hối lộ theo gợi ý, đòi hỏi của người có chức vụ, quyền hạn. Có hành vi đưa của hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào cho người có chức vụ, quyền hạn.

Thời điểm hoàn thành tội phạm này được tính từ thời điểm người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận đề nghị của bên đưa hối lộ, đây cũng đồng thời là thời điểm hoàn thành tội nhận hối lộ.

Người phạm tội đưa hối lộ thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đính của việc đưa hối lộ là để người có chức vụ, quyền hạn chấp nhận làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người phạm tội.

Tuy nhiên, theo bà Dung, khoản 7, Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 quy định, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác sẽ được coi là không có tội.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Với điều luật này, người đưa hối lộ sẽ được chia làm 2 trường hợp. Thứ nhất, nếu người đưa hối lộ trong trạng thái bị người nhận hối lộ ép buộc, tức là bị đe dọa về tinh thần, thể chất, khiến cho người đưa hối lộ miễn cưỡng, bắt buộc phải đưa hối lộ.

Về ý thức họ không hề mong muốn, ban đầu cũng không có ý định về việc đưa hối lộ. Trường hợp này người đưa hối lộ được xác định là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Thứ hai, nếu người đưa hối lộ chủ động, không bị ép buộc để đưa hối lộ, về ý thức chủ quan đây là hành động có tính toán, chủ động tiếp cận, chủ động thực hiện hành vi tội phạm và mong muốn thực hiện hành vi đưa hối lộ. Nên trường hợp này họ chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Từ phân tích trên, bà Dung cho rằng, ông Võ Tấn Hoàng Văn dù có hành vi đưa hối lộ nhưng chủ động khai báo trước khi vụ án bị khởi tố, nên căn cứ vào khoản 7, Điều 364 Bộ luật hình sự 2015 nêu trên, việc cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự ông này là đúng quy định pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem