Công an tạm giữ tổng giám đốc và 21 quản lý, nhân viên của Công ty Lộc Phúc dàn dựng "dự án ma"

Thành Nam Thứ tư, ngày 06/09/2023 15:23 PM (GMT+7)
Qua quá trình sàn lọc, Công an tỉnh Đồng Nai quyết định tạm giữ đối tượng chủ mưu là Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng Giám đốc cùng 21 quản lý nhân viên của Công ty bất động sản Lộc Phúc.
Bình luận 0

Ngày 6/9, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đang tạm giữ 22 đối tượng thuộc Công ty Lộc Phúc (có trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) trong đó có Tổng Giám đốc Nguyễn Văn An được xác định là chủ mưu trong việc dàn cảnh để bán dự án ma cho nhiều người, qua đó thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. 

Tạm giữ Tổng giám đốc và 21 quản lý, nhân viên của Công ty Lộc Phúc - Ảnh 1.

21 quản lý, nhân viên của Công ty Lộc Phúc đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Ảnh: CACC

Các đối tượng nói trên bị bắt giữ khi đang giới thiệu cho hàng chục khách hàng các lô đất trong dự án "ma" tại địa bàn xã An Viễn (huyện Trảng Bom) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, Công an Đồng Nai nhận được phản ánh của nhiều người dân ở TP.HCM và Đồng Nai việc bị Công ty Lộc Phúc lừa đảo bằng việc lập các dự án "ma" rồi dẫn dụ họ bỏ tiền mua đất nền.

Sau khi những khách hàng xuống tiền cọc hoặc trả tiền mua bất động sản, những người này nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là những lô đất như Công ty Lộc Phúc quảng cáo trước đó.

Thậm chí, nhiều người không nhận được đất hoặc nhận đất ở địa điểm khác xa so với ban đầu.

Bước đầu, công an xác định Công ty Lộc Phúc bắt đầu triển khai các dự án ma từ tháng 6/2022 tại một số địa phương và tiến hành quảng bá rầm rộ. Song song đó, Tổng Giám đốc Nguyễn Văn An cùng tay chân đã chiêu mộ hàng trăm nhân viên vốn chỉ là sinh viên để đăng tải các hình ảnh, thông tin các dự án ma lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. 

Tạm giữ Tổng giám đốc và 21 quản lý, nhân viên của Công ty Lộc Phúc - Ảnh 2.

Chân dung Tổng Giám đốc Công ty Lộc Phúc được xác định là chủ mưu dàn dựng kịch bản bán dự án ma. Ảnh: CACC

Khi có người muốn tìm hiểu để mua nhà, các sinh viên sẽ ghi lại thông tin cá nhân, số điện thoại rồi giao lại cho bộ phận nhân viên cấp trên. Những người này sử dụng sim rác điện thoại liên lạc lại với khách hàng hẹn ngày giờ đi xem nhà. Đối với mỗi khách hàng sẽ chỉ sử dụng 1 sim riêng và nếu lừa được rồi thì hủy.

Khi khách hàng yêu cầu được đi xem nhà ở TP.HCM, các đối tượng hẹn họ đến một quán cà phê đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để khách tưởng mình đang được chở đi xem nhà nhưng thực chất bị các đối tượng ép buộc phải đi xem đất tại các "dự án ma".

Đánh vào tâm lý khách hàng, các đối tượng thuê người đóng giả khách hàng đặt cọc, ký hợp đồng mua đất để dụ khách hàng nộp tiền mua đất.

Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ô tô loại 7 chỗ và đi cùng "diễn viên quần chúng" về lại trụ sở công ty để tiếp tục tác động tâm lý khách hàng. Tại đây, các nhân viên công ty nòi rằng nếu muốn ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng trong vài tuần đến một tháng thì phải đặt ngay thêm tiền cọc từ 60-70% giá trị giao dịch trên lô đất đó và một tuần trước khi ra công chứng phải thanh toán nốt số tiền còn lại.

Theo Cơ quan điều tra, trung bình hàng tháng công ty này tổ chức hàng chục chuyến, đưa hàng trăm khách hàng đến "dự án ma" và dùng các chiêu thức nói trên để chiếm đoạt trên 20 tỷ đồng mỗi tháng. 

Qua vụ việc, cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân nếu có nhu cầu đầu tư mua bán đất ở, nhà ở thật sự thì nên lên cổng thông tin hành chính công hoặc trực tiếp đến phòng tiếp dân của các cơ quan chức năng có liên quan ở cấp xã (phường), huyện (quận) để tra cứu thông tin pháp lý về dự án, nhà ở để tránh rơi vào bẫy lừa đảo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem