"Cơn bĩ cực" của người nuôi gia cầm: Gà thải loại bỏ đầu, bỏ chân nhập ngoại “đè bẹp” gà nội (Bài 3)

Thiên Hương Thứ tư, ngày 21/06/2023 06:00 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh nguồn cung nội địa đang dư thừa, việc cho phép nhập khẩu sản phẩm gia cầm, chân gà, cánh gà một cách dễ dãi càng làm giá gà, vịt trong nước giảm sâu.
Bình luận 0

Ngoài những nguyên nhân như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí điện nước, vaccine, nhân công cũng "đội" lên sau dịch Covid-19… thì các chuyên gia đã nhiều lần lên tiếng về việc các loại thịt gia cầm giá rẻ được nhập khẩu về ồ ạt, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm gia cầm trong nước, làm khó cho người chăn nuôi.

Trong bối cảnh nguồn cung nội địa đang dư thừa, việc cho phép nhập khẩu sản phẩm gia cầm, chân gà, cánh gà một cách dễ dãi càng làm giá gà, vịt trong nước giảm sâu.

Gà thải loại, gà đông lạnh nhập khẩu số lượng lớn

Thảm cảnh của người chăn nuôi gia cầm (bài 3): Gà ngoại “đè bẹp” gà nội - Ảnh 1.

Gà dai đông lạnh nguyên con nhập từ nước ngoài được bán tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: TÚ UYÊN

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam, trong năm 2022, giá trị lượng thịt gà nhập khẩu đã chạm mức 237 triệu USD để nhập khoảng 178.000 tấn thịt gà, bất chấp nguồn cung trong nước vốn đã dư thừa.

Ở chiều ngược lại thì chỉ xuất được 1.000 tấn với tổng trị giá 2,2 triệu USD. Như vậy, giá thịt gà xuất khẩu khoảng 2,2USD/kg thì thịt gà nhập khẩu bình quân chỉ 1,33USD/kg.

Báo cáo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA) cho thấy, 2 năm trở lại đây, tăng trưởng nhập khẩu thịt gia cầm lên tới 60%, trong khi tăng trưởng sản xuất trong nước chỉ 6,14%. 

Cụ thể, năm 2021, nhập khẩu các sản phẩm gia cầm đạt 225.000 tấn; năm 2022, các doanh nghiệp tiếp tục nhập 246.575 tấn sản phẩm gia cầm đã qua giết mổ và gà sống nhập về dùng để giết mổ là 6.603 tấn, tăng 100,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2022, đùi gà là sản phẩm được nhập về nhiều nhất, với số lượng 100.441 tấn. Tiếp đến là chân gà với 43.695 tấn, thịt gà nguyên con khoảng 43.309 tấn, thịt gà xay 25.671 tấn, cánh gà 22.628 tấn. Ngoài ra, nước ta còn nhập cả cổ gà, da gà, ức gà, tim mề gia cầm... với 10.832 tấn. Đáng nói, đây là những phụ phẩm nước ngoài không ăn nên có giá bán "siêu rẻ".

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch VIPA cho biết, đây là con số nhập khẩu chính thức. Ngoài ra, mỗi năm ước tính còn có hàng trăm nghìn tấn gà đẻ thải loại (gà sống) được nhập lậu vào Việt Nam qua biên giới. 

"Thông tin chúng tôi nắm được, mỗi năm có hàng trăm nghìn con gà thải loại "đi bộ" từ Thái Lan, qua Campuchia vào Việt Nam. Gà thải loại này có giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, với giá này thì gà trong nước làm sao cạnh tranh nổi" - ông Sơn nói.

Thảm cảnh của người chăn nuôi gia cầm (bài 3): Gà ngoại “đè bẹp” gà nội - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp còn nhập khẩu một lượng khá lớn gà đẻ thải loại đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân, bỏ nội tạng từ Hàn Quốc về Việt Nam. Ảnh: I.T

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn nhập khẩu một lượng khá lớn gà đẻ thải loại đông lạnh đã bỏ đầu, bỏ chân, bỏ nội tạng từ Hàn Quốc về Việt Nam, còn gọi là gà dai. Loại gà này được nhập về bằng cả container nên giá chỉ từ 32.000-35.000 đồng/kg.

Theo ước tính của VIPA, năm 2022, sản lượng gà thịt nhập khẩu chiếm khoảng 20-25% trong tổng lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Đây là con số cực kỳ lớn, gây áp lực với sản phẩm gia cầm nội địa, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay khi tổng cầu giảm còn tổng cung lại tăng mạnh.

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, dù lượng thịt gia cầm và phụ phẩm ăn được nhập khẩu về chiếm tỷ lệ không nhiều so với tổng sản lượng thịt nội địa, song trong lúc nguồn cung đang dồi dào còn nhu cầu tiêu thụ lại giảm thì rõ ràng, hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn đã ảnh hưởng tới ngành chăn nuôi trong nước. 

Hiện cả giá gà, giá vịt, giá trứng đều đang ở mức thấp, người chăn nuôi gà đang phải gánh lỗ khoảng 10.000 đồng/kg khi xuất chuồng.

Ông Đoán cho biết, tại địa bàn Đồng Nai, trong 3 năm qua nhiều người chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ nghề, cho thuê lại trang trại, hoặc chuyển sang nuôi gia công cho các công ty vốn nước ngoài. Ngay một số công ty chăn nuôi gia cầm lớn cũng phải thu hẹp sản xuất, giảm đàn, nếu tình trạng này kéo dài thì sẽ có nguy cơ phá sản.

Cần có biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhìn nhận, khi Việt Nam gia nhập sân chơi WTO và các hiệp định thương mại tự do, sản phẩm chăn nuôi từ các nước xuất vào nước ta là điều khó tránh. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước thì Việt Nam sẽ thành bến đỗ của nhiều sản phẩm chăn nuôi giá rẻ trên thế giới. 

Do đó, VIPA đã có công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp các địa phương thường xuyên, liên tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Đồng thời, VIPA cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan phối hợp các hiệp hội ngành hàng xây dựng hàng rào kỹ thuật đủ mạnh đối với thịt nhập khẩu, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các sản phẩm sản xuất trong nước. Chủ tịch VIPA cho rằng, chúng ta đang dễ dãi trong việc cho phép các sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT - Lê Minh Hoan cũng cho rằng, Việt Nam đã gia nhập vào thương mại quốc tế nên muốn xuất khẩu thì phải nhập, vấn đề là kiểm soát trong nhập khẩu. Việc kiểm soát nhập khẩu hoàn toàn trong tầm tay, đây là vì sức khỏe người tiêu dùng và cũng sẽ tác động tới ngành chăn nuôi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem