Cục Thú y triển khai loạt giải pháp loại bỏ tâm lý ngại tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của dân

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 07/01/2024 18:46 PM (GMT+7)
Trước tỷ lệ đàn lợn tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi còn thấp trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Cục Thú y (Bộ NNPTNT) sẽ đẩy mạnh truyền thông để người dân, các cơ sở chăn nuôi hiểu rõ hơn về vaccine này, loại bỏ tâm lý e dè để bảo vệ đàn vật nuôi.
Bình luận 0

Nguy cơ lây lan dịch tả lợn châu Phi còn cao

Theo báo cáo của Cục Thú y, năm 2023, cả nước đã xảy ra 714 ổ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 34.551 con lợn. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch giảm hơn 49%, số lợn bị phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 48%. 

Giám sát virus DTLCP thực hiện theo Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP trong năm 2023 được thực hiện tại 16 tỉnh với tổng số mẫu là 930 mẫu, có 107 mẫu dương tính, chiếm 11,51%. Trong đó, tỷ lệ cao nhất tại tỉnh Lào Cai (32,38%), Đồng Nai (25%) và Thừa Thiên - Huế (20,83%).

Cục Thú y cảnh báo, nguy cơ bệnh DTLCP tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao là do: Đặc điểm của vi rút DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp; thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, diễn biến phức tạp, gây bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh; Bộ NNPTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vắc xin DTLCP trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, người chăn nuôi chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại, lo lắng về hiệu quả của vaccine nên chưa tiêm phòng cho đàn lợn...

Cục Thú y triển khai loạt giải pháp loại bỏ tâm lý ngại tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của dân- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến giám sát quá trình tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi ở trang trại của Tập đoàn C.P. Ảnh: Bảo Thắng

Theo thống kê của Cục Thú y, số lượng vaccine DTLCP đã sản xuất của đến nay là 4,5 triệu liều. Số lượng vaccine cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành và sau khi Bộ có Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7 là hơn 1,5 triệu liều. Ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, 300.000 liều vaccine DTLCP đã được xuất khẩu sang Philippines. Đồng thời, lực lượng thú y đã bố trí lực lượng để phối hợp các quốc gia trong việc chuyển giao, tư vấn và tiêm phòng loại vaccine mới này.


Trong khi đó, số lượng vaccine dịch tả lợn châu Phi đã sản xuất của 2 doanh nghiệp được phép sản xuất đến nay là 4,5 triệu liều (Navetco là 1,2 triệu liều, AVAC là 3,3 triệu liều). Số lượng vaccine cung ứng, sử dụng từ khi cấp giấy chứng nhận lưu hành và sau khi Bộ có Công văn số 4870/BNN-TY là hơn 1,5 triệu liều. Ngay sau khi được phép lưu hành rộng rãi tại Việt Nam, Công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vaccine DTLCP sang Philippines. Số lượng vaccine đã sản xuất đang bảo quản tại kho của 2 công ty khoảng 3 triệu liều (Công ty Navetco khoảng 1 triệu liều và Công ty AVAC là 2 triệu liều).

Tính đến hiện tại, 2 loại vaccine là NAVET-ASFVAC do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương Navetco và AVAC ASF LIVE do Công ty CP AVAC Việt Nam được đăng ký và cấp Giấy chứng nhận lưu hành theo đúng quy định của Luật Thú y. Đây là những vaccine phòng bệnh DTLCP thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh DTLCP nào được cấp phép trên thế giới. "Tuy vậy, so với tổng đàn lợn thịt (mỗi năm Việt Nam xuất chuồng khoảng 50 triệu con), số lượng tiêm như thế còn rất hạn chế. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại còn hạn chế như vậy" - Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long trăn trở.

Một trong những nguyên nhân được ông Long chỉ ra, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân, thậm chí là thú y cơ sở còn rất hạn chế. Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, trong những lần đi kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP tại cơ sở, được bà con và nhân viên thú y cơ sở phản ánh là "chưa biết có vaccine", hoặc "nghĩ rằng còn trong quá trình nghiên cứu, đánh giá". Nhìn chung, tâm lý của người chăn nuôi còn e dè, băn khoăn vì vaccine mới đưa vào sử dụng từ tháng 7/2023, lại còn mới trên thế giới.

Để khắc phục, Bộ NNPTNT, Cục Thú y đã chỉ đạo 2 doanh nghiệp cung ứng vaccine tăng cường thông tin, tuyên truyền về sản phẩm vaccine. Cùng với đó, Bộ đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo địa phương để người dân nắm được tình hình, cũng như giao trách nhiệm lực lượng thú y ở cơ sở để chủ động triển khai.

Cục Thú y triển khai loạt giải pháp loại bỏ tâm lý ngại tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của dân- Ảnh 2.

Người dân thôn Phạm Xá, xã Ngọc Sơn, TP.Hải Dương (Hải Dương) chăm sóc súp lơ. Ảnh: K.N

Cục Thú y triển khai loạt giải pháp loại bỏ tâm lý ngại tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn của dân- Ảnh 3.

Gần nhất, Bộ NNPTNT đã tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Chỉ thị nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine trên đàn lợn thịt.

Đẩy mạnh thông tin thêm về vaccine dịch tả lợn châu Phi

Chia sẻ những tâm tư của người chăn nuôi, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, sẽ phối hợp 2 doanh nghiệp cung ứng vaccine DTLCP tổ chức nhiều buổi tập huấn, kiểm tra, giám sát tại địa phương, kết hợp hướng dẫn, thông tin về vaccine mới ở cấp cơ sở.

Ông cho rằng, các bên liên quan cần công khai, minh bạch, chia sẻ rõ ràng quá trình của Việt Nam đã hợp tác nghiên cứu với phía Mỹ như thế nào để tổ chức nghiên cứu, đồng thời phổ biến sâu rộng tới địa phương thông tin: Sau hơn 600.000 liều sử dụng kể từ ngày 24/7, 100 % đàn lợn không gặp vấn đề gì, tỷ lệ đáp ứng miễn dịch trên đàn lợn tiêm đạt 95 % và an toàn tuyệt đối.

"Chúng ta cần phải cung cấp nhiều hơn số liệu, hình ảnh… để người dân và địa phương yên tâm sử dụng vaccine này. Về phía Cục Thú y, chúng tôi luôn tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, hướng dẫn, hễ có thắc mắc gì, chúng tôi đều ưu tiên giải đáp để anh em cơ sở có hướng triển khai", ông Long bày tỏ.

Do triển khai vào nửa cuối năm dương lịch, khi kế hoạch mua sắm, đấu thầu, sử dụng vaccine hỗ trợ người chăn nuôi đã được địa phương tính toán xong, lại chưa nằm trong danh mục các bệnh bắt buộc bằng tiêm phòng, nên vaccine DTLCP triển khai bị chậm, chưa đạt kỳ vọng.

Trong Chỉ thị số 29 của Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu rõ với địa phương, là trong cuối năm 2023 và chậm nhất là đầu năm 2024, phải xây dựng, bổ sung nội dung tiêm phòng vaccine DTLCP trên đàn lợn thịt.

Cùng với đó, Bộ NNPTNT đã có kế hoạch phối hợp các tổ chức quốc tế cũng như các địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc trong việc sử dụng rộng rãi vaccine, nhằm đảm bảo công tác phòng, chống và kiểm soát chặt chẽ bệnh DTLCP.

Dự kiến, vào tháng 1/2024, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam để kiểm tra, xác nhận tỷ lệ đáp ứng miễn dịch và bảo hộ trên đàn vật nuôi có đúng hay không. Cục trưởng Nguyễn Văn Long nhìn nhận, việc mời các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học có uy tín và chuyên môn hàng đầu thế giới đến Việt Nam đánh giá thực tế cũng là một cách tuyên truyền hữu hiệu đến người dân.

"OIE cũng như phía Mỹ và các đối tác quốc tế rất mong muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển vaccine để có thể sử dụng trên cả lợn nái và lợn giống. Có như vậy, chúng ta mới có thể yên tâm, rằng vaccine đã được sử dụng rộng rãi, thay vì tiêm trên nhóm đối tượng lợn thịt, lợn thương phẩm như hiện tại chỉ kéo dài khoảng 3-4 tháng nên phạm vi sử dụng tương đối hạn chế"- ông Long phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem