Cuộc sống mới ở Nước Ruộng

Thứ ba, ngày 01/05/2012 18:47 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một thời, người Mường ở bản Nước Ruộng (xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, Hòa Bình) gần như cách biệt với bên ngoài. Giờ đây, đường rộng về đến tận bản, nhà văn hóa xây khang trang, ánh điện sáng từng nhà...
Bình luận 0

“Cán bộ địa phương chúng tôi vẫn đùa rằng, Nước Ruộng là bản 4 nhất: Hẻo lánh nhất, đẹp nhất, có điện chậm nhất và nghèo lâu nhất" - anh cán bộ Hội ND đi cùng chúng tôi nhớ lại.

img
Sinh hoạt văn hóa ở bản Nước Ruộng (Hòa Bình).

Điện về sáng bản

Bên bếp than giữa sàn, Trưởng bản Bùi Văn Xiêm nhâm nhi chén rượu men lá chậm rãi kể những năm tháng ông cùng cả bản Mường phải sống trong cảnh "có bữa nọ, lo bữa kia", thiếu thốn trăm bề. Cả bản có 90 hộ với 420 khẩu chỉ dựa vào cái nương, cái rẫy cùng cây ngô, cây sắn và diện tích cấy lúa khoảng 14ha nên 2/3 số hộ thiếu đói quanh năm. Mèn mén, củ mài, sắn luộc, sắn nấu canh là cái ăn chủ yếu của dân bản. Cái ăn chưa đủ nên chẳng ai nghĩ đến chuyện cho con cái học chữ. Nước Ruộng chỉ cách trung tâm xã Nam Thượng "độ ngân của 5 tiếng hú" vậy mà quạnh quẽ, đìu hiu mỗi khi màn đêm buông xuống.

"Phải làm sao để đời sống của bản khá lên" - câu hỏi làm đau đầu không ít những người nặng lòng với Nước Ruộng. Cho đến một ngày giữa năm 2010, công trình đường dây 35KVA, trạm biến áp 100KVA với số vốn đầu tư 5,8 tỷ đồng đưa điện về bản chính thức khởi công.

Trưởng bản Xiêm kể: "Thời điểm đội thi công về dựng cột, bắc dây điện cả bản nhộn nhịp, bà con tham gia ủng hộ từ dọn dẹp, phát cây đến hiến đất làm mặt bằng. Cả bản mong đợi cái ngày được đón điện, chẳng cần ai nhắc bà con tự động cõng ngô, cõng lúa, gà, lợn vượt cổng trời xuống chợ bán lấy tiền mua công tơ, bóng điện, ổ cắm, dây điện về để sẵn trong nhà. Mọi người động viên nhau rằng, có ánh sáng điện cuộc sống mới khấm khá được, lũ trẻ mới chịu học cái chữ để sau này đỡ khổ...".

Ngày đóng điện (21.12.2011), bà con tập trung tại trạm điện hạ thế từ sớm tinh mơ. Hôm đó, bà con chung nhau mổ thịt một con trâu mộng, một con lợn tạ rưỡi ăn mừng và một dàn loa đài, ampli công suất lớn cũng kịp được đưa về đặt tại nhà văn hóa bản để liên hoan văn nghệ.

"Giá mà ông lão nhà tôi còn sống để cùng được hưởng niềm hạnh phúc này..." - cụ Bùi Thị Chè (86 tuổi) xúc động nói.

Còn với thanh niên Bùi Hoàng Hà thì điện không chỉ đem đến niềm vui mà còn cả những dự định: "Ngày trước vào mùa khô phải gánh nước chai vai, từ khi có điện, vợ chồng em tích cóp mua được máy bơm để vừa bơm nước lên ruộng, tưới vườn cây, tắm cho đàn lợn, hỗ trợ bà con trong bản. Điện về làm sáng bản, sáng cả suy nghĩ làm ăn, lũ trẻ cũng chăm chỉ hơn, sau bữa tối là tự giác ngồi vào bàn học bài...".

Con đường no ấm

Trưởng bản Bùi Văn Xiêm khoe: “Trong tổng số 92 hộ đồng bào Mường với 250 khẩu nay hầu hết đã có điện, hơn 80 hộ có ti vi màu, xe máy, 30 nhà mua đầu video, dàn karaoke, chảo bắt sóng. Trẻ em được gia đình và cô giáo cắm bản quản lý khá chặt tại lớp học ghép đặt ở nhà văn hóa. Năm 2008, 75% số hộ trong bản đói nghèo thì đầu năm 2012 chỉ còn dưới 50%; thu nhập bình quân đầu người từ 5,2 triệu đồng tăng lên 6,2 triệu đồng/năm; bình quân lương thực 570kg/người. Dù chưa cao so với nơi khác nhưng tính với diện tích 14ha ruộng cấy lúa đó đã là một thành công đáng kể".

“Điện về làm sáng bản, sáng cả suy nghĩ làm ăn, lũ trẻ cũng chăm chỉ hơn, sau bữa tối là tự giác ngồi vào bàn học bài...".

Bây giờ mỗi khi trời mưa không còn cảnh người dân Nước Ruộng phải xắn quần tận đầu gối để vượt qua lối nhỏ nhầy nhụa nữa, thay vào đó là con đường bê tông đã được rải từ đầu đến cuối bản. Chỉ con đường lớn nối với trung tâm xã, bác Bạch Bá Tham tự hào: "Tuyến đường này được mở theo Chương trình 135 hoàn thành giữa 2009. Đó là con đường của ấm no, hạnh phúc của bà con Nước Ruộng".

Có con đường giao thương thuận lợi, người dân Nước Ruộng như được tiếp thêm niềm tin để chủ động đi học khi cán bộ khuyến nông về hướng dẫn. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để làm kinh tế. Bản đã xuất hiện những điển hình làm ăn giỏi như hộ ông Bùi Văn Quyết nuôi gần 50 con bò, năm 2011 lãi gần 60 triệu đồng; hộ ông Bùi Văn Thành với mô hình trồng cây ăn quả, nuôi cá cùng đàn dê 70 con, thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm...

Chia tay Nước Ruộng ngày cuối tháng 4 rực nắng, Trưởng bản Bùi Văn Xiêm nắm chặt tay chúng tôi cùng lời hẹn: "Tết Độc lập 2.9 năm nay mời các anh về chung vui cùng bà con trong bản để chứng kiến Nước Ruộng đang đổi thay từng ngày...".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem