Thứ hai, 20/05/2024

CPI tăng 3,66%: Việt Nam thuộc nhóm kiểm soát tốt lạm phát

29/09/2023 7:30 PM (GMT+7)

Với mục tiêu dài hạn, nhiều quốc gia có mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao. Trong khi đó, VN tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng Chín tăng 3,66% so với tháng 9/2022.

Ngày 29/9, báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Chín tăng 1,08%, trong đó khu vực thành thị tăng 1,25%, nông thôn tăng 0,89%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,23%.

Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng quý 3 tăng 2,89% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng CPI tăng 3,16% so năm 2022.

Kiểm soát lạm phát tốt

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) chỉ ra trong 9 tháng, thị trường hàng hóa thế giới tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội. Tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng. Tiêu chuẩn thương mại toàn cầu và hàng rào bảo hộ gia tăng trong khi tiêu dùng còn yếu ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, cung cầu và giá cả. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với mục tiêu dài hạn của nhiều quốc gia.

Trong nước, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm, giá sản xuất tăng giảm đan xen. Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá sản xuất dịch vụ quý 3 và 9 tháng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất công nghiệp, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất và chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có xu hướng giảm.

Cụ thể hơn, bà Oanh cho biết thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Xung đột quân sự Nga-Ukraina vẫn tiếp diễn, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt. Nhiều quốc gia duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, tổng cầu suy yếu. Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn đối mặt với tăng trưởng thấp, thị trường tài chính tiền tệ và bất động sản tại một số nước tiềm ẩn nhiều rủi ro.

CPI tăng 3,66%: Việt Nam thuộc nhóm kiểm soát tốt lạm phát - Ảnh 1.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặt khác, tình trạng thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi, hạn hán kéo dài trên phạm vi rộng, bão lũ, thiên tai ở các quốc gia làm cho sản xuất lương thực mất cân đối. Lạm phát toàn cầu từ đầu năm đến nay cũng có xu hướng giảm dần, sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát cùng với giá năng lượng giảm.

Tuy nhiên, so với mục tiêu dài hạn, bà Oanh đánh giá mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia. Số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra lạm phát trong tháng Tám tại khu vực đồng Euro tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát của Mỹ tăng 3,7%. Tại châu Á, lạm phát của Lào tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, Philiphine tăng 5,3%, Hàn Quốc tăng 3,4%, Indonesia tăng 3,3%, Thái Lan tăng 0,9%, Trung Quốc tăng 0,1%.

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát khi CPI tháng 9/2023 tăng 3,66% so với tháng 9/2022.

Ngoài ra, bà Oanh nhấn mạnh các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu trong từ đầu năm đến nay, như nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) tiếp tục giảm sản lượng khai thác. Trong khi đó, triển vọng kinh tế Mỹ và Trung Quốc khả quan hơn và dự trữ dầu mỏ trên toàn cầu có xu hướng giảm.

Lạm phát cơ bản tăng 4,49%

Trong nước, bà Oanh cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đó, nhiều giải pháp được tích cực triển khai, như giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; hỗ trợ doanh nghiệp, gia hạn visa cho khách du lịch. Đặc biệt là các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.

Nhờ vậy, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân 9 tháng, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm 2022 và lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê chỉ ra một số yếu tố làm tăng CPI trong 9 tháng như: Chỉ số giá nhóm vé máy bay bình quân tăng 71,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do giá nhiên liệu bay ở mức cao, tỷ giá, lãi suất đều tăng khiến chi phí của các hãng tăng. Cùng với đó, nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt trong dịp Lễ, Tết, nghỉ Hè đã tác động đến giá vận tải hàng không; giá vé tàu hỏa tăng 31,2%, giá vé ôtô khách tăng 8,3%.

Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước do một số địa phương tăng học phí năm học 2023-2024 theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, tác động làm CPI chung tăng 0,45 điểm phần trăm.

Trên thị trường, chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này tác động làm CPI chung tăng 1,27 điểm phần trăm, do giá xi măng, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, cùng với đó giá thuê nhà ở tăng cao.

Về đời sống sinh hoạt hàng ngày, chỉ số giá nhóm lương thực tăng 4,9% tác động làm CPI chung tăng 0,18 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 2,8%, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng tăng trong các dịp Lễ, Tết, tác động làm CPI chung tăng 0,6 điểm phần trăm. Thêm vào đó, chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,2%, tác động làm CPI chung tăng 0,14 điểm phần trăm do nhu cầu sử dụng điện tăng và từ ngày 4/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng 3%.

Ngoài ra, chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI tăng 0,15 điểm phần trăm, chủ yếu do từ tháng Bảy, dịch vụ bảo hiểm y tế tăng theo mức lương cơ sở mới.

Bà Oanh cho biết lạm phát cơ bản tháng Chín tăng 0,3% so với tháng trước, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng, lạm phát cơ bản tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,16%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 9 tháng điều chỉnh giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước, giá dầu hỏa giảm 11,3%, giá gas giảm 10,2% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

TTXVN

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

2 mã cổ phiếu chuyển từ diện kiểm soát sang 'hạn chế giao dịch'

2 mã cổ phiếu chuyển từ diện kiểm soát sang 'hạn chế giao dịch'

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định chuyển 2 mã cổ phiếu DAG và TNA từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch, bắt đầu vào ngày 24/5/2024.

Vinamilk và sữa đặc Ông Thọ tôn vinh ẩm thực Việt với các món ăn ấn tượng tại lễ hội bánh mì 2024

Vinamilk và sữa đặc Ông Thọ tôn vinh ẩm thực Việt với các món ăn ấn tượng tại lễ hội bánh mì 2024

Bánh mì chấm sữa đặc Ông Thọ, món ăn gắn liền với tuổi thơ của biết bao thế hệ một lần nữa lại gây thương nhớ và trở thành món ăn “tạo cơn sốt” tại Lễ hội bánh mì 2024 được tổ chức lần 2 tại TP.HCM vừa qua.

Người dân TP.HCM sắp được mua hàng khuyến mãi tới 100% suốt mùa hè

Người dân TP.HCM sắp được mua hàng khuyến mãi tới 100% suốt mùa hè

TP.HCM sắp có chương trình khuyến mãi tới 100% kéo dài trong suốt 3 tháng hè. Ngoài sản phẩm hàng hóa, thời trang, năm nay, các tour du lịch cũng sẽ nằm trong chương trình khuyến mãi phục vụ người dân, du khách.

Đồng Nai phục hồi chậm trên thị trường bất động sản

Đồng Nai phục hồi chậm trên thị trường bất động sản

Cũng lân cận TP.HCM như Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương đang sôi động với hàng loạt dự án mới được cấp phép và mở bán nhưng thị trường địa ốc tại Đồng Nai vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Lãng phí lớn từ số lượng khủng căn hộ tái định cư bỏ hoang tại TP.HCM, Hà Nội

Lãng phí lớn từ số lượng khủng căn hộ tái định cư bỏ hoang tại TP.HCM, Hà Nội

Tại các thành phố lớn, nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng ngân sách Nhà nước mỗi năm.

Nghịch lý giá cà phê hơn 100.000 đồng/kg nhưng có doanh nghiệp lỗ nặng

Nghịch lý giá cà phê hơn 100.000 đồng/kg nhưng có doanh nghiệp lỗ nặng

Các công ty cà phê ở Việt Nam ghi nhận 2 chiều kinh doanh trái ngược trong quý I/2024. Một nhóm kinh doanh khởi sắc và tăng trưởng rõ rệt nhưng bên kia lại chìm sâu trong thua lỗ, lợi nhuận giảm mạnh...