Cuộc sống tốt hơn nhờ “ông chính sách”

Trương Huyền - Kiều Thiện - Trọng Bình Thứ năm, ngày 06/08/2015 06:00 AM (GMT+7)
Từ nhiều năm nay, các tờ báo được Nhà nước cấp cho vùng dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2472/QĐ - TTg (còn gọi “báo 2472”) - trong đó có Báo Nông Thôn Ngày Nay đã trở thành những người bạn đường lối không thể thiếu của cán bộ, nhân dân nhiều địa phương. Cũng vì thế mà đồng bào các dân tộc còn gọi báo 2472 là “ông chính sách”.
Bình luận 0

Chúng tôi vẫn nhớ lời khẳng định của Chủ tịch UBND xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) – ông Hoàng Văn Quyền, sau khi đọc bài “Ông chính sách ở Mường Giôn” đăng trên báo NTNN (ra dịp 21.6.2015) mới đây, rằng: “Những chính sách đăng trên các báo 2472 đã được coi là quy chuẩn để bà con áp dụng hoặc đối chiếu với lời các cán bộ địa phương nói”.

Quy chuẩn đường lối, chính sách

Ông Quyền nhớ lại: Khi đó chính sách di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng ở Quỳnh Nhai mới được triển khai, các cán bộ dự án không chỉ thuyết phục dân ở các cuộc họp mà còn phải đến từng hộ đồng bào Thái, Mông ở đây để giải thích, nhưng xem chừng không ít người dân còn đắn đo, hoang mang, chống đối. Phải đến khi những bài viết về chủ trương của Nhà nước về xây dựng Thủy điện Sơn La đăng trên các báo 2472, trong đó trên Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) và ông trưởng bản đọc cho nghe tận tai, nhìn tận mắt thì bà con mới xuôi theo. Nhiều hộ “cứng rắn” trước đó, giờ tự nguyện hợp tác nhiệt tình khi cán bộ đến đo đạc, kiểm đếm để đền bù…

img

Người La Hủ (Pa Ủ, Mường Tè, Lai Châu) đã biết trồng rau màu, không còn di cư nữa. Ảnh: K.T

Hiện ở Phòng văn hóa của xã Mường Giôn còn có hẳn một tủ lưu “ông chính sách” với nhiều đầu báo như: Báo Sơn La, NTNN, Nhân Dân, Dân tộc và Phát triển, Biên phòng... “Mỗi khi họp trật tự viên, an ninh viên các bản, cứ hễ đồng chí nào thắc mắc về chủ trương, chính sách là tôi lôi ngay những nội dung được đăng ra cho mọi người đọc, tự kiểm định thông tin và thoải mái bàn tán…” ông Quàng Văn Lẹ - Trưởng Công an xã Mường Giôn cho biết thêm.

Nếu báo 2472 được coi là quy chuẩn về đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước để đồng bào Thái, Mông ở Mường Giôn (Sơn La) làm theo, thì với người La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu)  xóa được cái tên gắn với tộc người “La Hủ lá vàng” , cũng là nhờ “ông chính sách 2472”.

Người La Hủ xưa được coi là tộc du canh du cư lớn nhất. Những ngôi nhà của người La Hủ được dựng trên những cánh rừng sâu bằng cột và đậy lên đó mấy tấm lá cọ hay lá chuối… Chỉ mươi, mười lăm ngày sau những lá này vàng úa, khô quắt cũng là lúc họ lại di cư đến nơi ở mới, nên từ “lá vàng” đã theo họ đến tận ngày nay. Ông Thà Mà Đư - dân bản Mu Chi (xã Pa Ủ) chia sẻ: “Trong những cố gắng giúp người La Hủ định cư ấy, có công rất lớn của báo chí. Nhà nước cấp cho chúng tôi như các báo NTNN, Phụ nữ, Lai Châu…, đã giúp chúng tôi hiểu, biết là phải định cư thì mới hết được đói nghèo, phải học chữ thì mới tiến bộ được”.  Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu – Vương Văn Thành thì khẳng định, trong những tiến bộ của người La Hủ ở Mường Tè hôm nay, có sự đóng góp không nhỏ của báo 2472. Các báo đã góp phần vào sự bình ổn và phát triển của người La Hủ ở Mường Tè.

Học theo báo để làm giàu

"Lúc đầu, do không biết chữ, chúng tôi còn phải nghe mọi người đọc lại, tuy chưa hiểu nhiều nhưng thấy mình, thấy dân bản mình ở cái ảnh trên báo, thấy vui cái bụng lắm”.

Ông Thà Mà Đư(dân tộc La Hủ)

Những năm gần đây, từ các nguồn sách, báo, tạp chí 2472 cấp phát miễn phí cho vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng, mặt bằng dân trí của người dân nơi đây ngày càng cải thiện… Ông Thạch Đy – Trưởng ấp Phônôcambôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Ở đây hầu hết là bà con dân tộc nghèo, kinh tế chủ yếu là làm nông nên tờ NTNN luôn được bà con ưa chuộng. Thông qua các mô hình, định hướng mùa vụ mà báo nêu, nhiều người đã áp dụng vào sản xuất”. Vẫn theo ông Đy, cũng nhờ có báo 2472 mà tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn  ở địa phương giảm đi rất nhiều...

“Thông qua các ấn phẩm báo, tạp chí 2472, đã giúp đồng bào DTTS vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân và hạn chế các dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng. Những tập tục lạc hậu dần bị đẩy lùi” – ông Tăng Trung Bảo – Trưởng phòng Dân tộc huyện Mỹ Xuyên đánh giá. 

Ông Lâm Sa Ron –Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Pali - Khmer tỉnh Trà Vinh:

 Bài “ Ngôi trường thỏa ước mơ của người Khmer” đăng trên Báo NTNN vào đầu tháng 2.2015 đã phổ biến sâu rộng về mục đích hướng đến của nhà trường, tạo cơ hội học tập, nâng cao ý thức trình độ dân trí trong đồng bào dân tộc Khmer. Đây là lợi ích thiết thực cho từng cá nhân trong định hướng tương lai. Qua đó cũng khẳng định việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc đối với đồng bào  dân tộc Khmer của Đảng và Nhà nước”.

Ông Điêu Văn Tính -Hội Cựu chiến binh xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La:

 Tôi và bà con rất thích đọc báo NTNN đặc biệt là các bài về Hội với nông dân, khuyến nông, dân tộc và miền núi vì nó gần gũi và thực tiễn với những vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Cứ bài nào hay, có thể vận dụng được vào sản xuất hoặc để tham khảo là chúng tôi cắt lấy dán vào vách nhà sàn để không bị bay mất mà lại dễ tìm. Mong rằng thời gian tới báo sẽ hay hơn nữa, về đến Nậm Ét đều hơn nữa...”.

Trọng Bình – Trương Huyền (ghi) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem