“Còn mạnh ai nấy làm, đừng mơ nông nghiệp phát triển”

Minh Trung (thực hiện) Thứ hai, ngày 11/04/2016 10:00 AM (GMT+7)
Chưa khi nào, ngành nông nghiệp nước ta lại gặp hàng loạt khó khăn như hiện nay, từ thiên tai, hạn hán đến việc được mùa rớt giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm… Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến những đến hàng loạt các khó khăn này?
Bình luận 0

PV Dân Việt đã trao đổi với PGS-TS Vũ Trọng Khải, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II tại TP.HCM. Theo ông Khải, mấu chốt của vấn đề là hiện chúng ta đang thiếu chiến lược quy hoạch chung cho toàn ngành nông nghiệp nước nhà, mỗi địa phương vẫn làm theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Mạnh ai nấy làm

Để nói về những hạn chế, khó khăn của ngành nông nghiệp nước ta thì có rất nhiều điều phải bàn. Song nhìn nhận ở góc độ toàn diện nhất, ông có thể cho biết những khó khăn đó nằm ở đâu?

- Trong suốt thời gian dài vừa qua, công cuộc đổi mới toàn diện kinh tế -xã hội Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, không ai có thể phủ nhận. Nhưng những thành tựu đó vẫn không tương xứng với tiềm năng của đất nước, điều kiện tự nhiên, vốn đầu tư và lao động cần cù của toàn dân tộc.

Trước hết là về tư duy kinh tế. Trong thời gian dài chúng ta lấy đơn vị hành chính cấp tỉnh làm đơn vị phát triển kinh tế. Mỗi tỉnh đều đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng GDP và đổi mới cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, hiện nay chúng ta có 63 đơn vị hành chính, đồng thời là 63 đơn vị kinh tế. Cộng với kinh tế T.Ư, thành ra 64 đơn vị kinh tế của đất nước, phát triển theo kiểu mạnh ai nấy làm.

img

Thiếu chiến lược quy hoạch chung, nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.  Ảnh: I.T

Điều đó gây ra các lãng phí hết sức lớn về nhân tài, vật lực và mất đi cơ hội phát triển. Hiện nay rất nhiều tỉnh đã thấy vấn đề này và “ngồi lại” với nhau để bàn liên kết kinh tế vùng nhưng đó là một quy trình ngược. Bản thân việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng theo vùng ở cấp quốc gia đã bao hàm nội dung liên kết nội vùng giữa các tỉnh có điều kiện tự nhiên kinh tế -xã hội tương tự nhau, một cách tự giác có ý thức ngay từ đầu.

Để khắc phục nhược điểm trên, phải xây dựng chiến lược kinh tế -xã hội nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Cùng với đó, quy hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng theo vùng kinh tế sinh thái cấp quốc gia và các tiểu vùng trong từng vùng.

Trên phạm vi quốc gia người ta phải chia lãnh thổ đất nước ra nhiều vùng kinh tế sinh thái khác nhau, trên cơ sở các tiêu chí về tự nhiên, kinh tế, xã hội- nhân văn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với nông nghiệp - là ngành phụ thuộc trực tiếp vào điều kiện tự nhiên, sinh thái và nhân văn.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chúng ta không thể làm nông nghiệp theo kiểu riêng rẽ, mà phải làm tập trung, có thương hiệu quốc gia. Để khắc phục việc các địa phương mỗi nơi làm một kiểu, chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?

- Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và biến đổi khí hậu khó lường, ngành nông nghiệp phải chủ động xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp và quy hoạch kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp theo vùng lãnh thổ sinh thái ở tầm quốc gia.

Chiến lược và quy hoạch này phải phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội nói chung vừa phù hợp với lợi thế so sánh của từng vùng. Phải coi việc làm này là nội dung cơ bản của sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững mà chúng ta thường gọi là xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt chú ý hạ tầng thủy lợi

Ông có thể gợi ý về chiến lược sản phẩm của một vài vùng nông nghiệp sinh thái?

- Đặc điểm nổi bật của nền nông nghiệp Việt Nam, khác với một số nước, là bình quân ruộng đất đầu người rất thấp. Do vậy, chỉ tiêu hiệu quả kinh tế quan trọng nhất không phải là số thu nhập trên một đồng vốn đầu tư mà là số thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

Vì vậy, ở đồng bằng sông Hồng, quy mô đất canh tác của mỗi hộ chừng 3.000m2, nếu trồng lúa họ sẽ không đủ sống. Nhưng nếu nơi đây tổ chức sản xuất rau quả theo chuỗi giá trị ngành hàng như nói ở trên để xuất khẩu cho vùng Đông Bắc Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc thì diện tích đó có thể nuôi được 1 hộ với 5 khẩu.

Ở vùng núi Đông Bắc và Tây Bắc, do khí hậu khắc nghiệt nên đã sinh ra những cây làm thuốc rất quý hiếm và được dân bản địa sử dụng thành các bài thuốc gia truyền, có giá trị phòng và chữa bệnh cao. Nếu chúng ta đầu tư ứng dụng công nghệ cao thì vùng này có thể cung ứng những dược phẩm, thực phẩm chức năng có giá trị gia tăng cao nhưng với điều kiện phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển cả trong khâu khoanh nuôi, trồng trọt lẫn chế biến dược liệu.

Nước ta có 2 vùng được coi là “thủ đô” của nông nghiệp là ĐBSCL và Tây Nguyên, nhưng hiện cả 2 vùng này đều đang gặp khó khăn do hạn hán. Theo ông, để vượt qua khó khăn này,  cần phải làm gì để thay đổi?

- Vùng ĐBSCL với lợi thế về sản xuất lúa gạo, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nhưng cần xem xét lại việc thu hẹp diện tích trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia hay đầu tư phát triển để xuất khẩu. Bởi vì ngành lúa gạo sử dụng một lượng nước rất lớn trong khi nguồn nước ngọt ngày càng quý hiếm.

Đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và rừng Tây Nguyên bị phá hủy cho nên càng gia tăng xuất khẩu lúa gạo, người dân không thể làm giàu mà còn phá hủy môi trường sinh thái của đất nước. Vì vậy, chỉ có thể làm giàu bằng nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái. Cho nên, xây dựng kết cấu hạ tầng, đặt biệt là thủy lợi phải phục vụ cho cả trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn trái trên phạm vi từng vùng và tiểu vùng.

Với Tây Nguyên, không thể coi cây cao su là cây rừng. Vì muốn giữ được nguồn nước, rừng phải đa dạng các chủng loại cây, đa tầng, đa lớp. Rừng cao su không bao giờ giữ được nguồn nước. Mặt khác, việc phát triển nóng cây cà phê và hồ tiêu đến mức phải sử dụng nguồn nước ngầm đồng thời phát triển quá nhiều các nhà máy thủy điện đã hủy hoại rừng Tây Nguyên. Không thể chấp nhận trên 1 con sông có 6 - 7 nhà máy thủy điện như hiện nay. Cho nên chúng ta phải nghĩ đến việc như một số nước đã làm là phá bỏ bớt một số nhà máy thủy điện, giảm bớt diện tích cao su, cà phê.

Mặc khác, ở Tây Nguyên các dân tộc thiểu số từ ngàn xưa đã coi rừng là Giàng. Chỉ có họ mới bảo vệ được rừng. Hãy để cho họ làm người chủ thực sự của những cánh rừng đại ngàn Tây Nguyên.

Xin cảm ơn ông!

img

Mỗi vùng kinh tế sinh thái nói chung và nông nghiệp nói riêng đều có những lợi thế so sánh riêng. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược kinh tế -xã hội nói chung và sản phẩm nông nghiệp quốc gia và quy hoạch kết cấu hạ tầng theo vùng sinh thái là phát huy lợi thế so sánh của mỗi vùng,  hạn chế những nhược điểm, bất lợi của nó để phát triển một cách có hiệu quả và bền vững cả về kinh tế -xã hội và môi trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của các địa phương, các nhóm dân cư trên quy mô vùng lãnh thổ và tầm quốc gia”.

PGS-TS Vũ Trọng Khải

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem