Cơn "mưa vàng" ở Lai Châu và nước mắt nhà nông khi những con cá tầm to như cột nhà ra đi theo nước lũ

Tuấn Hùng Thứ tư, ngày 14/06/2023 16:46 PM (GMT+7)
Sau những tháng ngày nắng lửa, hạn hán hoành hành khắp nơi, người dân Lai Châu mừng như trảy hội khi vừa đón những cơn mưa lớn. Nhưng những cơn mưa tưởng chừng quý như "vàng" này lại lấy đi không ít nước mắt của người nông dân xã Sơn Bình, huyện Tam Đường.
Bình luận 0

Clip: Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng".

Cơn mưa vàng và nước mắt nông dân Lai Châu

Có mặt tại khu chăn nuôi cá nước lạnh của gia đình ông Đỗ Trí Đoàn, bản Chu Va 12 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu) phóng viên Dân Việt đã kịp thời ghi lại những mất mát, hư hại về tài sản khi cơn lũ càn quét đêm 13/6 vừa qua.

Lau vội khóe mắt ươn ướt, ông Đoàn rưng rưng nói, cơn mưa lớn kéo dài suốt đêm, nằm trong nhà tôi thấy mừng thay cho bà con nhà nông. Mừng vì bà con sẽ có nước tưới tiêu và hứa hẹn một mùa bội thu, mà không thể ngờ chính những hạt mưa tưởng quý như vàng lại gây cho tôi thiệt hại lớn như vậy.

Ông Đoàn cho biết: "6h sáng, dòng nước đục ngầu từ con suối Nậm Dê bất ngờ tạo thành lũ ống, phá toang kè suối, lao ầm ầm vào các bể nuôi cá của gia đình ông. Nước lớn và chảy rất xiết khiến chúng tôi không kịp trở tay, khoảng 70 tấn cá tầm nhiều kích cỡ được gia đình tôi nuôi trong gần 30 chiếc bể phút chốc trôi theo dòng nước".

Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng" - Ảnh 2.

Những cơn mưa đầu mùa tưởng chừng quý như vàng mười lại đang lấy đi không ít nước mắt của người nông dân chân lấm tay bùn nơi sơn cước xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: Tuấn Hùng

Cơn lũ đến nhanh và đi cũng chóng vánh, nhấn chìm mọi thứ trên đường đi, 1 giờ đồng hồ sau khi cơn lũ đi qua, chúng tôi mới dám kiểm kê và khắc phục hậu quả của cơn lũ. Thật đau xót, lượng cá còn giữ lại chắc chỉ chừng 10%, trong đó một lượng lớn đã chết.

Chỉ vào những con cá to vài kg vứt lăn lóc bên bờ ao, ông Đoàn cho hay: "Gia đình tôi có hơn 100 con cá tầm bố mẹ, con nặng nhất trên 40kg, hơn 400 con cân nặng từ 8 – 12kg, khoảng 50 tấn cá thương phẩm từ 1kg – 2,5kg và rất nhiều cá giống đều bị cuốn trôi.

Nếu tính theo giá thị trường thì tai nạn này lấy đi của gia đình tôi gần 12 tỷ đồng. Giờ không biết tính sao để phục hồi. Tất cả vốn liếng hơn 10 năm qua của gia đình tôi chớp mắt trôi theo cơn lũ".

Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng" - Ảnh 3.

Cơn lũ với dòng nước đục ngầu đến rất nhanh và cuốn trôi gần tất cả số cá tầm của gia đình ông Đỗ Trí Đoàn. Ảnh: Tuấn Hùng

Gia tài tiền tỷ phút chốc bốc hơi

Nhìn những con cá chết nằm rải rác và những thiệt hại về tài sản của lão nông Đỗ Trí Đoàn, chúng tôi thấy chạnh lòng  khi biết hơn 10 năm qua, ông Đoàn đã vun vén, vay mượn họ hàng, xóm giềng để đầu tư gây dựng trang trại vài chục tỷ để nuôi cá tầm.

Trong ngôi nhà cấp 4 được xây kiên cố, một bên là quốc lộ 4D, một bên là dòng suối Nậm Dê vẫn ầm ầm chảy xiết, rót chén nước mời khách, ông Đoàn bồi hồi kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, là con trai cả trong gia đình có 9 khẩu, bố mẹ đều làm nông. Thương bố mẹ vất vả nên học hết lớp 7 tôi xin nghỉ học, ở nhà phụ giúp bố mẹ nuôi các em.

Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng" - Ảnh 4.

Năm 1980, ông Đoàn xung phong vào quân ngũ, đơn vị của ông là D29, Sư đoàn 327, Quân đoàn 14 đóng tại tỉnh Lạng Sơn. Sau 5 năm cống hiến trong quân đội, ông may mắn được người anh trai xin cho vào làm lái xe cho Công ty Rau quả Trung ương có chi nhánh ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu.

Suốt những năm cống hiến ở đơn vị mới, ông luôn năng nổ cống hiến xây dựng đơn vị và quê hương Sìn Hồ. Đến năm 2006, ông xin nghỉ hưu sớm để phát triển kinh tế gia đình, sẵn có nghề lái xe, ông xoay ra chạy xe khách kiếm thêm, vợ chồng ông làm lụng vất vả mà cũng chỉ đủ ăn hàng ngày. Quyết tâm làm giàu, ngoài chạy xe khách, vợ chồng ông còn làm thêm cả nghề thợ xây và nhiều việc khác để có tiền nuôi các con ăn học.

Năm 2010, thấy ông Đoàn vất vả, một người bạn nuôi cá trên đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn đã cho ông mượn đất, vay vốn và cá giống về nuôi ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng" - Ảnh 5.

Mấy chục tấn cá của lão nông Đỗ Trí Đoàn bị lũ cuốn trôi, một số cứu được thì đã chết. Ảnh: Tuấn Hùng

Ban đầu, do vốn ít nên mô hình nuôi cá của ông chỉ vỏn vẹn có 300 mét vuông, nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Nỗ lực nhiều năm, từ được sự giúp đỡ của anh em, bạn bè trong Hợp tác xã Cá nước lạnh Hoàng Liên, cùng với niềm đam mê nuôi cá, ông mạnh dạn vay vốn từ người thân và ngân hàng để mở rộng chăn nuôi.

Quy mô nuôi cá của ông cứ thế tăng dần theo từng năm, nhờ giỏi xoay xở và mát tay trong chăn nuôi, cá tầm của ông bán rộng rãi ra thị trường, mang về nguồn thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, ông có điều kiện giúp con gái cả học xong đại học kế toán và đưa cậu con trai út theo học Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Những tưởng tương lai tươi sáng ấy sẽ bền lâu, ai ngờ năm 2018, một cơn lũ quét tràn qua trang trại nuôi cá và cuốn đi của ông tất cả. Lần đó ông Đoàn mất trắng hơn 5 tỷ đồng. Thiệt hại lớn năm ấy cũng làm lỡ dở ước mơ du học ở nước Anh của cậu con trai.

Nước mắt nhà nông trong cơn "mưa vàng" - Ảnh 6.

Cơn lũ đi qua, làng xóm láng giềng nỗ lực cứu giúp gia đình ông Đỗ Trí Đoàn. Ảnh: Tuấn Hùng

Vấp ngã nhưng ông Đoàn không từ bỏ, từ số tiền tích cóp, ông lại vay mượn người thân, vay ngân hàng khôi phục chăn nuôi. Vợ chồng ông nỗ lực ngày đêm, dần rồi trang trại cũng từng bước được phục hồi. Có tiền ông cũng có điều kiện giúp cậu con trai đi du học tại Anh.

Nhưng thật trớ trêu, cơn lũ quái ác đêm 13 vừa qua lại một lần nữa đưa ông về với 2 bàn tay trắng. Nhìn cơn lũ tràn về, lòng ông muốn cứu cá lắm nhưng cơn lũ quá hung dữ khiến gia đình ông Đoàn lực bất tòng tâm.

Trời Chu Va vẫn mưa rả rích, chia tay gia đình ông Đoàn trong bùi ngùi, chúng tôi ra về với niềm cảm phục sâu sắc khi nghe lão nông Đỗ Trí Đoàn thổ lộ: "Tôi vẫn quyết tâm theo nghề này và tìm mọi cách để phục hồi trang trại".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem