Cục trưởng Cục Xuất bản nói về vụ sách "Thạch Sanh cởi truồng": Sự cố không lường hết

Thanh Hà (thực hiện) Thứ tư, ngày 25/03/2015 08:10 AM (GMT+7)
"Có thể hiểu sai sót của NXB Kim Đồng là một sự cố, là sự không lường hết của người biên soạn cuốn truyện là sách này có đặc thù dành cho đối tượng độc giả là thiếu nhi. Vì vậy mà họ đã quên biên tập cắt bỏ câu chữ cho phù hợp", Cục trưởng Cục Xuất bản - In và phát hành Chu Văn Hòa nói.
Bình luận 0

Như NTNN số 71/2015 thông tin, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin- Truyền thông) vừa yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) rà soát, biên tập kỹ nội dung các xuất bản phẩm dành cho thiếu nhi. Xung quanh yêu cầu này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Chu Văn Hòa (ảnh)- Cục Trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành.

Thưa ông, trong vụ việc mới nhất gây xôn xao dư luận, quan điểm của cục như thế nào về cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Kim Đồng với truyện cổ tích “Thạch Sanh” của NXB Kim Đồng có những ngôn từ mang tính bạo lực, gây phản cảm với độc giả thiếu nhi?

img

Cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Kim Đồng và một số cuốn cổ tích khác “có vấn đề” khiến dư luận bức xúc thời gian qua.  T.L

- Đó là những dư luận xã hội phản đối sách của NXB Kim Đồng, còn chiếu theo Luật Xuất bản, thì NXB Kim Đồng chưa tới mức vi phạm về thuần phong mỹ tục. Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể xử lý được trường hợp này.

Một điều tôi muốn đề cập là những câu chuyện cổ tích dân gian của Việt Nam lâu nay có nhiều dị bản và thường cũng rất nhiều chi tiết mang tính bạo lực và phản cảm. Với chi tiết gây xôn xao như Thạch Sanh “chém phọt óc làm con chằn tinh chết tươi” thì trong dân gian người ta cũng kể thế, NXB Kim Đồng không bịa hay xuyên tạc. Tuy nhiên xã hội bây giờ đã khác, đã thay đổi, chúng ta là một xã hội văn minh, yêu hòa bình. Chúng ta vẫn rất tôn trọng văn hóa, lịch sử cha ông, nhưng cũng nên loại bỏ những câu chuyện dân gian, những kết chuyện không phù hợp với xã hội bây giờ.

Có thể hiểu sai sót của NXB Kim Đồng là một sự cố, là sự không lường hết của người biên soạn cuốn truyện là sách này có đặc thù dành cho đối tượng độc giả là thiếu nhi. Vì vậy mà họ đã quên biên tập cắt bỏ câu chữ cho phù hợp.

Với tư cách của một người đọc và phụ huynh có con nhỏ đọc cuốn sách đó thì ông nghĩ gì?

- Bản thân tôi không đồng tình với việc sử dụng ngôn ngữ không chọn lọc, không phù hợp với đặc điểm lứa tuổi. Hơn nữa, NXB Kim Đồng là một thương hiệu đã có uy tín, được đông đảo quần chúng yêu mến, nên dù muốn hay không NXB cũng cần rút kinh nghiệm trong công tác biên tập. Kể cả biên dịch, kể cả ảnh, tranh vẽ dùng trong minh họa sách cũng phải biên tập lại sao cho phù hợp với lứa tuổi, từ đó đưa ra xã hội những món ăn tinh thần có chất lượng cao hơn, phù hợp hơn.

Ông nghĩ sao khi mà sách dành cho thiếu nhi có vẻ được viết với ngôn ngữ định tính nhiều hơn định lượng, trong khi đã là đối tượng thiếu nhi rất cần mang tính giáo dục?

- Tôi nghĩ rất khó để nói được là định lượng. Bởi cuộc sống là tiếp biến hàng ngày, buổi sáng khác, buổi chiều khác. Ngôn ngữ của người Việt Nam năm 1945 khác với ngôn ngữ của năm 2015. Những cuốn sách, những tiểu thuyết, văn chương của năm 1930 – 1945 ngôn ngữ được viết khác bây giờ. Tuy nhiên định tính vẫn luôn luôn hiện hữu trong cuộc sống, và rất biến hóa. Với người làm vấn đề này phải có trách nhiệm, lương tâm. Đôi khi có những trường hợp xảy ra mà luật không định danh được, thì xã hội định danh bằng những phản ứng.

Quan điểm
img
Ông Chu Văn Hòa
  Tôi cho khung pháp lý cộng đồng là khung pháp lý linh hoạt, uyển chuyển đi sát vào đời sống của người dân nhất và đó cũng sẽ là khung pháp lý xử phạt nặng nhất đối với NXB cũng như nghệ sĩ”.
Tôi luôn luôn tâm niệm có hai khung hình phạt. Đó là khung pháp lý pháp luật, và khung pháp lý cộng đồng. Đối với những người làm ra sản phẩm văn hóa tinh thần sẽ phải chịu sự chị phối của hai loại khung này. Một cuốn sách mà có quá nhiều từ nhạy cảm khiến độc giả không mua, như vậy rõ ràng khung pháp lý cộng đồng đã không chấp nhận điều đó. Và cho dù NXB nào đó chưa ở mức vi phạm để khung pháp lý pháp luật xử phạt thì thay vào đó đã có khung pháp lý cộng đồng xử lý rồi. Mà tôi cho khung pháp lý cộng đồng là khung pháp lý linh hoạt, uyển chuyển đi sát vào đời sống của người dân nhất và đó cũng sẽ là khung pháp lý xử phạt nặng nhất đối với NXB cũng như nghệ sĩ.

 

Nhìn xa hơn, Cục có giải pháp nào để tới đây những sự việc tương tự không còn bị lặp lại với các NXB?

- Việc giải quyết những sai sót này tôi nghĩ cần phải đi từ gốc. Tức là NXB cần phải kiện toàn nhân lực, kể cả về mặt kinh tế, cơ chế hoạt động, kèm theo chính sách trực diện để nâng cao nội lực NXB, nâng cao năng lực của biên tập viên. Ngay như với những biên tập viên tại các NXB hiện tại chưa có ngạch lương nào trong danh sách của Bộ Nội vụ như là các ngành nghề khác.

Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại giấy phép đối với toàn bộ các NXB. Nếu cơ quan chủ quản nào không đầu tư cho NXB thỏa đáng, để NXB có thể sống và lo nâng cao chất lượng xuất bản, hoặc nếu NXB không thực hiện theo luật thì Bộ Thông tin -Truyền thông đề nghị không đổi giấy phép. Tới đây sẽ có sáp nhập và giải tán một số NXB không đủ năng lực.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem