Quyền Cục trưởng Cục NTBD nói gì về quy định cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức của Bộ TT&TT?

Hà Tùng Long Thứ tư, ngày 19/04/2023 15:46 PM (GMT+7)
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly đã có những chia sẻ cởi mở với Dân Việt về các quy định mới được ban hành của Bộ TT&TT liên quan đến cấm sóng các nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng khi vi phạm pháp luật, đạo đức.
Bình luận 0

Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, bà đánh giá thế nào về quy định này?

- Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc tích cực của Bộ TT&TT trong việc giải quyết các vấn đề bất cập, nảy sinh trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn hiện nay. Đây là những quy định rất cần thiết để những người làm nghệ thuật có sự cân nhắc, điều chỉnh cho chuẩn mực những hành vi ứng xử và phát ngôn của mình, đặc biệt là thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Rất mong các đơn vị sẽ tiếp tục chung tay cùng Bộ VHTTDL nói chung, Cục Nghệ thuật biểu diễn nói riêng để có thêm những hành lang pháp lý, cùng kiến tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Cục trưởng Cục NTBD nói gì về quy định cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức của Bộ TT&TT? - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly. Ảnh: NVCC.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đáng ra, những quy định này nên được ban hành sớm hơn để chấn chỉnh hiện tượng bát nháo trong showbiz, trả lại sự lành mạnh cho giới hoạt động nghệ thuật biểu diễn?

- Tôi nghĩ rằng, bất kỳ việc xây dựng quy định, quy chế nào cũng phải dựa trên thực tiễn xã hội. Cách đây không lâu, Bộ VHTTDL cũng mới ban hành Bộ Quy tắc ứng xử nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. Từ đó tiến tới khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp theo tinh thần "nhân cái đẹp, dẹp cái xấu", lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực. Góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tôi nghĩ rằng, không phải tất cả các nghệ sĩ đều vướng chuyện nọ chuyện kia mà đó chỉ là một bộ phận rất nhỏ. Nghệ sĩ công tác trong đơn vị nghệ thuật công lập, các hội chuyên ngành… không có những vấn đề ồn ào nào đáng nói cả. Chúng tôi nhận thấy các nghệ sĩ có uy tín đối với xã hội, chưa có phát ngôn hoặc hành vi nào gây ảnh hưởng đến cộng đồng theo chiều ngược lại.

Phàm đã là nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thì phải ý thức được vai trò của mình trong từng phát ngôn, hành vi và phải chịu trách nhiệm trước mọi phát ngôn, hành vi của mình. Nghệ sĩ phải có ý thức đối với việc xây dựng hình ảnh trước cộng đồng. Nghệ sĩ đã tham gia hoạt động nghệ thuật lâu năm lại càng cần phải cẩn trọng hơn trong việc xây dựng hình ảnh và uy tín của mình trong ngành. Việc xây dựng hình ảnh của nghệ sĩ cũng chính là lan tỏa và nhân rộng "chân thiện mỹ" trước cộng đồng.

Mỗi cá nhân nghệ sĩ, bên cạnh việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm văn hóa nghệ thuật ra bên ngoài còn phải có ý thức chăm sóc cộng đồng. Tạo mối quan hệ tốt giữa nghệ sĩ với khán giả. Nghệ sĩ cùng với đơn vị quản lý xây dựng điều tốt đẹp, sản phẩm nghệ thuật có giá trị, tạo niềm tin và sự lan tỏa tích cực đến khán giả.

Nghệ sĩ Việt Nam nên tận dụng và phát huy văn hóa đặc trưng, nét đẹp của dân tộc để thông qua đó quảng bá, lan tỏa, phát huy giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng Thông tin điện tử (Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử) cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là các nghệ sĩ, nếu có hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm hoạt động trên mạng, hay còn gọi là "phong sát". Việc xây dựng quy trình này đã được tiến hành chưa, tiến hành như thế nào?

- Bộ VHTTDL đã giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn, Vụ Pháp chế phối hợp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) xây dựng quy trình nghiên cứu, xem xét nhằm đưa ra các biện pháp hạn chế những biểu hiện tiêu cực trên mạng xã hội của giới nghệ sĩ. Quy trình sẽ tập hợp và vận dụng tất cả những quy định xử lý các vi phạm trong các luật, nghị định chung và của chuyên ngành. Dự kiến tháng 10 tới đây, Quy trình này sẽ xây dựng xong để trình lãnh đạo Bộ xem xét, cho ý kiến.

Cục trưởng Cục NTBD nói gì về quy định cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức của Bộ TT&TT? - Ảnh 3.

Nghệ sĩ vi phạm pháp luật và đạo đức sẽ bị cấm sóng. Ảnh: TL.

Ngoài cấm sóng nghệ sĩ vi phạm pháp luật, đạo đức... cần nâng cao nhận thức hiểu biết pháp luật

Theo bà, việc đưa ra những quy định này có giúp cải thiện hoạt động biểu diễn, trả lại môi trường lành mạnh cho giới biểu diễn nghệ thuật?

- Tôi hy vọng các biện pháp đưa ra sẽ mang nhiều tính tích cực đối với cộng đồng. Chúng tôi luôn mong muốn nghệ sĩ có được nhiều điều kiện để phát triển tài năng, tự do sáng tạo… nhưng nếu có vấn đề, ảnh hưởng đến xã hội thì chúng ta vẫn phải xử lý với tinh thần "nhân đẹp, dẹp xấu".

Trong bối cảnh hiện tại, mỗi nghệ sĩ là một kênh thông tin cực kỳ hữu hiệu, nhất là các KOLs nên bất kỳ một hành động, một phát ngôn nào cũng đều có tác động rất lớn đến cộng đồng. Tôi lấy ví dụ như rapper Đen Vâu chẳng hạn, khi xảy ra sự cố máy bay ở Hạ Long, nam rapper này ngay lập tức cho ẩn MV của mình để thể hiện một sự tiếc thương, đó là một hành động đẹp. Đây chỉ là một trong vô số những hành động đẹp trong giới nghệ sĩ mà chúng ta cần nhân rộng. Những nghệ sĩ có vấn đề này, vấn đề kia chỉ là số ít và chúng ta cũng không nên vì thế mà đánh mất đi lòng tin cũng như sự thiện cảm đối với giới hoạt động biểu diễn nghệ thuật.

Theo bà, ngoài việc đưa ra các quy định, chúng ta cần nâng cao nhận thức chấp hành quy định của pháp luật trong giới nghệ sĩ như thế nào để phát huy được hiệu quả của luật?

- Để nâng cao trách nhiệm của người nghệ sĩ trong quá trình hoạt động nghệ thuật, xây dựng uy tín cá nhân, tạo ảnh hưởng đối với cộng đồng thì chắc chắn phải nâng cao nhận thức thông qua các hình thức tuyên truyền. Chúng tôi cũng rất mong các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm…

Vai trò của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động nghệ thuật biểu diễn nên như thế nào khi có các quy định này ra đời?

- Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT... các tỉnh, thành phố xử lý những trường hợp vi phạm. Với mỗi trường hợp liên quan tới biểu diễn, nghệ sĩ… thẩm định về nội dung sẽ do các đơn vị chuyên môn của Bộ VHTTDL xem xét, xử lý.

Cục Nghệ thuật biểu diễn có chức năng phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị, địa bàn về công tác hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Sắp tới đây, Cục cũng sẽ tiến hành công tác kiểm tra một số địa bàn. Năm ngoái, Cục đã làm việc với Sở VHTT ở Đà Nẵng, TP. HCM và Hà Nội.

Cảm ơn bà đã chia sẻ thông tin!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem