Công nhân cắt cỏ giữa... lòng hồ điều hòa, Hà Nội lặp điệp khúc chưa mưa đã ngập

Vũ Khoa Chủ nhật, ngày 10/09/2023 07:30 AM (GMT+7)
Tại thời điểm khảo sát, PV Dân Việt ghi nhận hiện tượng xuống cấp, lấn chiếm, ô nhiễm.. tại nhiều điểm, khiến hiệu quả của hồ điều hòa bị hạn chế rất nhiều. Thậm chí, hồ điều hòa Trung Văn, dù thời gian gần đây Hà Nội thường xuyên có mưa, nhưng lòng hồ cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm. Đây là một phần câu trả lời vì sao.
Bình luận 0

Công nhân cắt cỏ giữa.. lòng hồ điều hòa

Giữ vai trong điều tiết nước mưa, các hồ điều hòa cũng có tác dụng hỗ trợ giảm bớt kích thước của cống dẫn, công suất trạm bơm nước. Đặc biệt trong thời điểm mùa mưa, lưu lượng lớn nhưng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Hồ điều hòa có nhiệm vụ điều tiết lưu lượng dòng chảy một cách tự nhiên nhằm chống úng, ngập.

Nhất là đối với đô thị còn nhiều bất cập trong hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải như Hà Nội mà Dân Việt đã nêu trong các bài viết, Hàng loạt dự án thoát nước nghìn tỷ chậm tiến độ, thoát nước Hà Nội "tắc dòng" và Nghịch lý: Nhiều trạm bơm hơn 10 nghìn tỷ "phơi sương, phơi nắng", đường Hà Nội cứ mưa là ngập, hồ điều hòa có tác dụng rất lớn để giảm đi chi phí xây dựng, quản lý hệ thống cho các cơ quan ngành dọc.

Ngoài ra, hệ thống hồ điều hòa ổn định còn có thể góp phần điều chỉnh lưu lượng để phục vụ cho mục đích tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường…

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, năm 2022, Sở đã tổng hợp được 485 hồ nước có chức năng điều hòa thoát nước. Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các quận, huyện, chủ đầu tư khu đô thị thực hiện công tác quản lý, khai thác hồ nước chống lấn chiếm, xây dựng phương án kết nói với hệ thống thoát nước khu vực, quản lý mực nước để điều hòa phục vụ thoát nước đô thị trên địa bàn thành phố theo phân cấp.

Chưa giải được bài toán quản lý chồng chéo, hệ thống hồ điều hòa Hà Nội khó mở rộng - Ảnh 1.

Hồ điều hòa Trung Văn ở "mực nước chết" dù vừa qua Hà Nội thường xuyên có mưa

Tuy nhiên, khảo sát của PV Dân Việt cho thấy hiện tượng xuống cấp, lấn chiếm, ô nhiễm.. tại nhiều điểm, khiến hiệu quả của hồ điều hòa bị hạn chế rất nhiều. Ví dụ như tại khu vực hồ điều hòa Mai Dịch, Cầu Giấy, từng xảy ra tình trạng rác thải bị người dân vứt vô tội vạ khiến môi trường hồ bị ảnh hưởng. Việc quản lý cũng vô cùng rối khi chỉ một hồ điều hòa nhưng nằm trên địa phận quản lý của 3-4 đơn vị, khi vi phạm xảy ra, để chỉ rõ trách nhiệm thuộc về bên nào là rất khó khăn.

Hay như tại hồ điều hòa Trung Văn, dù thời gian gần đây Hà Nội thường xuyên có mưa, nhưng tại thời điểm PV ghi nhận thì lòng hồ cạn trơ đáy, cỏ mọc um tùm. Tình trạng lãng phí này dù khiến nhiều người địa phương không khỏi bức xúc, nhưng họ cũng chẳng biết tìm cơ quan quản lý nào để đề nghị nhanh chóng vào cuộc, tìm ra nguyên nhân khắc phục.

Chưa giải được bài toán quản lý chồng chéo, hệ thống hồ điều hòa Hà Nội khó mở rộng - Ảnh 2.

Công nhân cắt cỏ giữa lòng hồ điều hòa Trung Văn

Như vậy, dù thống kê được gần 500 hồ có chức năng điều hòa, nhưng để các hồ được đầu tư xây dựng, vận hành đúng theo quy hoạch lại vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Theo Sở Xây dựng, những vấn đề này có một phần nguyên nhân do quản lý còn chồng chéo, nhiều nơi chưa bàn giao cho đơn vị thoát nước quản lý, duy tu, duy trì thường xuyên dẫn đến công năng hồ không đạt được đúng như kỳ vọng.

Đề xuất bổ sung, cải tạo hàng trăm ha hồ điều hòa

Tại hồ Linh Quang, để góp phần thoát nước cho các quận Ba Đình, Đống Đa và các điểm ngập úng cục bộ đã được thống kê. Việc đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo hồ Linh Quang, khẩn trương thanh thải lượng bèo rác, phế thải dưới lòng hồ là cần thiết phải làm. Đồng thời nghiên cứu lắp đặt bổ sung cống chảy, bổ sung trạm bơm cưỡng bức để điều tiết mực nước trong hồ. Được biết, hồ Linh Quang nằm trong lưu vực Tô Lịch, hiện đang có khoảng 33 hồ điều hòa phục vụ thoát nước cho diện tích 77,5km2.

Tương tự, tại các điểm thường xuyên như KĐT Resco, Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), giải pháp xây lắp hồ điều hòa Phú Đô diện tích 31,5ha. Sớm triển khai xây dựng hồ điều hòa Cổ Nhuế 2.

Chưa giải được bài toán quản lý chồng chéo, hệ thống hồ điều hòa Hà Nội khó mở rộng - Ảnh 3.

Để đảm bảo công năng các hồ điều hòa, cần làm rõ vai trò quản lý để tránh chồng chéo

Tổng hợp của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, Hữu Nhuệ đang là lưu vực thiếu nhiều diện tích hồ điều hòa nhất, do có diện tích gần 116km2 nhưng hiện mới chỉ có 4 hồ được Sở quản lý. Về giải pháp lâu dài, Sở Xây dựng cho rằng cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình tiêu thoát nước theo quy hoạch. Trong đó, để đảm bảo tốc độ thoát nước cho lưu vực này, cần thực hiện đến 531 ha hồ điều hòa và các cụm công trình đầu mối kèm theo.

Lưu vực Long Biên, cần thực hiện hệ thống hồ điều hòa theo Kế hoạch 312/KH-UBND ngày 28/12/2021 của UBND thành phố về phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Bên cạnh việc vận hành 6 hồ điều hòa hiện tại, quận Long Biên cần đẩy nhanh dự án cải tạo hồ Tư Đình và mương tư Đình để điều hòa mực nước cho khu vực đoạn nút giao thông đường Cổ Linh – Đàm Quang Trung, trước và đối diện siêu thị Aeon Mall.

Về thoát nước Thủ đô KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, việc Hà Nội cứ mưa là ngập sẽ khó tránh khỏi. Riêng với hồ điều hòa, thành phố đã có quy hoạch, kế hoạch để xây thêm để tăng khả năng thoát nước, nhưng cần đảm bảo không xảy ra tình trạng chậm chễ. Đồng thời cần tập trung quy hoạch chi tiết về hồ điều hòa. Còn tại các khu chung cư, khu đô thị, chủ đầu tư cần đảm bảo đúng quy hoạch về diện tích mặt nước, hồ như thiết kế và phải được sự kiểm tra chặt chẽ, kịp thời của các cơ quan quản lý nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem